Giải trí

Phim điện ảnh Việt và những cái chết biết trước

Cây bút phê bình điện ảnh Nguyễn Phong Việt phân tích nguyên nhân các bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học đa phần đều có kết cục bi thảm ngoài phòng vé.

Trong bất cứ thị trường nào cũng vậy, doanh thu thấp của một bộ phim không hoàn toàn phản ánh đúng bản chất của bộ phim ấy. Tuy nhiên, đâu đó khoảng 90% bộ phim có chất lượng không tốt sẽ đồng nghĩa với việc khán giả ra rạp rất ít…

Phim 'Cậu vàng' được chuyển thể từ các tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nam Cao nhưng thất bại ở cả doanh thu lẫn chất lượng.

Trong khoảng thời gian gần đây, rất nhiều bộ phim có doanh thu phòng vé thấp liên quan đến kịch bản của phim được chuyển thể, hoặc mượn cảm hứng từ những tác phẩm văn học nổi tiếng Việt Nam. Cậu Vàng, Kiều @, Kiều… đều là những bộ phim có liên quan đến “những chất xúc tác” vừa kể trên.

Dòng phim chuyển thể hay mượn cảm hứng thật ra luôn là dòng phim khó nhằn với nhà sản xuất. Bản chất của khán giả khi ra rạp sẽ luôn muốn so sánh giữa các phim cùng thể loại, đề tài… huống chi là làm một thứ dựa trên điều họ đã từng đọc, từng ấn tượng. Bởi lẽ không biên kịch nào đi chuyển thể hay mượn cảm hứng một tác phẩm văn học dở cả.

Và, trong khi văn học tạo ra sự tưởng tượng chủ quan theo tính cách từng người đọc thì một bộ phim lại được làm hoàn toàn theo góc nhìn của riêng người đạo diễn. Từ đó, dẫn đến những xung đột cảm xúc không giống nhau về bối cảnh, nhân vật, câu chuyện và thậm chí là những sáng tạo mới trong bộ phim mà trong tác phẩm văn học không có. Để thu hẹp khoảng cách này đòi hỏi biên kịch phải rất chắc tay. Biên kịch phải dung hòa được sự sáng tạo cá nhân lẫn những hình dung sẵn có của khán giả, tạo nên sự cân bằng cần thiết về mặt hình ảnh bộ phim. Trong thực tế, chúng ta ai cũng biết đội ngũ biên kịch tại Việt Nam thiếu và yếu như thế nào…

Phim "Kiều" ra rạp đã vấp nhiều ý kiến trái chiều.

Những tác phẩm văn học Việt Nam được chọn để làm phim đa số đều có độ lùi rất xa về mặt thời gian. Chính khoảng cách này dẫn đến những sai lệch bối cảnh, đạo cụ, phục trang và cả tạo hình nhân vật… Cho dù nhà sản xuất và đạo diễn có muốn tìm hiểu kỹ lưỡng, làm đúng với thực tế câu chuyện cũng không thể…

Bởi lẽ tại Việt Nam chúng ta hoàn toàn không có một tư liệu nào chuẩn, đầy đủ để áp vào rồi cứ thế thực hiện. Tất cả những gì chúng ta làm đều dựa trên những tài liệu không chính thống, những nghiên cứu mang tính cá nhân và sự tin tưởng tốt nhất có thể với những người có hiểu biết về lịch sử… Để rồi những tranh cãi giữa khán giả xem phim hiểu theo cách của họ và bộ phim được hiểu theo cách của đạo diễn, nhà sản xuất cứ thế chẳng bao giờ có hồi kết…

Một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng đảm bảo cho các phim có yếu tố lịch sử, bối cảnh xa xưa… chính là một phim trường có khả năng tái hiện được một không gian theo ý muốn. Tiếc là điều này tại Việt Nam vẫn là một mộng ước xa vời. Việc phục dựng bối cảnh dựa trên một bối cảnh thực tế đang có luôn là việc tốn kém về tiền bạc, thời gian và cả sức lực của ekip.

Cảnh trong phim 'Mắt Biếc'.

Chẳng đặng đừng các bộ phim như Fan cuồng, Cô Ba Sài Gòn, Song Lang… mới phục dựng lại một góc phố Sài Gòn xưa, hoặc như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Mắt biếc… phục dựng lại cảnh chợ quê, con đường tỉnh lẻ… Trong khi nếu có một phim trường đủ rộng với những nền tảng thiết kế cơ bản sẵn có thì mọi việc dễ dàng hơn rất nhiều cho đoàn làm phim. Lúc đó, trí lực của mọi người sẽ dồn vào diễn xuất, câu chuyện thay vì đi lo từng chi tiết nhỏ của bối cảnh sao cho giống với ngày xưa ấy…

Điểm cốt lõi còn lại để tạo ra một bộ phim hấp dẫn đến từ tác phẩm văn học chính là diễn xuất. Một phim có bối cảnh cách xa hiện tại luôn sẽ làm khó diễn viên do liên quan rất nhiều đến biểu cảm và động tác hình thể. Việc cầm một ly nước, khoác một chiếc áo, bước một bước đi… sẽ cực hơn rất nhiều vì không thể cứ thế mà tự nhiên làm do sẽ liên quan rất nhiều đến văn hóa, ứng xử, địa vị… của nhân vật trong từng thời điểm. Rất nhiều chi tiết ngô nghê của các nhân vật trong các phim có kịch bản đến từ tác phẩm văn học Việt Nam đều bị mắc phải lỗi này…

Một bộ phim hay còn đến từ cách kể cuốn hút của đạo diễn, từ cái đầu tư duy cực kỳ sắc bén của người dựng phim và một trăm thứ khác nữa… Nhưng với những bộ phim điện ảnh Việt gần đây chuyển thể hoặc mượn cảm hứng từ tác phẩm văn học, có quá nhiều khó khăn cơ bản mà ekip phải đối diện và vượt qua.

Tiếc rằng, việc nhận diện được thử thách là một chuyện, giải quyết thử thách ấy một cách trọn vẹn hay không lại là một chuyện khác.

Trong thực tế, nỗ lực của một vài con người hay thậm chí một đoàn làm phim với một dự án chỉ mang tính chất nhỏ lẻ, không một chút căn cơ… Dẫn đến việc ngay từ lúc bắt tay vào thực hiện bộ phim chính bản thân nhà sản xuất, đạo diễn đều hiểu nguy cơ thất bại quá lớn… Chỉ là họ cố chấp trong sự cao hứng và đặt tâm huyết hoàn toàn sai chỗ.

Sẽ có rất nhiều đòi hỏi cao, để một lúc nào đó trong tương lai 10-20 năm nữa Việt Nam có được những thuận lợi ban đầu, giúp hiện thực hóa dần ước mơ về một ngành công nghiệp làm phim thật sự. Còn hiện tại này là không thể…

Tác giả: Nguyễn Phong Việt

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok