Du lịch

Pho tượng gần 700 tuổi biết "đứng lên, ngồi xuống" trong miếu cổ Hải Phòng

Pho tượng thờ Đức Linh Lang Đại vương trong ngôi miếu cổ gần 700 tuổi ở Hải Phòng là sự sáng tạo “độc nhất vô nhị” của những thợ thủ công tài hoa xưa khi có thể tự động đứng lên, ngồi xuống.

Làng tạc tượng nổi tiếng tại Hải Phòng

Làng Bảo Hà (xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng) xưa nay vốn nổi tiếng với nghề tạc tượng, múa rối gắn liền với những truyền thuyết về tổ sư làng nghề Nguyễn Công Huệ. Cụ sinh khoảng cuối thế kỷ XIV – đầu thế kỷ XV người xã Linh Động, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương xưa (nay là làng Bảo Hà, xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng).

Vốn tinh thông hai nghề là điêu khắc gỗ và sơn mài nên khi giặc Minh xâm lược nước ta, chúng đã bắt những người thợ khéo tay về Trung Quốc để phục vụ cho việc xây dựng của chúng, trong đó có cụ Nguyễn Công Huệ. Cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược của Bình Định Vương Lê Lợi giành thắng lợi, cụ Nguyễn Công Huệ và những người bị bắt được trao trả về quê hương.

Tượng thờ tổ sư làng nghề Nguyễn Công Huệ tại miếu Bảo Hà.

Trở về làng, cụ đã dạy cho dân làng Bảo Hà bốn nghề là điêu khắc gỗ, sơn mài, châm cứu và dệt vải. Trong đó, điêu khắc gỗ và sơn mài nổi tiếng hơn cả, vẫn còn lưu truyền và phát triển đến ngày hôm nay. Khi cụ Nguyễn Công Huệ qua đời, nhân dân làng Bảo Hà suy tôn cụ là Tổ sư làng nghề và lập đền thờ với câu đối nổi tiếng:

"Bắc học do lưu hào kiệt khái

Nam truyền Công Ngưỡng đẩu sơn cao".

Tạm dịch:

"Học ở phương Bắc vẫn mang phong cách của người hào kiệt

Truyền nghề ở nước nam người như sao Bắc Đẩu, núi Thái Sơn".

Trong thời kỳ phong kiến, nghề tạc tượng Bảo Hà đã nổi tiếng khắp nơi với nhiều nghệ nhân giỏi được triều đình trọng dụng, đã từng tạc ngai vàng cho vua với những nghệ nhân lừng danh như Kỳ Tài Hầu Tô Phú Vượng, Diệu Nghệ Bá Tô Phú Luật...

Người dân làng Bảo Hà vẫn lưu giữ nghề tạc tượng truyền thống của cha ông.

Đến giờ, người dân nơi đây vẫn lưu truyền giai thoại “7 hạt gạo nếp tạc thành đàn voi” của người thợ tạc tượng Tô Phú Vượng nức tiếng tài hoa. Ông là một trong những người học trò nổi tiếng của cụ Nguyễn Công Huệ, được vua Lê vời vào cung để tạc ngai vàng.

Sau khi tạc xong ngai vàng, do quá sung sướng vì đã tạo ra kiệt tác nên Tô Phú Vượng đã ngồi thử. Bị thái giám phát hiện, ông ngay lập tức bị khép vào tội “khi quân phạm thượng”, bắt giam và nhốt vào trong ngục chờ ngày xử trảm. Ở trong ngục, thấy mấy cọng rơm nếp còn sót vài hạt thóc, Tô Phú Vượng liền lấy tay bóc và chạm chuốt 7 hạt gạo nếp thành 7 con voi với các tư thế khác nhau khiến nhiều người kinh ngạc.

Câu chuyện về đàn voi tí hon chạm khắc bằng hạt gạo truyền đi khắp nơi và khi nhà vua biết chuyện đã rất cảm phục tài năng của người thợ tạc tượng tài hoa nên đã quyết định tha bổng đồng thời phong Tô Phú Vượng tước “Kỳ Tài Hầu”, cho về quê mở mang, lưu truyền nghề nghiệp.

