Giáo dục

Phụ huynh phản ứng công văn của phòng giáo dục ở Sóc Trăng

Lãnh đạo trường Tiểu học Hùng Vương ở Sóc Trăng xin đấu thầu bếp ăn nhưng phòng giáo dục không đồng ý.

Chiều 12/6, ông Lâm Văn Hải, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hùng Vương ở TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng), cho biết đơn vị đang làm công văn gửi cấp trên về việc ban đại diện cha mẹ học sinh không đồng ý với nội dung công văn của Phòng GD&ĐT TP Sóc Trăng.

Công văn trên do Trưởng phòng Dương Thị Ngọc Diễm ký, yêu cầu trường Tiểu học Hùng Vương không tự tổ chức nấu ăn tại trường cho học sinh bán trú.

Năm học 2019-2019, nhà trường không được tổ chức đấu thầu nấu ăn tại trường để cung cấp suất ăn phục vụ cho học sinh bán trú vì thời gian công tác của hiệu trưởng còn không đầy một năm học (tháng 3/2019 nghỉ hưu) và thời gian để thực hiện quy trình, thủ tục mời thầu, đấu thầu cũng như xây dựng bếp ăn tại trường không đảm bảo tiến độ.

Phòng GD&ĐT Sóc Trăng còn giao trường Tiểu học Hùng Vương tái ký hợp đồng với doanh nghiệp Ẩm thực 36 trong năm học 2018-2019. Trường có hiệu trưởng mới thì tổ chức đấu thầu nấu ăn cho học sinh bán trú theo đúng quy định.

Văn bản của Phòng GD&ĐT TP Sóc Trăng. Ảnh: Việt Tường.

Trao đổi với Zing.vn, bà Dương Thị Ngọc Diễm cho biết thời gian công tác của hiệu trưởng không còn đủ một năm nên tạm tái ký một năm sau đó hoàn chỉnh kế hoạch và mời nhà thầu.

Bác lại lời vị trưởng phòng, thầy hiệu trưởng nói thời gian mời thầu và đấu thầu công khai diễn ra chỉ khoảng một tuần, vì hiện nay nhiều đơn vị đang chờ mua hồ sơ. Đối với việc nấu ăn tại trường, đơn vị có nhà ăn rộng, doanh nghiệp trúng thầu chỉ cần ngăn một đoạn làm bếp và mua sắm thiết bị nấu và ăn uống là xong.

"Bây giờ là mùa hè, đơn vị trúng thầu chuẩn bị khoảng một tháng là xong bếp ăn, đưa vào hoạt động ngay đầu năm học mới. Phòng GD&ĐT cương quyết không cho đấu thầu mà tái ký hợp đồng với Ẩm thực 36 thì trường phải chịu", ông Hải nói.

Trường Tiểu học Hùng Vương ở Sóc Trăng. Ảnh: Việt Tường.

Cũng theo hiệu trưởng trường Tiểu học Hùng Vương, hợp đồng cung cấp suất ăn với doanh nghiệp Ẩm thực 36 đã hết hạn một năm nên trường lập thủ tục đấu thầu hoặc tự nấu ăn cho học sinh trong năm học mới.

"Muốn nâng cao chất lượng bữa ăn cho học sinh và công khai minh bạch việc này nên cha mẹ các em và nhà trường muốn đấu thầu để ký hợp đồng từng năm nhưng phòng giáo dục không cho. Trường tự nấu ăn cho học sinh cũng không được nên tôi sẽ làm báo cáo gửi phòng về việc ban đại diện cha mẹ học sinh phản ứng, không chịu cho trường tái ký hợp đồng với Ẩm thực 36", ông Hải chia sẻ.

Theo biên bản họp cha mẹ học sinh mở rộng tại trường Tiểu học Hùng Vương ngày 9/6, nhiều phụ huynh cho rằng văn bản của Phòng GD&ĐT Sóc Trăng thể hiện "mệnh lệnh" mang tính áp đặt, không thuyết phục.

Anh Vân (tên phụ huynh đã thay đổi, đại diện lớp 2/2), nêu quan điểm phòng GD&ĐT quản lý cán bộ, còn việc tìm đơn vị cung cấp suất ăn cho học sinh là của ban đại diện cha mẹ học sinh và nhà trường. Do vậy, không thể lấy lý do hiệu trưởng sắp về hưu mà không cho tổ chức đấu thầu hay cho trường tự nấu ăn phục vụ học sinh.

"Tiền ăn của học sinh bán trú do phụ huynh đóng góp, nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn và sức khỏe thì hãy để phụ huynh quyết định, nhà trường quản lý, tại sao phòng lại can thiệp", anh Vân nêu quan điểm.

Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ), cho rằng không có quy định nào cấm trường học tổ chức đấu thầu chọn doanh nghiệp nấu ăn cho học sinh khi hiệu trưởng sắp nghỉ hưu. Hợp đồng do hiệu trưởng tiền nhiệm ký nếu còn hiệu lực thì người kế nhiệm phải thực hiện theo chứ không thể chờ ông Hải nghỉ hưu mới thực hiện việc đấu thầu.

"Thông báo mời thầu và đấu thầu nấu ăn cho học sinh là việc làm không có gì phức tạp. Đấu thầu chọn người nấu ăn cho các em là khách quan, đảm bảo sự cạnh tranh nhằm hướng đến mục tiêu suất ăn chất lượng cho học sinh", luật sư Đức nói.

Trường Tiểu học Hùng Vương (chấm đỏ). Ảnh: Google Maps.

Tác giả: Việt Tường

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok