Ý định rút quân khỏi Syria của chính quyền của Tổng thống Donald Trump là không hề mới, song Mỹ luôn phải đắn đo làm thế nào để rút quân mà không bị Iran thế chân tại khu vực.
Tổng thống Nga Putin sánh bước bên người đồng cấp Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP |
Mỹ đắc lợi khi Nga quay lưng với Iran
Trong khi Washington loay hoay suốt thời gian qua để tìm lời giải cho bế tắc này, thì tuyên bố mới đây của Tổng thống Nga Putin lại bất ngờ mở lối giúp người đồng cấp Mỹ.
Sputnik ngày 21/5 đưa tin, Tổng thống Putin đã kêu gọi Iran và tất cả các lực lượng nước ngoài rời khỏi Syria. Từ khi Nga đưa quân tới Syria hồi cuối năm 2015 đến nay, quân đội Syria đã đẩy lùi lực lượng đối lập và nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, cũng như dập tắt hầu hết các mối đe dọa làm lung lay chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Đặc biệt, trong những tháng qua “tàn quân” của các nhóm đối lập và khủng bố cũng liên tiếp bại trận.
Đưa ra kêu gọi rút quân khi gặp Tổng thống Syria Bashar al-Assad tại thành phố Sochi (Nga) hôm 19/5, Tổng thống Putin nhấn mạnh, đây là thời điểm để Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và cả Iran rút khỏi Syria. Đây là thời điểm quốc gia Trung Đông này bắt đầu tiến trình chính trị sau hơn 7 năm khủng hoảng và nội chiến.
Việc Tổng thống Putin muốn Mỹ rút quân khỏi Syria không hề mới, sự lạ thường chính là việc ông muốn Iran-một đồng minh của Moscow, làm điều này. Lời kêu gọi của Tổng thống Putin không khác gì việc ông muốn Iran từ bỏ chính sách thiết lập ảnh hưởng từ Tehran tới Beirut (Lebanon).
Tất nhiên là Iran đã đáp trả lại một cách giận dữ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran khẳng định: “Không ai có thể bắt buộc Iran phải làm gì”. Tờ thời báo Israel (The Israel Times) cũng đăng tải phát ngôn này, trong bối cảnh, quan hệ đồng minh Nga-Iran xuất hiện những rạn nứt lớn.
Các cơ sở của Iran tại Syria liên tiếp bị Israel tấn công, trong khi Nga từ chối sử dụng các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại đang triển khai tại Syria để bảo vệ đồng minh Iran.
Với Tehran, lời kêu gọi rút quân khỏi Syria là một “giấc mơ viển vông”. Iran hiện có khoảng 70.000 binh sĩ thuộc lực lượng quân đội chính thức triển khai tại Syria. Bên cạnh đó là các lực lượng đồng minh, lực lượng không chính thức nhận hỗ trợ từ Tehran. Một số thông tin cũng cho biết, Iran đang đặt hơn 100.000 tên lửa tại Syria.
Khi chính quyền al-Assad đã giành lại quyền kiểm soát phần lớn đất nước cũng là lúc Nga và Iran dần bộc lộ sự chia tách lợi ích tại Syria. Đặc biệt, các nhà phân tích Nga cho rằng, Moscow đang ngày càng lo ngại việc Iran cố gắng biến Syria thành một tuyến phòng vệ chống lại Israel, cũng như việc Iran gia tăng sức mạnh quân sự của mình tại Lebanon, Jordan và các phần lãnh thổ Palestine.
Iran đơn độc đương đầu với Mỹ và Israel
Chính sách “thù địch” của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm vào Iran rõ như ban ngày. Tổng thống Trump đã thực hiện đúng tuyên bố trong chiến dịch tranh cử của mình là rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015, bất chấp hệ quả và xung đột lợi ích với các đồng minh thân cận nhất.
Ngày 21/5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã công bố “chiến lược mới” của Mỹ trong vấn đề hạt nhân Iran, với bản danh sách 12 điều kiện cho một thỏa thuận hạt nhân mới. Mỹ đưa ra những yêu cầu ngặt nghèo hơn về hạt nhân, chấm dứt chương trình tên lửa đạn đạo và sự can dự của Iran vào các cuộc xung đột tại Trung Đông.
Chính quyền Tổng thống Trump không hề giấu diếm ý định “đá” Iran khỏi chiến trường Syria. Đây là kế hoạch mà Mỹ cũng đồng minh Israel vô cùng “tâm đầu ý hợp”.
Trong khi Mỹ can thiệp Syria để trừng phạt và ngăn chặn chế độ Assad thì Israel lại lo ngại việc gia tăng ảnh hưởng của Iran. Không nhằm vào chính quyền Syria, thay vào đó, Nhà nước Do thái Israel muốn ngăn chặn Iran xây dựng lực lượng bên trong Syria và lợi dụng chiến trường này đe dọa tới các khu vực biên giới Israel.
Vụ không kích của Israel tiến hành đêm 9/5 là hành động quân sự mạnh mẽ nhất của Không quân Israel tại Syria kể từ năm 1973, tuy nhiên, các mục tiêu bị tấn công lại là cơ sở hạ tầng quân sự của Iran.
Cuộc tấn công diễn ra vài giờ sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngồi cạnh Tổng thống Nga Putin để theo dõi cuộc diễu binh hàng năm mừng Ngày Chiến thắng tại Moscow. Nhiều ý kiến quan sát cho rằng Tổng thống Putin đã để Israel “rảnh tay xử lý” Iran tại Syria. Hệ thống phòng không Nga vận hành tại Syria, trong đó có S-300 đã không có bất cứ động thái nào để ngăn chặn cuộc tấn công này. Moscow dường như hài lòng khi duy trì được cân bằng trong mối liên hệ với Iran và Israel, miễn là xung đột này không đe dọa tới chế độ của Tổng thống Syria al-Assad.
Israel chắc chắn sẽ không chùn tay trong việc ngăn chặn Iran và các cuộc không kích được dự báo sẽ còn tiếp diễn trong tương lai.
“Giấc mơ viển vông đá Iran khỏi Syria” của chính quyền Tổng thống Trump có thể trở thành hiện thực, với hỗ trợ của đồng minh Israel và đặc biệt khi Putin quay lưng với Tehran./.
Tác giả: Hoàng Lê
Nguồn tin: Báo VOV