Bán sách giá “cắt cổ”
Theo phản ánh của các phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Quảng Cát (TP Thanh Hóa), nhà trường đã bán cho học sinh bộ sách học tiếng Anh Let’s Go lớp 1,2 năm học 2017 - 2018 với giá cao gấp 3 so với thị trường.
Cụ thể, trong khi bộ sách chỉ có giá bán niêm yết ngoài thị trường là 40.000 đồng thì nhà trường lại thông báo bán ra cho các em lớp 1,2 với giá 141.000 đồng.
Phụ huynh học sinh đã gửi đơn lên UBND TP Thanh Hóa đề nghị làm rõ việc bán sách giá cao này cùng với các vấn đề không minh bạch trong thu chi tài chính của nhà trường.
UBND TP Thanh Hóa đã thành lập đoàn thanh tra để vào cuộc xác minh và kết luận nội dung phản ánh của phụ huynh là có cơ sở.
Trường Tiểu học Quảng Cát (TP.Thanh Hóa) |
Theo kết luận của thanh tra, vào ngày 6/10/2017, cô Đỗ Thị Thân, Hiệu trưởng nhà trường đã thông báo trong cuộc họp về giá sách tiếng Anh cho học sinh lớp 1,2 là 141.000 đồng. Phụ huynh đăng ký mua sách với giáo viên chủ nhiệm và nhận sách từ nhà cô Nguyễn Thị Hồng (Giáo viên chủ nhiệm lớp 2A), đồng thời thanh toán tiền sách tại đây.
Vụ việc sau đó bị nhiều phụ huynh phát hiện bất thường và bức xúc lên tiếng thì hiệu trưởng mới thông báo lại giá tiền sách chỉ 40.000 đồng. Một số lớp đã trả lại tiền cho phụ huynh, còn một số lớp thì trừ vào khoản thu khác chứ không trả lại.
Cũng theo kết luận thanh tra của TP. Thanh Hóa, Phòng GD – ĐT thành phố đã hướng dẫn trường Tiểu học Quảng Cát tổ chức học tiếng Anh làm quen lớp 1,2 mỗi năm học một chương trình khác nhau. Cụ thể, năm học 2015 – 2016, học chương trình Phoenics, năm học 2016 – 2017 học chương trình I –Learn và năm học 2017 – 2018 học chương trình Let’s Go, thanh tra kết luận như vậy là thiếu tính hệ thống và không phù hợp.
Cố tình trái chỉ đạo
Trong kết luận của thanh tra TP Thanh Hóa cũng chỉ ra, việc tổ chức dạy và học môn tiếng Anh lớp 1,2 thiếu bài bản, hệ thống không chỉ xảy ra tại Trường Tiểu học Quảng Cát, mà thực trạng diễn ra trên địa bàn thành phố, đồng thời thiếu sự kiểm tra, hướng dẫn, đánh giá chất lượng dạy và học cho các trường.
Trước đó, ngày 9/11/2017, Sở GD – ĐT Thanh Hóa đã có công văn về chấn chỉnh tập huấn và triển khai bộ sách Let’ Go.
Tiếp đó, ngày 13/11/2017, Phòng GD-ĐT thành phố đã có Công văn đề nghị Hiệu trưởng các trường Tiểu học dừng phối hợp liên kết giảng dạy chương trình tiếng Anh làm quen lớp 1, 2 theo bộ sách tiếng Anh Let’s Go với Công ty CP trực tuyến Đại Trường Phát và Đại Trường Phát Online do chưa được sự cho phép của Nhà xuất bản Đại học Oxford tại Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện nay, Trường Tiểu học Quảng Cát vẫn cố tình tổ chức dạy và học theo bộ sách tiếng Anh Let’s Go là không đúng tinh thần chỉ đạo của thành phố.
Mập mờ trong thu chi tài chính
Từ vấn đề bán sách giá cao, thanh tra TP. Thanh Hóa đã vào cuộc và làm rõ nhiều vấn đề tại Trường tiểu học Quảng Cát.
