Thế giới

Phòng không Iran sẵn sàng bẻ gãy mọi đòn không kích

Theo Jpost, Mỹ đang có những động thái chuẩn bị thực hiện một cuộc không kích quy mô lớn vào cơ sở quân sự của Iran.

Tờ báo dẫn các nguồn tin ngoại giao tại trụ sở Liên Hiệp Quốc tiết lộ họ đang đánh giá các kế hoạch của Mỹ về việc tấn công chiến thuật đối với Iran, sau khi cáo buộc Tehran tấn công các tàu dầu ở vịnh Oman hôm 13/6.

Cụ thể, trong các ngày từ ngày 14/6 đến nay, Nhà Trắng liên tiếp tổ chức các phiên thảo luận với sự tham dự của giới tướng lĩnh quân đội, đại diện Lầu Năm Góc và các cố vấn của Tổng thống Donald Trump.

Tiêm kích F-35A hoạt động với đầy đủ vũ khí gần Iran.

Chủ đề chính là cân nhắc sử dụng biện pháp quân sự không kích một cơ sở của Iran có liên quan đến chương trình hạt nhân. "Vụ đánh bom sẽ có quy mô lớn nhưng giới hạn vào một mục tiêu cụ thể", Jpost dẫn nguồn tin giấu tên cho biết.

Phản ứng với nguồn tin này, tờ Kuwait Al-Jarida cho rằng, nếu Mỹ hiện thực hóa kế hoạch nói trên thì gần như chắc chắn tiêm kích F-35A đồn trú tại căn cứ ở UAE sẽ được sử dụng đầu tiên. Khả năng này là hoàn toàn có thể bởi trước đó, Mỹ từng nhiều lần cho tiêm kích này diễn tập với số vũ khí của chế độ "quái thú" tiến sát không phận Iran.

F-35A tại căn cứ Al Dhafra ở UAE thuộc biên chế của căn cứ Không quân Hill có trụ sở ở Utah. Đây chính là những chiến đấu cơ được Mỹ dùng trong vụ tham chiến đầu tiên của F-35 khi thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt các phần tử khủng bố ở vùng Đông Bắc Iraq hồi đầu tháng 4/2019.

Ngoài số F-35A sẵn sàng cất cánh, tờ Kuwait Al-Jarida còn cho rằng, tiêm kích hạm F/A-18 cũng sẽ được Hải quân Mỹ dùng một khi Lầu Năm Góc phát động một cuộc tấn công vào cơ sở quân sự của Iran.

Tuy nhiên, nguồn tin này khẳng định, dù dùng phương tiện và vũ khí nào nhưng việc xâm nhập không phận Iran và khai hỏa chưa bao giờ là nhiệm vụ dễ dàng với bất kỳ lực lượng không quân nào, kể cả Mỹ bởi Iran không phải là Iraq, Afghanistan hay Syria.

Hiện nay Tehran đang vận hành lưới lửa phòng thủ cực mạnh với nòng cốt là tổ hợp S-300PMU2 đủ sức đanh bại mọi cuộc tấn công đường không từ bên ngoài. Để làm được điều đó, S-300PMU2 được trang bị 4 loại tên lửa đất đối không gồm:

Đạn 48N6E2, 48N6E, 5V55R, 5V55K cho khả năng bắn hạ mục tiêu ở cự ly từ 3-195km, đánh chặn mọi mục tiêu ở độ cao thấp nhất 10m đến cao nhất 27km đang di chuyển với tốc độ đến 10.000km/h.

Hệ thống được đánh giá là có khả năng không những bắn hạ được tên lửa đạn đạo tầm ngắn mà còn bắn được tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm trung. Để hoàn thành nhiệm vụ của mình, S-300PMU2 được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực 30N6E2 với radar tìm kiếm mục tiêu hoạt động băng tần X.

Hệ thống radar tự động hóa hoàn toàn trong quá trình phát hiện, bám bắt, xử lý mục tiêu. Radar được trang bị bộ vi xử lý kỹ thuật số tốc độ cao cho phép phản ứng với mục tiêu nhanh hơn, khả năng kháng nhiễu cao hơn.

Đài radar 30N6E2 Tomb Stone có phạm vi phát hiện mục tiêu 300km, số mục tiêu theo dõi cùng lúc không dưới 100 mục tiêu, có thể kiểm soát tới 72 đạn tên lửa.

Theo một số nguồn tin, tính năng đặc biệt của phiên bản S-300PMU2 Nga bán cho Iran là chúng có thể đồng bộ hóa tất cả các thành phần như radar điều khiển hỏa lực, radar tìm kiếm mục tiêu, xe phóng trong môi trường chiến thuật thống nhất.


Nó có khả năng kiểm soát tới 12 xe phóng cùng lúc, ngoài ra còn có khả năng điều khiển hoạt động cho các hệ thống cũ hơn như S-300PMU1, S-200, S-75 và S-125. Với số vũ khí như vậy, việc xâm nhập không phận Iran không kích thực sự là một thách thức với Mỹ.

Tác giả: Thùy Dung

Nguồn tin: Báo Đất việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok