Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana trả lời truyền thông - Ảnh: REUTERS |
Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn ngày 4-6, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói rằng Philippines đang nỗ lực "gấp đôi" để cải thiện năng lực của quân đội nước này, sau khi ông thừa nhận Manila hiện không đủ sức để bảo vệ lãnh thổ của mình.
"Hiện tại chúng tôi không có bất kỳ năng lực nào để thậm chí chứng minh cho các nước khác rằng chúng tôi có thể (bảo vệ lãnh thổ của mình) vì chúng tôi không có khả năng. Chúng tôi không sở hữu các chiến hạm cỡ lớn. Chúng tôi không có vũ khí" - Đài ABS-CBN News dẫn tuyên bố của ông Lorenzana trong cuộc phỏng vấn độc quyền ngày 4-6.
Những tháng gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động quân sự hóa Biển Đông, như triển khai trái phép tên lửa đất đối không, tên lửa chống hạm, hệ thống gây nhiễu điện tử tại các thực thể ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Bắc Kinh còn ngang nhiên cho hạ cánh máy bay ném bom trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Năm 2018, Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng của nước này lên tới 1.100 tỉ nhân dân tệ (175 tỉ USD). Trong khi đó, ngân sách quốc phòng của Philippines chỉ khoảng 2,85 tỉ USD - một con số rất nhỏ so với Bắc Kinh.
Ngoài việc thừa nhận Manila hiện không đủ năng lực để bảo vệ lãnh thổ, vị bộ trưởng quốc phòng Philippines cho biết: "Sẽ mất nhiều thời gian để chúng tôi có thể sẵn sàng bảo vệ lợi ích của mình theo cách mà chúng tôi đáng lẽ phải bảo vệ nó ngay từ đầu".
"Tất cả những gì chúng tôi có thể làm bây giờ là phản đối ngoại giao, gửi công hàm, nói chuyện và trao đổi với Trung Quốc" - ông Lorenzana trả lời phỏng vấn bên lề Đối thoại Shangri-La diễn ra ở Singapore.
Ông Lorenzana nói rằng Philippines ngoài ra cũng nên hợp tác với các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông để đưa ra "tiếng nói mạnh mẽ hơn nhằm giúp các mong muốn của chúng ta được quốc gia tuyên bố chủ quyền còn lại lắng nghe".
Lính hải quân Philippines và Nhật Bản phất cờ đón chào trong lễ tiếp nhận các máy bay TC-90 của Nhật Bản hồi tháng 3 - Ảnh: REUTERS |
Trong khi đó, nghị sĩ Philippines Gary Alejano - một cựu sĩ quan hải quân Philippines có lập trường cứng rắn với Trung Quốc, nhấn mạnh các quan chức chính phủ "không nên nói rằng chúng ta (Philippines) không thể bảo vệ quốc gia".
"Bằng mọi cách, chúng ta phải bảo vệ đất nước chúng ta (Philippines) với tất cả khí tài hiện có" - ông Alejano cho biết. Tuy nhiên, ông nói Philippines không nhất thiết phải phát động chiến tranh với Trung Quốc.
"Có nhiều biện pháp khác mà chúng ta có thể áp dụng ngoài việc đi đến chiến tranh với Trung Quốc, như sử dụng luật pháp và xây dựng sự đồng thuận trong cộng đồng quốc tế để gây áp lực lên Trung Quốc" - ông Alejano nhấn mạnh.
Trước đó, tại lễ kỷ niệm 120 năm ngày thành lập hải quân Philippines hôm 22-5, lãnh đạo hải quân Philippines, phó đô đốc Robert Empedrad đã kêu gọi cần phải nâng cao năng lực của Hải quân Philippines để Manila có thể bảo vệ biển đảo của họ.
Theo Hãng tin Kyodo của Nhật, bên cạnh việc dồn quá nhiều tài lực để dẹp bớt các thành phần nổi dậy trong nước, Philippines đã phụ thuộc quá nhiều vào "chiếc ô" của quân đội Mỹ để đối phó các mối đe dọa từ bên ngoài.
Tuy nhiên, lớp che chắn từ Mỹ đã bắt đầu vỡ vụn khi Chính phủ Philippines vào thập niên 1990 đóng căn cứ không quân Clark và căn cứ hải quân Subic, mà lần lượt là cơ sở không quân và cơ sở hải quân lớn nhất của Mỹ ở châu Á.
"Sáu thập niên sau đó, chúng ta là một trong những lực lượng hải quân yếu nhất, thậm chí là ở khu vực Đông Nam Á. Các quốc gia hàng hải như Malaysia, Indonesia, Nhật Bản, Singapore, Việt Nam và Myanmar đều đã nâng cấp năng lực hải quân của họ, trong khi hải quân Philippines đã rơi vào sự lỗi thời" - ông Empedrad đánh giá.
Tác giả: BÌNH AN
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