Nhiều năm qua, nhà trường không lập sổ sách theo dõi việc thu, quản lí, sử dụng và không lập phiếu thu, phiếu chi, không hạch toán vào hệ thống sổ sách chung của nhà trường các khoản đóng góp của phụ huynh học sinh.
Giữa nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh đã ký cam kết, theo đó Ban đại diện cha mẹ học sinh là bên ký duyệt thanh toán, còn nhà trường chỉ ký xác nhận thực tế. Thế nhưng, hầu hết các giấy đề nghị thanh toán chỉ có chữ kí của người nhận tiền là thủ quỹ, hiệu trưởng, còn Ban đại diện học sinh chỉ ký duyệt hỗ trợ tổng số tiền vào cuối năm học.
Bên cạnh đó, việc lập kế hoạch, dự toán thu - chi xã hội hóa đầu năm học chưa sát thực tế dẫn đến chi vượt thu, cụ thể năm học 2015-2016 vượt hơn 15 triệu đồng, năm học 2016-2017 vượt hơn 43 triệu đồng.
Cũng theo thanh tra TP Thanh Hóa, nhiều khoản vận động tại nhà trường không đúng với hướng dẫn của UBND thành phố, Phòng Tài chính - Kế hoạch thành phố. Cụ thể, từ năm học 2013-2014 đến năm 2014-2017, nhà trường triển khai thu, vận động phụ huynh đóng góp lên đến 8-10 khoản.
Có năm học tổ chức vận động xã hội hóa mua sắm cơ sở vật chất 3 khoản như: xã hội hóa mua sắm cơ sở vật chất, tiền bảo dưỡng đường điện, bóng điện; tiền tu sửa bổ sung trang thiết bị đồ dùng dạy học, thư viện với tổng mức vận động từ 300.000đ - 450.000đ/học sinh/năm học.
Tiếp đó, năm học 2014-2015 đến năm 2015-2016 vừa vận động hỗ trợ hoạt động rèn kỹ năng sống vừa vận động hỗ trợ hoạt động phong trào mới mức 50.000đ/học sinh/khoản/năm.
Tiền phiếu thu và phiếu kiểm tra từ năm học 2013-2014 đến 2016-2017 huy động mức 80.000-100.000đ/học sinh/năm học. Ngoài chi làm hồ sơ, sổ sách cho học sinh, nhà trường còn dùng tiền này mua sổ sách chuyên môn chung các năm học với tổng số tiền hơn 80 triệu đồng.
Ngoài ra, kết luận thanh tra cũng chỉ rõ, nhà trường vận động học sinh đóng tiền tu sửa, bổ sung thiết bị điện nhưng lại sử dụng thanh toán tiền điện sáng toàn trường các năm học với tổng số tiền hơn 23 triệu đồng là không đúng vì khoản này đã được ngân sách nhà nước chi trả.
Từ năm học 2013-2014 đến tháng 11/2016, trường này thu tiền học thêm 2 buổi/ngày với mức 80.000 - 110.000đ/tháng/học sinh nhưng không lập dự toán báo cáo Phòng GD-ĐT và UBND xã. Không những thế, nhà trường sử dụng số tiền này cũng chưa phù hợp.
Cuối cùng, thanh tra TP Thanh Hóa kết luận, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đề xuất các khoản vận động đóng góp từ phụ huynh của nhà trường chưa sát với thực tế, thông báo giá sách thiếu tham khảo trên thị trường làm mất lòng tin đối với phụ huynh.
Từ những sai phạm trên, UBND TP yêu cầu Trường Tiểu học Quảng Cát kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan. Trong đó, yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm và đề xuất hình thức kỷ luật (nếu có) đối với bà Đỗ Thị Thân, Hiệu trưởng nhà trường
Tác giả: Lương Diễn
Nguồn tin: antt.vn