Giáo dục

Phó Hiệu trưởng nhà trường có cần phải thao giảng không?

Phó Hiệu trưởng nhà trường có nhất thiết phải thao giảng không bởi tất cả các văn bản pháp qui hiện hành không yêu cầu Phó Hiệu trưởng làm việc này?

LTS: Trước nhiều ý kiến của độc giả đồng tình với bài viết “Vì sao Phó hiệu trưởng chuyên môn lại không dám dạy thao giảng?” của tác giả Thuận Phương, thầy giáo Khánh Văn chia sẻ bài viết thể hiện quan điểm mang tính phản biện của mình.

Tôn trọng tranh luận đa chiều, khoa học, Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này!


Bài viết “Vì sao Phó hiệu trưởng chuyên môn lại không dám dạy thao giảng?” của tác giả Thuận Phương đã được nhiều bạn đọc đồng tình và phản hồi.

Đây cũng là thực trạng chung của các trường học hiện nay. Tuy nhiên, suy đến cùng thì Phó Hiệu trưởng nhà trường có nhất thiết phải thao giảng không?

Bởi tất cả các văn bản pháp qui hiện hành không yêu cầu Phó Hiệu trưởng làm việc này.

Hơn nữa, với vai trò của một nhà quản lí thì họ còn rất nhiều việc quan trọng hơn nhiều đối với việc thao giảng một tiết dạy.

Trong Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông có nhiều cấp học (ban hành kem theo Thông tư số: 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã qui định rõ nhiệm vụ và quyền hạn của Phó Hiệu trưởng tại mục 2 điều 19 như sau:

a) Thực hiện và chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng về nhiệm vụ được Hiệu trưởng phân công;

b) Cùng với Hiệu trưởng chịu trách nhiệm trước cấp trên về phần việc được giao;

c) Thay mặt Hiệu trưởng điều hành hoạt động của nhà trường khi được Hiệu trưởng uỷ quyền;

d) Được đào tạo nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

thao giang
Phó Hiệu trưởng chỉ cần làm tốt nhiệm vụ của mình là công tác quản lý là được. (Ảnh: hanoistar.edu.vn)

Và, trong Qui định Về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục Ban hành kèm theo Thông tư số: 12/2009/TT-BGDĐT ngày 12/5/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã qui định rõ:

“Lãnh đạo nhà trường (Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng) đảm bảo dự ít nhất 01 tiết dạy/ giáo viên; tổ trưởng, tổ phó đảm bảo dự giờ giáo viên trong tổ chuyên môn ít nhất 04 tiết dạy/ giáo viên;

Mỗi giáo viên thực hiện ít nhất 02 bài giảng có ứng dụng công nghệ thông tin, 04 tiết dạy của hội giảng hoặc thao giảng do nhà trường tổ chức và 18 tiết dự giờ đồng nghiệp trong hoặc ngoài nhà trường”.

Theo hướng dẫn hiện hành thì trường loại I có từ 2 Phó Hiệu trưởng trở lên và trường loại II, III có 1 Phó Hiệu trưởng.

Vì thế, nếu là trường loại II, III thì công việc của Phó Hiệu trưởng rất nhiều. Ngoài công việc quản lí thì các Phó Hiệu trưởng phải đảm nhận thực dạy 4 tiết theo qui định.

Nếu không dạy 4 tiết thì không được nhận phụ cấp đứng lớp 30% (cấp Trung học cơ sở) và 35% (cấp Tiểu học và Trung học phổ thông).

Tuy nhiên, cũng có nơi, có trường chưa thực hiện đúng là không đứng lớp mà vẫn nhận phụ cấp đứng lớp nên gây ra nhiều những lời thị phi từ anh em đồng nghiệp và dư luận.

Có một điều không thể phủ nhận được là nếu trường loại II, III thì Phó Hiệu trưởng rất vất vả.

Bởi vì qui định Phó Hiệu trưởng là “người giúp việc cho Hiệu trưởng” nên phần lớn công việc nhà trường đều đến tay Phó Hiệu trưởng.

Vì Hiệu trưởng chỉ là người lãnh đạo chung nên công việc liên quan đến chuyên môn, phổ cập, ngoài giờ lên lớp đều được Hiệu trưởng giao cho Phó Hiệu trưởng đảm trách.

Đối với Phó Hiệu trưởng cấp Tiểu học thì việc dạy đủ tiết qui định rất khó thực hiện bởi nó có những đặc thù riêng còn ở cấp 2-3 thì thực hiện tương đối dễ bởi mỗi người dạy một môn.

