Cán bộ Đồn Biên phòng Hoàng Trường tuyên truyền phổ biến pháp luật cho ngư dân. Ảnh: Xuân Thủy |
Tự nhận trách nhiệm trông coi mốc quốc giới
Từ năm 1999, ông Hà Văn Tuyên, sinh năm 1954, người có uy tín ở bản Sại, xã Tam Lư, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa đã đăng ký với Đồn Biên phòng Tam Thanh nhận nhiệm vụ bảo vệ hơn 1,5km đường biên giới và cột mốc 347. 20 năm qua, ông lặng lẽ làm công việc thiêng liêng đó với suy nghĩ rất đỗi giản dị: “Bản thân tôi tự nhận thấy phần trách nhiệm của mình như một người lính Biên phòng thực sự. Tôi thấy rất tự hào vì đã được đóng góp công sức nhỏ bé của mình để bảo vệ đường biên, cột mốc. Mỗi khi đi vào rừng, tôi lại tới kiểm tra đoạn đường biên mà mình phụ trách, tới thăm và múc nước “tắm rửa” cho “đồng chí” cột mốc”.
Ông Tuyên cho biết, trong những năm qua, ông cũng như các gia đình khác được cán bộ Biên phòng hướng dẫn cách nhận biết các dấu hiệu nghi vấn trên đường biên, cách phát hiện các loại đối tượng nghi vấn hoạt động trong khu vực biên giới. Ông và bà con đã cung cấp cho Đồn Biên phòng Tam Thanh hàng trăm tin có giá trị. Qua đó, đồn đã lập nhiều chuyên án đấu tranh thành công với các thủ đoạn hoạt động của các loại đối tượng, nhất là đối tượng vượt biên trái phép, săn bắt động vật hoang dã, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy...
Xuất phát từ ý thức trách nhiệm với biên cương Tổ quốc, từ năm 2006, ông Lò Văn Thọ, sinh năm 1969, dân tộc Thái, xã Yên Khương, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa tự nguyện đăng ký tham gia bảo vệ cột mốc số 348 mà không đòi hòi chế độ, chính sách. Từ đó đến nay, tháng nào ông cũng kiểm tra cột mốc từ 1-2 lần, dù đường từ nhà tới mốc không dễ đi. Ông cho biết: “Mỗi lần đi kiểm tra cột mốc, tôi phải đi từ sáng sớm. Nếu thời tiết thuận lợi, cả đi và về mất một ngày. Nếu không may gặp trời mưa gió, tôi phải ngủ lại chòi rẫy đến hôm sau mới về tới nhà”.
Không chỉ tự nguyện bảo vệ đường biên, cột mốc, ông Thọ còn tích cực vận động người dân chấp hành pháp luật, các quy định, quy chế qua lại biên giới. Thông qua việc thăm thân của nhân dân hai bên biên giới, ông đã giải thích cho bà con hai bên hiểu về biên giới, cột mốc và trách nhiệm trong bảo vệ đường biên giới chung của cả hai nước, đồng thời, vận động bà con cùng nhau giữ gìn mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị của nhân dân hai bên biên giới.
“Với trách nhiệm là người có uy tín, tôi đã phối hợp với chính quyền, Đồn Biên phòng Yên Khương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, tôi đã tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân trong xã nhận thức sâu sắc về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới và không ngừng nâng cao cảnh giác với những âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, truyền đạo trái phép, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc” - Ông Thọ chia sẻ.
Thông qua những lần vận động, tuyên truyền, ý thức trách nhiệm bảo vệ đường biên, cột mốc của bà con đã được nâng lên. Tình trạng đốt nương làm rẫy, vượt biên khai thác lâm sản, săn bắn thú trái phép qua biên giới được ngăn chặn.
Lan tỏa phong trào trong các tầng lớp nhân dân
Thực tế, trong những năm qua, phong trào toàn dân tham gia quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc đã lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân, nhất là nhân dân khu vực biên giới. Tại tỉnh Thanh Hóa đã xuất hiện nhiều mô hình quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc do nhân dân tự quản như: “Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới”; “Tổ tự quản công trình biên giới”; “Tổ tàu thuyền, bến, bãi an toàn”, “Tổ tự quản an ninh trật tự thôn, bản”; “Tổ đoàn kết đảm bảo an ninh trật tự”; “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”...
Qua công tác tham mưu của BĐBP, trên toàn tuyến biên giới tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức ký kết và duy trì hoạt động 17 cặp bản kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới; 5 đơn vị BĐBP kết nghĩa với các đơn vị lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn Lào. Trên tuyến biên giới đất liền, đến nay có 2 tập thể, 108 cá nhân đăng ký tự quản đường biên, mốc quốc giới, bảo vệ 7 công trình biên giới. Tuyến biên giới biển, BĐBP Thanh Hóa tham mưu cho chính quyền địa phương xây dựng và duy trì hoạt động của 270 tổ tàu, thuyền an toàn, với 11.047 thành viên; 140 tổ bến, bãi an toàn, với hơn 7.400 thành viên.
Ngoài ra, BĐBP Thanh Hóa cũng tham mưu cho chính quyền địa phương xây dựng 743 tổ an ninh trật tự thôn, bản với hơn 3.300 thành viên. 192km đường biên giới và 92 mốc quốc giới được tập thể và người dân ký kết tự quản.
BĐBP Thanh Hóa phối hợp với dân quân tuần tra bảo vệ vùng ven biển. Ảnh: Xuân Thủy |
Ông Lang Thanh Sơn, sinh năm 1944, dân tộc Thái, Trưởng ban công tác Mặt trận Tổ quốc thôn Vịn, xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân là thành viên tích cực của Tổ an ninh trật tự thôn Vịn cho biết: “Thông qua các mô hình tự quản an ninh trật tự, tổ tự quản đường biên mốc giới, tôi thường xuyên tuyên truyền cho bà con các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các vấn đề liên quan đến chủ quyền, an ninh biên giới. Từ đó, nhân dân nhận thức sâu sắc hơn trách nhiệm và nghĩa vụ của mình về bảo vệ an ninh trật tự tại địa bàn biên giới”.
Có thể nói, việc thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân đã và đang phát huy vai trò tích cực trong vận động quần chúng tự giác tham gia đảm bảo an ninh trật tự vùng biên giới, ven biển, hải đảo, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đem lại bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.
Tác giả: Thu Hằng
Nguồn tin: Báo Biên phòng