Giải trí

"Phù thủy" sân khấu mang hầu đồng ra ngoài biên giới

Nổi tiếng là ''phù thủy'' của sân khấu, đạo diễn Việt Tú rẽ ngang làm "Tứ phủ"lấy chất liệu từ Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt. cú rẽ đó đã mang đến cho khán giả một sân khấu hầu đồng lung linh huyền ảo, trả về những giá trị trong sáng, sơ khởi nhất của Tín ngưỡng Thờ Mẫu. Và không dừng ở đó, Việt Tú còn mang "Tứ phủ" ra nước ngoài.

Từ mong muốn phục dựng

Trong đêm diễn cuối cùng chia tay năm cũ 2016, tôn vinh "Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ" tại rạp Công Nhân, đạo diễn Việt Tú - Giám đốc chương trình "Tứ phủ" chia sẻ: "Đạo Mẫu là một tín ngưỡng vô cùng quan trọng và đặc biệt với văn hóa, lịch sử Việt Nam.

Đạo Mẫu thực sự là một tổng thể lộng lẫy tinh tế không bất kỳ đâu có được, xứng đáng đại diện cho văn hóa dân tộc trong mọi hoạt động quảng bá sắp tới cho văn hóa Việt Nam trên toàn thế giới".


Thực tế, gần 2 năm qua, cũng tại rạp Công Nhân, "Tứ phủ" đều đặn hai suất diễn mỗi tuần. Khán giả không ồ ạt nhưng ai đã đến thì say mê bởi vẻ đẹp huyền bí của nó.

Việt Tú nói, anh đến với "Tứ phủ" như một nhân duyên. Và anh tin, mình được chọn để làm việc đó. Nhưng mối nhân duyên ấy cũng có gốc gác sâu xa từ những ngày xửa ngày xưa. Việt Tú lớn lên, được tắm trong nguồn văn hóa dân tộc khi xem mẹ và các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Thăng Long biểu diễn.

Vì thế, sau nhiều năm tung hoành trên những sân khấu lớn như Bài hát Việt, Không gian Âm nhạc, nổi tiếng là "phù thủy" của sân khấu giải trí, Việt Tú quyết định trở về với những giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc. Đó cũng là cách anh trở về với chính bản thể của mình.

Hơn 3 năm tìm hiểu và một năm lên ý tưởng dàn dựng chương trình với mong muốn tạo dựng nghi lễ hầu đồng - vốn đang biến thiên theo đời sống- trả lại vẻ đẹp nguyên bản, tôn vinh sự lộng lẫy, tinh tế của nghệ thuật trong Đạo Mẫu để giới thiệu với bạn bè quốc tế mỗi lần ghé thăm Hà Nội. "Tứ phủ" ra đời.

Đó là cuộc du hành vào cõi tâm linh với sự kết hợp giữa những nét đẹp tinh tế nhất của tinh thần đạo Mẫu, nghi lễ Lên đồng với hiệu ứng của âm thanh, ánh sáng, hình ảnh trình chiếu độc đáo trong 45 phút trình diễn. Với tinh thần duy mỹ, "Tứ phủ" dẫn dụ người xem vào thế giới tâm linh nơi con người được giải thoát khỏi những muộn phiền, âu lo.

Nhưng để có 45 phút đó, Việt Tú đã mất 3 năm trời kỳ công tìm hiểu, lang thang đi xem các giá đồng, đọc sách, gạn lọc những gì tinh túy nhất, sơ khởi nhất của diễn xướng đó để mang lên sân khấu. 45 phút của "Tứ phủ" với ba giá Đệ Nhị, giá Ông Hoàng Mười, giá Cô bé Thượng Ngàn… đã làm mãn nhãn người xem và hiểu được những giá trị cốt lõi của nghi lễ hầu đồng vốn đang bị biến tướng và thế tục hóa.

Việc "Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ" vừa được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, thiết nghĩ, một phần cũng từ hiệu ứng của "Tứ phủ" đối với khán giả trong và ngoài nước.

Đến hành trình ra ngoài biên giới

"Tứ phủ" đã trở thành một địa chỉ văn hóa, không chỉ trong nước mà còn nhiều du khách nước ngoài khi đặt chân đến Hà Nội, muốn khám phá vẻ đẹp nguyên sơ của văn hóa Việt. Đặc biệt, nhiều tùy viên văn hóa của Anh, Pháp, Italia, Hungary, Canada cùng nhiều lượt khán giả nước ngoài đến thưởng thức.

Và một cơ duyên nào đó, tháng 11 - 2016, Việt Tú và ê kíp sáng tạo của anh được mời sang Anh tham dự Hội chợ du lịch thế giới năm 2016 tại London, một cơ hội hiếm có để mang văn hóa Việt - thứ văn hóa thuần túy nhất của Việt Nam (cùng với múa rối) quảng bá ở nước ngoài. Đây là một Hội chợ lớn của thế giới và lần đầu tiên một đoàn tư nhân của Việt Nam được mời đích danh.

Điều đó cho thấy sức hấp dẫn của "Tứ Phủ" đối với bạn bè quốc tế. Đến bây giờ, Việt Tú vẫn nhớ cảm giác hạnh phúc khi đoàn biển diễn "Tú phủ" nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả, giúp họ nhìn và hiểu hơn về văn hóa và con người Việt Nam. Khán phòng hơn 300 người trong đêm diễn đầu tiên chật kín chỗ.

Họ đến vì tò mò, vì lạ lẫm, nhưng cũng là để cảm nhận một không khí thuần Việt ở một nơi đô hội như London. Tinh thần Việt, sự hướng thượng, hướng tới vẻ đẹp của sự giải thoát, của niềm vui được tôn vinh. Đi tìm sự độc đáo, tiên phong của văn hóa dân tộc, đó sẽ là con đường chông gai.


Nhưng với người nghệ sĩ mà năng lượng của sự sáng tạo luôn tràn đầy thì đôi khi chông gai lại là động lực của sáng tạo. Việt Tú - người đàn ông có vóc dáng bé nhỏ, luôn ẩn mình phía sau cánh gà ấy đang đi tìm lại những vẻ đẹp đã và đang bị đánh mất.

Việt Tú nói rằng, anh sẽ bắt đầu năm 2017 với những sắc màu mới. "Tứ phủ" đã khép lại bằng màn diễn cuối cùng trong năm 2016. Và sẽ bắt đầu một sự khai phá mới. Một khai phá luôn hứa hẹn sự bất ngờ và thú vị. Việt Tú có đủ chiều sâu văn hóa, sự trải nghiệm để có thể làm được điều gì đó chạm tới vẻ đẹp cốt lõi của văn hóa Việt, không lai căng, vay mượn.

Tôi tin con người đã từng đi khắp nơi, trải nghiệm cuộc sống nhiều và con người luôn có ý thức hướng về nguồn cội ấy sẽ biết chắt lọc những tinh chất của văn hóa Việt để tôn vinh nó. Một nhà văn nào đó đã nói, đi đến tận cùng của văn hóa dân tộc mình, nguồn cội mình, ta sẽ bắt gặp thế giới. Đó là cách Việt Tú đang lựa chọn trong hành trình khám phá chính mình của anh.

Tác giả bài viết: Việt Hà

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok