Chiều 6/11, thảo luận tại hội trường về Luật công an nhân dân (sửa đổi), điều 25 về cấp bậc hàm cao nhất đối với lực lượng chiến sĩ, chức vụ sĩ quan công an nhân dân được nhiều đại biểu bàn thảo.
Bày tỏ sự băn khoăn nội dung về Điều 25 ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng số lượng theo quy định như vậy là nhiều. Trong điều kiện nước ta ở thời bình, được thế giới ca ngợi là quốc gia ổn định về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Hàm tướng có cần thiết số lượng nhiều như thế hay không? Cấp tướng thì phải có quân số nhất định để chỉ huy chứ không thể mang hàm tướng mà quân số chẳng là bao nhiêu.
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) |
Hàm trung tướng có chức vụ Cục trưởng và tương đương với số lượng 32 là nhiều, đề nghị nên có cân nhắc. Hàm thiếu tướng nên có số lượng con số chẵn chứ không lẻ như dự thảo là 139.
Tương tự hàm thiếu tướng có số lượng không quá 11 đối với Giám đốc công an hành chính tỉnh loại I. Tôi cho rằng quy định như vậy còn bất cập với các tỉnh, thành phố còn lại. Có tỉnh, thành phố hiện tại là loại II nhưng tiệm cận là loại I. Sau này lên loại I thì sao? Có được phong hàm thiếu tướng hay không vì đã đủ số 11? Hay là linh động, điều động sang nơi khác để đảm bảo tròn số 11. Nếu hàm phong thiếu tướng thì con số sẽ vượt.
Đặc biệt, người mang hàm thiếu tướng của tỉnh này chưa chắc đã có chuyên môn, thời gian trong ngành cao hơn người mang hàm đại tá của tỉnh khác, như vậy sẽ không hợp lý.
“Cùng là Giám đốc Công an tỉnh, thành phố như nhau mà có người mang hàm cấp tướng, có người lại mang hàm cấp tá do quy định trong luật. Trong hệ thống chính trị, không lẽ tỉnh lớn có Ủy viên trung ương Đảng làm Bí thư Tỉnh ủy còn tỉnh nhỏ thì không có.
Mặt khác, cũng cân nhắc Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh số lượng thiếu tướng không quá 3, cùng là Phó Giám đốc mà người được quân hàm thiếu tướng còn người kia thì lại không được. Chỉ quy định là 3 là chưa hợp lý”, ĐB Phạm Văn Hòa nêu.
Chung mối quan tâm về điều khoản này, ĐB đoàn TP Hà Nội, Chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam Nguyễn Văn Được cũng nhấn mạnh: Đại tướng, thượng tướng thì không tranh cãi gì nữa, ủng hộ thôi. Về trung tướng thì 2 thành phố lớn là đương nhiên.
ĐB đoàn TP Hà Nội, Chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam Nguyễn Văn Được |
“Nhưng các đối tượng khác tôi đề nghị làm cho chặt chẽ số lượng theo quy định của Chính phủ, bảo đảm chất lượng. Về một ý trong nội dung phong tướng, tôi đề nghị thế này. Quan điểm của tôi là phong tướng để chúng ta cầm gậy chỉ huy quân, không nhất thiết cứ tỉnh nào loại I thì phải phong tướng. Quan điểm cá nhân tôi như vậy, bởi vì hiện nay chúng ta tính khoảng 11 tỉnh thành phố loại I, vậy thì tương lai 10 năm, 15 năm sau thì bao nhiêu loại I nữa hay vẫn nằm ở con số 11, 12? Tôi nghĩ rằng địa bàn nào trật tự trị an phức tạp, ma túy nhiều, phản động nhiều thì tôi đề nghị phong tướng cho các đồng chí để các đồng chí lãnh đạo chỉ huy quân. Bây giờ cứ lên loại I là phong tướng thì tôi nghĩ rằng không biết có nhiều không?”, ông Được bày tỏ.
Đặc biệt, ông Được cũng rất tâm tư khi cho rằng “quân đội và công an đều là lực lượng vũ trang”, vì thế trước Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị và nhiều đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị ở đây, ông Được cho rằng “công an các đồng chí được phong quân hàm thì tôi và nhiều người mừng cho các đồng chí. Nhưng đã nói lực lượng vũ trang thì bên thế này, bên thế khác không công bằng”.
Vì thế, vị Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam kiến nghị “Quốc hội xem xét thêm. Ngồi họp Thường vụ Tỉnh ủy như nhau, một bên tướng, một bên tá, cảm thấy không vui lắm. Do vậy, đề nghị Đảng, Nhà nước, Quốc hội xem xét cho hợp lý. Đã nói một trong những lực lượng vũ trang là một thể chế thống nhất của Nhà nước, không thể bên công an thế này, bên quân đội thế kia, nhưng làm thế này thì anh em bên quân đội buồn, tủi thân”.
Tác giả: N. Huyền
Nguồn tin: Báo Infonet