Giải trí

Phục dựng chân dung 10 nữ liệt sĩ Ngã ba Đồng Lộc bằng AI

Ứng dụng công nghệ AI kết hợp với sự sáng tác, các thành viên của dự án cộng đồng AICOMIC đã phục dựng ảnh chân dung 10 nữ liệt sĩ Ngã ba Đồng Lộc một cách sống động.

Chân dung liệt sĩ Võ Thị Tần được AICOMIC phục dựng - Ảnh: NVCC

Anh Nguyễn Văn Khánh - đồng sáng lập dự án AICOMIC - chia sẻ với Tuổi Trẻ Online rằng nhóm đã mất khoảng hai tuần để hoàn thành phục dựng bộ ảnh chân dung của 10 nữ thanh niên xung phong đã hy sinh ngày 24-7-1968, tại Ngã ba Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Đó là chân dung các liệt sĩ Võ Thị Tần, Hồ Thị Cúc, Võ Thị Hợi, Nguyễn Thị Xuân, Dương Thị Xuân, Trần Thị Rạng, Hà Thị Xanh, Nguyễn Thị Nhỏ, Võ Thị Hà và Trần Thị Hường.

Chân dung 10 cô gái hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc - Ảnh: https://www.xaydungdang.org.vn

Phục dựng ảnh bằng tấm lòng tri ân

Anh Nguyễn Văn Khánh cho biết dự án AICOMIC có 8 thành viên, chủ yếu là những người yêu thích và am hiểu về công nghệ. Dự án ra đời nhằm chứng minh công nghệ AI có thể áp dụng nhiều vào đời sống thực tiễn.

Định hướng của ê kíp hướng tới phát triển truyện tranh bằng công nghệ AI. Điểm xuất phát là tạo ra truyện tranh để mọi người có thể xem, nghe và đọc, tiến tới giúp cộng đồng sáng tạo và tạo ra giá trị cho chính họ và cộng đồng.

Phục dựng bộ ảnh chân dung 10 nữ liệt sĩ Ngã ba Đồng Lộc thể hiện lòng tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ.

Anh Nguyễn Văn Khánh nói về lý do phục dựng: “Những bản phục dựng bằng tay trước đây về chân dung 10 nữ liệt sĩ chưa thật sự sống động nên nhóm quyết định dùng công nghệ AI phục dựng, để tăng độ phân giải của ảnh.

Lợi thế cũng là cái hay của AI là nhận diện được cấu trúc của khuôn mặt, để đẩy thêm các điểm ảnh ở phần thiếu, giúp gương mặt hoàn thiện hơn dù hình ảnh gốc không rõ”.

Liệt sĩ Hà Thị Xanh

Việc phục dựng ảnh bằng công nghệ AI không khó, nhưng đòi hỏi tốn nhiều thời gian và cả cái tâm của người phục dựng vào đấy.

Sau khi vẽ lại gương mặt bằng AI, nhóm còn dành thời gian sáng tạo để cho những bức ảnh thêm sinh động, tự nhiên hơn bằng cách đưa phong cảnh gần gũi cuộc sống vào. Từ đó, người xem sẽ cảm nhận nhân vật trong bức ảnh tươi đẹp và chân thật.

“Có như vậy, người xem mới có cảm giác nhân vật trong ảnh như còn hiện diện quanh đây hoặc tạo được cảm xúc cho người xem” - anh Nguyễn Văn Khánh nhấn mạnh.

Liệt sĩ Hồ Thị Cúc

Mất hai tuần phục dựng ảnh chân dung 10 liệt sĩ

Nhóm phục dựng chân dung liệt sĩ Võ Thị Hà đầu tiên. Bức ảnh này mất 4 ngày để thực hiện. Sau khi hoàn thiện, nhóm công bố và nhận được những góp ý chân tình, đồng thời rút kinh nghiệm.

Ngay sau đó, nhóm hoàn thành bộ ảnh chân dung 10 nữ liệt sĩ Ngã ba Đồng Lộc trong khoảng hai tuần. Có bốn thành viên của dự án thực hiện phục dựng bộ ảnh này.

Nhóm đã đưa bối cảnh lao động, chiến đấu vào ảnh phục dựng khiến khán giả khá ấn tượng, bởi có sự hình dung rõ ràng về gương mặt của các cô nữ thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh.

Bộ ảnh chân dung 10 nữ liệt sĩ này được chia sẻ trên mạng xã hội nhận được nhiều thiện cảm bởi phục dựng đẹp, có hồn, tươi mới, mang nhiều năng lượng.

Liệt sĩ Võ Thị Hà

Liệt sĩ Võ Thị Hợi

Khán giả bình luận: “Một công trình rất ý nghĩa, quá đẹp”; “Có được những tấm ảnh đẹp thì quý quá”; “Đẹp, xúc động”; “Khuôn mặt thơ ngây thương quá!”; “Tất cả đều xinh đẹp theo thời gian”…

Tuy nhiên vẫn có các ý kiến trái chiều về bộ ảnh này: “Đẹp nhưng có phần xa lạ với thực tế”; “Những cô gái Đồng Lộc này hiện đại hơn, đẹp hơn nhưng không giống với các cô gái ngày xưa. Tôi vẫn thích “phục dựng” giống như ngày xưa hơn”; “Xin hãy để các chị, các em ở thế hệ chúng tôi được sống trong sự giản dị, mộc mạc…”…

Anh Nguyễn Văn Khánh cho biết dù có những người nhận xét chưa đồng tình với những sáng tạo nhưng nhóm hài lòng vì đã góp một phần nào đó cho xã hội những giá trị tinh thần, hơn hết là ứng dụng AI vào đời sống.

Liệt sĩ Dương Thị Xuân

Liệt sĩ Nguyễn Thị Nhỏ

Liệt sĩ Trần Thị Rạng

Liệt sĩ Nguyễn Thị Xuân

Liệt sĩ Trần Thị Hường

AICOMIC còn phối hợp cùng dự án cộng đồng lietsi.com

Theo anh Lê Công Thành - đồng sáng lập dự án AICOMIC, giai đoạn 1 tìm kiếm thông tin lập thành hệ thống dữ liệu đã hoàn thành.

Giai đoạn 2 đưa hình ảnh vào hồ sơ. Có hàng triệu hồ sơ liệt sĩ cần đưa hình vào nên cần rất nhiều người có chuyên môn, có nhiều thời gian để tạo ra những bức ảnh tốt hơn.

Chính vì thế AICOMIC đã đào tạo online khóa đầu tiên cho 30 người, chuẩn bị đào tạo khóa thứ hai.

Tác giả: Hoài Phương

Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok