Xe

Phương pháp tự đoán 'bệnh' điều hòa ôtô

Nếu chiếc điều hòa đột nhiên "phản chủ" vào một ngày nóng nực, bạn có thể tự tìm nguyên nhân để biết có thể tự sửa hay phải tốn tiền mang ra xưởng.

Với những hướng dẫn của Wikihow, bạn có thể tự chẩn bệnh của điều hòa nhiệt độ trên xế cưng. Và dù hỏng hóc không thể tự sửa, bạn cũng có lợi thế khi mang xe tới xưởng nhờ đã biết tại sao thiết bị này không hoạt động.

Phương pháp 1: Thu thập thông tin ban đầu

1. Bật điều hòa khi xe đang chạy:


Thiết lập tốt nhất để đoán bệnh là "khí mát" với luồng không khí thổi ra từ các khe gió trung tâm trên táp-lô khi điều hòa đang bật.

- Bắt đầu với việc bật quạt gió ở mức cao nhất.

- Nếu xe của bạn có thiết lập "Max AC", hãy chọn mức này.

2. Lắng nghe tiếng động bất thường từ điều hòa:


Tiếng ồn có thể cho thấy có vấn đề nào đó với máy nén và thiết bị này cần được sửa hoặc thay mới.

3. Cảm nhận gió thổi ra từ các khe gió:


Bạn cần phân biệt được gió mát, nhiệt độ phòng hoặc khí nóng. Vì thế hãy ghi nhận nếu luồng khí ban đầu mát nhưng rồi sau đó chuyển ấm, nóng, hoặc bình thường thì ấm nhưng đôi khi lại thổi ra luồng mát lạnh.

4. Để ý áp suất không khí:


Chỉnh áp suất ở mức cao nhất và thấp nhất để kiểm tra lưu lượng không khí thay đổi có như thường ngày hay không.

5. Cảm nhận mùi không khí từ các khe gió:


Nếu có bất cứ mùi gì bất thường, bạn có thể gặp trường hợp bị rò rỉ thứ gì đó. Bạn có thể cần thay lọc gió cabin.

6. Kiểm tra cầu chì:




Xem lại sách hướng dẫn sử dụng để xác định vị trí bảng cầu chì trên xe, có thể dưới nắp ca-pô, trong cốp, hoặc thậm chí dưới khu vực để chân của tài xế. Một cầu chì bị nổ có thể khiến điều hòa "đình công".

Phương pháp 2: Chẩn đoán bệnh từ luồng không khí

1. Kiểm tra các khe gió:


Đảm bảo áp suất đi ra từ các khe gió bạn đã chọn. Dịch chuyển các cần gạt chỉnh gió để xem hướng đi của gió. Nếu việc dịch chuyển không mang lại tác động nào, bạn đã gặp rắc rối với cửa gió điều hòa, thứ có thể khiến bạn phải thay các cửa nằm bên trong táp-lô, nơi định hướng luồng không khí.

Các cửa này thay đổi vị trí khi nhiệt độ được chọn bị thay đổi, ngăn dòng khí hoặc cho phép dòng khí thoát ra, nóng hoặc lạnh.

Đôi khi các cửa gió của điều hòa gặp trục trặc nhưng hệ thống vẫn hoạt động tốt, tuy nhiên luồng không khí đi theo "hướng nào đó", như ngược về động cơ thay vì vào cabin.

2. Xem xét khoang lọc gió:


Làm việc này ngay, đặc biệt khi có mùi lạ hoặc nếu bạn nghĩ đôi khi áp suất giảm nhẹ. Có thể bạn sẽ tìm thấy bụi bẩn hoặc những mảnh vụn trong đó. Lọc gió gặp vấn đề có thể gây phiền tới áp suất. Thay lọc gió là cách dễ làm và không mấy tốn kém.

Sách hướng dẫn sử dụng của xe có thể có những chỉ dẫn về cách thay lọc gió. Nếu không, có thể tìm kiếm trên mạng, theo năm sản xuất, hãng, và mẫu xe bạn sở hữu.

3. Kiểm tra động cơ quạt gió:


Cách dễ nhất để làm điều này là bật chế độ làm nóng. Nếu thấy luồng khí yếu trong khi độ nóng vẫn ổn, động cơ quạt gió của bạn có thể đã "tử trận". Thiết bị này có thể gặp vấn đề với bộ điện trở nếu gió chỉ thổi khi thiết lập ở mức cao nhưng mức thấp lại "liệt".

Điều không may là chuột và một số loài gặm nhấm khác thỉnh thoảng lại xây nhà trong đường ống của hệ thống điều hòa và có thể gây hại tới động cơ quạt gió. Tiếng ồn (hoặc mùi lạ) khi bật chế độ làm nóng có thể là dấu hiệu của những vấn đề này.

Phương pháp 3: Chẩn đoán bệnh từ nhiệt độ không khí

1. Tìm mặt trước tụ điện điều hòa:


Thiết bị này thường nằm phía trước két nước làm mát. Nếu có vài chiếc lá hoặc bụi bẩn bám ở đó, hãy làm sạch.

2. Xem xét dưới nắp ca-pô, nơi ly hợp máy nén điều hòa:


Nếu áp suất bình thường nhưng phả hơi nóng, bạn có thể gặp rắc rối với máy nén. Kiểm tra để biết ly hợp máy nén có vấn đề gì không là thao tác đơn giản. Thiết bị này thường nằm phía trước động cơ, ngay mặt sau lưới tản nhiệt.

Lúc này, nên bật điều hòa để kiểm tra ly hợp máy nén, một thứ trong giống một động cơ nhỏ với một bánh xe lớn phía sau. Bánh xe này (chính là ly hợp máy nén) sẽ đang quay (vì điều hòa đang bật). Nếu bánh xe không quay, tức máy nén gặp trục trặc.

3. Kiểm tra độ căng của dây đai máy nén:


Dây đai cần căng khít. Nếu dây lỏng, trùng, có nghĩa bạn cần thay dây đai mới.

4. Kiểm tra có dấu hiệu rò rỉ nào ở hệ thống làm mát hay không:


Một trong những vấn đề phổ biến nhất với nhiệt độ điều hòa là mức làm mát thấp. Kiểm tra xem có dầu bám bên trong hay quanh các đầu ống nối với điều hòa hay không. Sự xuất hiện của dầu có thể cho thấy việc rò rỉ môi chất lạnh.

Bạn có thể sử dụng thiết bị điện tử giúp phát hiện lượng rò rỉ dù rất nhỏ. Nếu có dù chỉ một chỗ rò rỉ, bạn sẽ cần tới một thợ chuyên nghiệp. Có thể bạn phải thay mới một số linh kiện, bởi nhiều linh kiện không thể sửa chữa hay đắp vá.

5. Kiểm tra sự kết đông:


Nếu điều hòa thổi ra hơi lạnh vào lúc ban đầu nhưng sau đó dừng làm mát sau vài lần sử dụng, thiết bị có thể đã bị kết đông. Đường ra của không khí và hơi nước trong hệ thống có thể khiến các linh kiện bị kết đông.

Việc kết đông có thể xuất hiện do một bình chứa/máy sấy hoặc bình tích nhiệt bị bão hòa. Hãy tắt hệ thống một thời gian và để tan băng, điều này có thể cứu vãn rắc rối.

Nếu hiện tượng vẫn tồn tại, có thể hệ thống cần được rửa sạch hoặc xả bằng bơm chân không.

Tác giả bài viết: Mỹ Anh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok