Con gái chị Nguyễn Thị Thu học lớp 2 tại một trường tiểu học ở Hà Nội. Ngày đầu tuần, vừa đi học về, cháu nhắc mẹ: "Cô giáo dặn, các bạn tặng quà Ngày phụ nữ cho cô thì tặng vào thứ Hai và thứ Ba".
Chị Thu bàng hoàng trước lời của con. Rồi cố giữ bình tĩnh, hỏi lại: Cô nhắc lúc nào? Cô nhắc với mình con thôi hay sao?
Cháu nói rành mạch, cô nhắc vào cuối giờ học hôm nay. Cô nói trước cả lớp: "Các bạn tặng quà 20/10 cho cô thì tặng thứ Hai và thứ Ba". Cháu còn đọc tên mấy bạn đã lên tặng quà cho cô giáo.
Từ bé, cháu đã có khả năng ăn nói trôi chảy, nhắc lại lời người khác, kể lại sự việc rất rõ ràng nên chị ít khi phải nghi ngờ lời con nói.
Nhiều ngày lễ trở thành sự tính toán hoặc là gánh nặng với nhiều phụ huynh (Ảnh minh họa) |
Canh cánh trong lòng nên chị Thu hỏi lại hai phụ huynh thân thiết có con học cùng lớp cho chắc ăn. Cả hai cùng than thở, đến đón con là nghe con nhắc luôn. Có người đang tất tả ghé nhà sách mua quà cho cô.
Lời đề nghị mua quà cho cô của con, lời nhắc học sinh tặng quà 20/10 của cô tự nhiên làm chị nặng lòng. Bản thân chị không quan tâm đến ngày lễ này. Với chị, có chăng đó là ngày tôn vinh phụ nữ, sự thiệt thòi của phụ nữ như lời nhắc nhở về sự bất bình đẳng giới còn tồn tại.
Cũng là một người phụ nữ, tất vả với công việc, kiếm tiền, con cái..., chị Thu nói thật lòng, mình không thảnh thơi đến mức để nghĩ đến việc tặng quà cho một người phụ nữ nào trong ngày này. Kể cả sếp cũng không.
Việc tặng quà cho cô giáo đi ngược với sự tự nguyện và điều kiện của chị. Chị cũng không muốn tặng cho có, cho xong việc. Nhưng giờ cô gợi ý như vậy, người mẹ thật sự khó xử, không biết phải làm thế nào.
Chị chia sẻ với một vài người thân về tình huống này, có người khuyên chị mua gì đó tặng cho "yên thân", nhưng cũng có người nói để dành... đến 20/11 đi phong bì luôn.
Có người nói cô giáo ghê quá, tham lam, vô duyên nhưng với chị Thu, cô dại người thì đúng hơn. Cô còn trẻ, năm nay mới 25 tuổi.
Ngoài ý nghĩa tri ân, đâu đó, việc tặng quà cho giáo viên còn nặng sự toan tính, nặng lòng với không ít phụ huynh trong các ngày lễ. Với nhiều người, không phải là mong muốn, tự nguyện tặng quà mà điều này như trở thành nghĩa vụ và trách nhiệm.
Để rồi việc tặng quà tri ân như là một sự tính toán và cả gánh nặng, ấm ức từ phía người tặng.
"Trung thu vừa qua đã đến ngày 20/10, sắp tới là 20/11, rồi đến Tết, ra Tết là 8/3. Chẳng biết từ lúc nào các ngày lễ lại trở thành... ngày tặng quà cho giáo viên", chị Trân Ngọc Bảo, có con học tiểu học ở TPHCM bộc bạch.
Chị Bảo cho hay, điều này trước hết xuất phát từ việc nhiều phụ huynh vì lo con mình thua thiệt, mong con được cô ưu ái lên "làm hư" cô. Nhưng không phải là không có trường hợp giáo viên... "hư" thật.
Có rất nhiều nhà giáo nói không với việc nhận quà từ phụ huynh hoặc không coi trọng việc quà cáp. Nhưng đâu đó, cũng không phải không có giáo viên gợi ý, "đong đếm" chuyện quà tặng.
Điều này làm mất đi ý nghĩa của quà tặng, của sự tri ân. "Con sâu làm rầu nồi canh", cũng giống như trường hợp vẫn có giáo gợi ý, o ép học sinh học thêm.
Một chuyên gia tâm lý chia sẻ, ngày 20/10 ở Việt Nam có hai lý do người phụ nữ "đòi" quà. Một là họ thấy mình quá thiệt thòi cần được bù đắp, hai là họ thấy mình có quyền lực nên phải được tặng quà.
Dù lý do gì cũng là đều méo mó bởi việc tặng quà, bất cứ trong trường hợp nào cần xuất phát từ sự quan tâm, mong muốn, tự nguyện của phía người tặng.
Tác giả: Hoài Nam
Nguồn tin: Báo Dân trí