Trên con phố nổi tiếng buôn bán đồ cổ có từ trước 1975, nhiều người ăn nên làm ra, nhưng cũng có nhiều người “sinh sau đẻ muộn” ở đây chán nản vì cái thời hoàng kim đồ cổ đã qua.
Khoảng mười năm trước, khi đến với khu chợ này, người bán đồ cổ nhìn “độ thích” của khách và giá vốn của món đồ mà mình “kêu” (nói giá-PV).
“Ngày nay, khi công nghệ phát triển, các diễn đàn, hội nhóm họp mặt nhiều hơn thì thế giới đổ cổ cũng phức tạp hơn, cạnh tranh khốc liệt hơn. Đa phần giới chơi đồ cổ đến từ các tỉnh phía Bắc và đến chủ đích là mua, ít khi mặc cả… còn khách quốc tế thì tháng bán được vài món”, ông Giang chia sẻ.
Có thể thấy, con phố Lê Công Kiều là một điểm đến hấp dẫn của du khách bao năm qua nhưng có lẽ càng ngày du khách càng ít chi tiêu khi đến với con phố. Một số hộ nhạy bén, kinh doanh thêm cả các mặc hàng mỹ nghệ, hàng sao chép để du khách có nhiều lựa chọn…
Du khách tham quan phố đồ cổ Lê Công Kiều
Tất tần tật những gì của quá khứ đều khá dễ dàng tìm thấy tại đây
“Chiếc máy ảnh rất dễ bắt gặp ngày xưa khi chụp thẻ căn cước”, ông Năm Giang thuyết minh cho khách. Yashica tiền thân là công ty chuyên sản xuất linh kiện đồng hồ, được thành lập vào tháng 12/1949 tại Nagano, Nhật Bản. Sau một thời gian chuyển hướng sang sản xuất các bộ phận của máy ảnh, tháng 7/1953 công ty chính thức cho ra đời chiếc máy ảnh song kính đầu tiên.
Tuy nhiên dòng máy ảnh của Đức vẫn nhỉnh giá hơn. Tuy là máy ảnh cổ nhưng người bán phải đảm bảo nguyên “nội thất” và “vận hành” trơn tru thì mới bán được.
Những chiếc đèn có tuổi đời không dưới 50 năm
Phố đồ cổ ở đường Lê Công Kiều có tên khác là “ chợ Kiều ” mà dân chơi đồ cổ vẫn thường quen gọi đã tồn tại từ trước 1975 tại TPHCM. Là một con đường dài chừng độ 300 m với hơn 40 hộ kinh doanh buôn bán
Ngày xưa, phố Lê Công Kiều chỉ là một con hẻm nhỏ, đến năm 1920, người Pháp mở rộng và đặt tên là đường Reims. Năm 1955, chính quyền Sài Gòn đổi thành Lê Công Kiều, tên của một đốc binh thời phong trào Cần Vương chống Pháp và con đường giữ tên này cho đến bây giờ.
Ở chợ Kiều, mỗi cửa hàng thường chỉ chuyên bán một đến hai chủng loại đồ cổ nhất định; hoặc là đồ gốm sứ, hoặc là đồ đồng, hoặc chỉ chuyên đồ thờ tự… Có những ki-ốt khá bề thế, trưng bày buôn bán cả trăm loại cổ vật lớn nhỏ nhưng cũng có tiệm chỉ bày bán vài món máy ảnh xưa cũ.
Một chiếc ấm cổ ở chợ Kiều
Tờ tiền cổ có giá tiền triệu này được cho là khá hiếm bởi màu sắc còn giữ lại được. Đây là loại tiền được lưu hành ở 3 nước Đông Dương thời Pháp thuộc.
Một ngày bình thường của chợ Kiều bắt đầu từ khoảng 5 giờ sáng và kéo dài cho đến lúc phố phường lên đèn thì tạm nghỉ. Thời kỳ hoàng kim của con phố này kéo dài từ những năm 1980 đến tận những năm đầu 2000 thì chững lại
Vào thời điểm đấy, cái thời mà đồ dùng gia dụng còn khá đắt đỏ thì người ta tìm đến chợ Kiều như tìm đến một khu thương mại bình dân, mang về cho gia đình những chiếc cát-sét, hay những chiếc tivi cũ, đầu quay băng đã qua sử dụng.
Dấu của thời gian thể hiện rõ qua những đồng xu này…
Buộc phải thức thời, những cửa hàng ở đây ngày nay có thêm nhiều tiện ích để phục vụ du khách. Khá là ngộ nghĩnh với tấm biển cà thẻ VISA lọt thỏm giữa các món đồ cổ
Tác giả: Phạm Nguyễn
Nguồn tin: Báo Dân trí