Một số địa phương các Phó Hiệu trưởng đảm nhận rất tốt việc dạy học theo qui định, chỉ trừ những hôm phải họp hành đột xuất họ mới nhờ giáo viên dạy thay.

Ngoài công việc dạy lớp thì Phó Hiệu trưởng phải thực hiện việc phụ trách chuyên môn của cả trường. Và, dĩ nhiên phải bao quát rất nhiều mảng.

Từ phân công giảng dạy, xếp thời khóa biểu, kiểm tra các chuyên đề, lo xây dựng chuyên đề, duyệt giáo án toàn trường, kiểm tra điểm số...

Ngoài công tác chuyên môn thì công tác phổ cập hiện nay cũng chiếm một lượng lớn thời gian để điều tra, làm số sách, lo báo cáo và đối phó với các đoàn kiểm tra cấp trên.

Rồi, phụ trách các hoạt động ngoài giờ, các tiết ngoại khóa, các cuộc thi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh…

Trở lại với vấn đề mà cô giáo Thuận Phương đề cập trong bài viết “Vì sao Phó hiệu trưởng chuyên môn lại không dám dạy thao giảng?”, họ “không dám” hay “không cần” thao giảng?

Phó Hiệu trưởng không sai khi không thao giảng và họ không cần thiết phải thao giảng.

Vì sao vậy, bởi vì dưới họ có các Tổ trưởng chuyên môn phụ trách từng khối, từng môn thì họ thao giảng làm gì?

Chúng ta nên nhớ rằng công việc chính của Phó Hiệu trưởng là công việc “quản lí” chứ không phải là việc “dạy lớp”. Qui chế thực hiện phân quyền thì nhiệm vụ của ai người đó làm.

Người quản lí giỏi là người không làm nhưng quản lí được tập thể đó thực hiện tốt nhiệm vụ mới là người quản lí giỏi. Những chuyện thao giảng thuộc về các tổ chuyên môn, thuộc về trách nhiệm của người đứng lớp.

Công bằng mà nói, Phó Hiệu trưởng vất vả hơn nhiều Hiệu trưởng bởi Hiệu trưởng chỉ nắm chuyên của giáo viên gián tiếp qua các khâu trung gian từ Phó

Hiệu trưởng, Tổ trưởng chuyên môn nhưng Phó Hiệu trưởng là người trực tiếp phụ trách chuyên môn của nhà trường.

Hiệu trưởng lãnh đạo tổng thể nhưng Phó Hiệu trưởng lại quản lí chi tiết.

Chúng ta cũng nên nhớ rằng thực hiện chế độ thủ trưởng nên chuyện tài chính, chuyện chi tiêu trong trường là chuyện của Hiệu trưởng và kế toán, cho nên có rất nhiều Hiệu trưởng bị kỉ luật nhưng Phó Hiệu trưởng vô can.

Vì thế, chuyện tiêu cực về tài chính của Phó Hiệu trưởng không đáng kể, có chăng chỉ là vài đồng chi phí vặt trong các cuộc thi mà thôi…

Sở dĩ tôi nói điều này để chúng ta có cái nhìn bao quát và bao dung hơn đối với Phó Hiệu trưởng nhà trường.

Trong trường có nhiều chức danh, nhiều công việc. Vì thế, Phó Hiệu trưởng chỉ cần làm tốt chuyện quản lí được Hiệu trưởng phân công là đã thực hiện đúng nhiệm vụ và chức năng của mình.

Phó Hiệu trưởng không thao giảng, không hội giảng nhưng tổ chức, xây dựng được những tiết thao giảng, thao giảng chuyên đề tốt mới là người quản lí giỏi.

Và, dĩ nhiên để cấp trên và đồng nghiệp đánh giá, xếp loại cuối năm thì tất cả đều đánh giá trên vai trò của người quản lí chứ không phải là chuyện dạy học.

Vì thế, chúng ta không nên yêu cầu Phó Hiệu trưởng thao giảng mà cần ở họ là những định hướng, những kế hoạch phù hợp với thực tiễn nhà trường để giáo viên không phải ngán ngại để có thời gian đầu tư cho chuyên môn.

Còn chuyện Phó Hiệu trưởng dạy 4 tiết chỉ là chuyện để hợp thức hóa việc nhận phụ cấp đứng lớp của nhà giáo mà thôi.

Nếu họ thao giảng thì ai xây dựng, chẳng lẽ giáo viên lại xây dựng thao giảng cho Phó Hiệu trưởng hay sao?

Tác giả bài viết: Khánh Văn

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok