Cụ thể, Clip trên Youtube ghi lại cảnh trao đổi một thứ giống tiền (một cọc màu xanh giống những đồng tiền mệnh giá 500.000 - PV) ngay tại phòng làm việc, trong đó người nhận được cho là ông Hồ Đình Tùng, hiện đang làm phó chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia.
Clip đang được lan truyền trên mạng trong những ngày qua. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia xác nhận với phóng viên: "Người trong Clip đúng là anh Tùng..."
Trước đó không lâu, tòa soạn Tài chính Doanh nghiêp cũng đã được người dân cung cấp cho một USB trong đó chứa 01 Clip, 01 đơn thư có nội dung phản ánh về việc ông Hồ Đình Tùng nhận tiền “bôi trơn” của một doanh nghiệp.
Trong cả hai Clip cho thấy, người tham gia nhận phong bì (Clip phóng viên nhận được) và một cọc giấy màu xanh được cho là giống tiền (Clip đang lan truyền trên mạng) đều là một người, ngay tại phòng làm việc.
Theo nội dung Clip 01 (Clip phóng viên nhận được) có đoạn nói chuyện giữa hai người, một người giới thiệu đến từ một công ty tại Thành phố Thanh Hóa, đang có đầu tư dự án tại Nghi Sơn nhưng do nguồn vật liệu như đất, đá san lấp khan hiếm, tới đây sẽ phải lấy từ mỏ hết hạn. Vì thế, nên cần sự hỗ trợ từ lãnh đạo huyện, tạo điều kiện… sau đó người này có đưa ra một phong bì và nói: “có chút quà gửi bác, mong bác tạo điều kiện…”
Nội dung Clip 02 (hiện đang lan truyền trên mạng) với thời lượng chưa đầy một phút ghi lại cảnh trao tay một cọc giấy màu xanh, giống cọc tiền mệnh giá 500.000, sau khi cọc giấy màu xanh này được đặt xuống bàn thì người được cho là phó chủ tịch huyện Tĩnh Gia có nói: “…muốn gia hạn thì cần phải xin sớm đi, vì anh Quyền còn có mấy tháng nữa thôi, anh Quyền anh ấy xử lý rất nhanh…. Anh Quyền anh ấy phê duyệt cho, rồi mình làm thủ tục gia hạn luôn. Hôm nào mang hồ sơ chỗ Ba Đình đến tôi xem rồi hướng dẫn cho.”
Ảnh cắt từ Clip |
Để thông tin được khách quan, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia.
Ông Dũng xác nhận: "Người trong Clip đúng là anh Tùng, tuy nhiên chỉ nghi là tiền. Việc diễn ra khoảng hai tuần nhưng anh Tùng chưa báo cáo cụ thể bằng văn bản, phía ủy ban đã có trao đổi rồi nhưng là bằng miệng...?"
Thiết nghĩ, khi mà chuyện một trong những người lãnh đạo của một huyện bị tố cáo nhận tiền "bôi trơn" của doanh nghiệp xảy ra, thì người đứng đầu cơ quan như ông Dũng nên có trách nhiệm báo cáo cấp trên, kèm theo đó là hướng xử lý cụ thể chứ không chỉ đơn giản là nói bằng miệng rồi để đó.
Hơn nữa, phóng viên cho rằng chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia trong khi làm việc có dấu hiệu "mớm lời", "gài bẫy" phóng viên. Cụ thể, ông Dũng luôn miệng hỏi phóng viên: "thế bây giờ cách xử lý đồng chí Tùng như thế nào; hướng xử lý thế nào..."
Câu hỏi đặt ra ở đây là; khi có thông tin tiêu cực của cán bộ cấp dưới, ông Dũng là một lãnh đạo sao lại phải đi hỏi phóng viên với những câu không rõ mục đích như vậy, và việc xử lý hay giải quyết cụ thể trong việc này là trách nhiệm của ông Dũng, của huyện Tĩnh Gia chứ không phải của cơ quan báo chí.
Việc chưa dừng lại, suốt chặng đường đi về phóng viên luôn bị các đối tượng lạ mặt nghi là bám theo, không rõ vì mục đích gì, và liệu có mối liên quan nào không?
Vậy, những đối tượng lạ mặt bám theo là ai, với mục đích gì; tại sao Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia lại luôn "mớm" hỏi phóng viên về cách xử lý; theo ông Dũng thì sự việc diễn ra khoảng hai tuần, vậy UBND huyện Tĩnh Gia đã báo cáo việc này lên UBND tỉnh...
Qua sự việc trên, đề nghị Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy Thanh Hóa, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa, sớm vào cuộc xác minh làm rõ những gì dư luận đang quan tâm, bức xúc, phản ánh.
Khoản 1, 2, 3 Điều 3 Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg ngày 10-5-2007 của Thủ tướng Chính phủ quy định các loại quà tặng bao gồm: (1) Tiền Việt Nam, tiền nước ngoài, sổ tiết kiệm, cổ phiếu, trái phiếu, séc và các giấy tờ có giá. (2) Hiện vật, hàng hóa, tài sản. (3) Dịch vụ thăm quan, du lịch, y tế, giáo dục - đào tạo, thực tập, bồi dưỡng trong nước hoặc ngoài nước và các loại dịch vụ khác... Theo đó, cán bộ, công chức bị cấm nhận phong bì, quà tặng trong các trường hợp sau: Người đưa phong bì có liên quan đến công việc của mình; Việc đưa phong bì không rõ mục đích; Việc đưa phong bì có mục đích liên quan đến các hành vi tham nhũng. Như vậy, có thể thấy rằng, việc công chức nhận phong bì dù dưới hình thức nào, “vòi tiền”, nhận “lót tay” để giải quyết công việc hay nhận phong bì “cảm ơn” cũng đều bị nghiêm cấm.
Điều 354 của Bộ luật hình sự năm 2015, 02 triệu đồng được coi là ranh giới để xử lý hình sự đối với người có hành vi tham nhũng. Theo Điều luật này, đây được xác định là tội nhận hối lộ, cụ thể là: (1) Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: (a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng...
Tác giả: Doãn Tài - Anh Kiệt
Nguồn tin: taichinhdoanhnghiep.net.vn