Các nghệ nhân tạc tượng làng Bảo Hà đã đi nhiều vùng như Ninh Giang (Hải Dương), Tiên Lãng (Hải Phòng), làng Nguyễn (Đông Hưng – Thái Bình)… để làm tượng chùa, làm con rối cho các phường múa rối nổi tiếng.

Độc đáo pho tượng biết "đứng lên, ngồi xuống"

Tại miếu Bảo Hà (thôn Bảo Hà, xã Đồng Minh) thờ Đức Linh Lang Đại vương có một bức tượng được coi là “độc nhất vô nhị” khi có thể "đứng lên ngồi xuống". Người dân làng Bảo Hà không chỉ coi đây là bảo vật mang ý nghĩa tâm linh mà còn là biểu tượng cho ngôi làng truyền thống với nghề tạc tượng, múa rối.

Theo thần phả, Đức Linh Lang Đại vương là con vua Lý Thánh Tông sinh vào tháng Chạp, năm Giáp Thìn (1064), được đặt tên là Hoằng Chân, mẹ là cung phi thứ 9 và được sinh ra tại làng ở chợ Trị Chợ, Thủ Lệ (quận Ba Đình, TP. Hà Nội ngày nay).

Pho tượng thờ Đức Linh Lang Đại vương biết "đứng lên, ngồi xuống" tại miếu Bảo Hà.

Khi giặc Tống xâm lược nước ta, Hoàng tử Linh Lang chỉ huy quân sĩ chống giặc. Trong một đợt hành quân, ngài tới trang Linh Động (thôn Bảo Hà ngày nay) dựng đồn, tuyển mộ quân, rèn luyện binh sĩ để chống giặc, giữ nước.

Sau này, để tưởng nhớ công ơn của ngài, dân làng đã xây miếu thờ trên nền đồn binh xưa. Miếu Bảo Hà được công nhận là Di tích Lịch sử cấp quốc gia vào năm 1991, được coi là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa làng nghề.

Các triều đại phong kiến sau này như đời vua Cảnh Thịnh (triều Tây Sơn), Tự Đức, Duy Tân và Khải Định (triều Nguyễn) đều phong cho ngài là Thượng đẳng thần còn dân làng Bảo Hà tôn ngài là Thành Hoàng và tạc tượng thờ.

Khác với những bức tượng được thờ trong miếu, bức tượng thờ Đức Linh Lang Đại vương gần 700 tuổi là sự sáng tạo “độc nhất vô nhị” của những thợ thủ công tài hoa xưa. Tượng được tạc cao khoảng 1,7m như người thật, nét mặt khôi ngô, mình khoác lụa bào, trong tư thế ngồi trên ngai, tay cầm văn tự, có thể đứng lên một cách nhẹ nhàng, khoan thai và ngồi xuống từ từ.

Lý giải về việc pho tượng có thể "đứng lên, ngồi xuống", các cao niên địa phương cho biết là nhờ hoạt động theo nguyên lý “cánh tay đòn” gồm các hệ thống ròng rọc, khớp nối được làm bằng một loại gỗ đặc biệt nằm trong căn hầm phía dưới cung cấm.

Trong đó, bí mật về sự chuyển động của bức tượng chính là nằm ở cánh cửa của điện thờ nơi có bức tượng. Các nghệ nhân xưa đã khéo léo kết hợp nghệ thuật tạc tượng với nghệ thuật múa rối cạn, làm ra hệ thống truyền lực kéo đẩy nối giữa cánh cửa với các khớp nối của pho tượng.

Do đó, khi mở cánh cửa thì bức tượng dần đứng lên và ngược lại khi kéo cánh cửa xuống thì bức tượng từ từ ngồi xuống để trở về tư thế ban đầu.

Pho tượng đặc biệt không chỉ tạo nên sự linh thiêng, kì bí cho ngôi miếu cổ mà còn khiến cho du khách xa gần đều cảm thấy trầm trồ trước sự tài hoa của những nghệ nhân xưa.

Tác giả: Hồng Ngọc

Nguồn tin: giadinhonline.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok