Một ngày trước phiên tòa, hàng trăm nghìn người thuộc hai phe ủng hộ và phản đối tiếp tục đổ xuống đường biểu tình tại Thủ đô Seoul. Chính quyền địa phương phải huy động hàng chục nghìn cảnh sát chống bạo động để trấn áp. Những người tham gia tuần hành cho biết họ hi vọng vào phán quyết sáng suốt của Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc.
“Tôi tham gia cuộc biểu tình là vì hôm nay đánh dấu tròn 4 năm Tổng thống Park Geun hye lên nắm quyền. Đây là một ngày ý nghĩa. Tôi hi vọng rằng, các thẩm phán của Tòa án Hiến pháp lắng nghe những ước muốn chính đáng của người dân để đưa ra quyết định đúng đắn nhất”.
“ Tôi ở đây ngày hôm nay để đóng góp tiếng nói của mình, muốn xem Tòa án Hiến pháp thực hiện trọng trách về công lý của mình như thế nào. Tôi mong sao đất nước sớm chấm dứt thời kỳ hiện nay để người dân có thể được sống tốt hơn”, những người tham gia tuần hành cho biết.
Nếu tòa án Hiến pháp Hàn Quốc ủng hộ nội dung bản luận tội với sự nhất trí của ít nhất 6 trong 9 vị thẩm phán thì bà Park Geun hye sẽ chính thức bị phế truất, đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử chính trường Hàn Quốc, một Tổng thống phải rời khỏi Nhà Xanh khi chưa hết nhiệm kỳ. Khi đó, chính phủ lâm thời Hàn Quốc có 60 ngày để tổ chức một cuộc bầu cử mới.
Sóng gió bắt đầu nổi lên trên chính trường Hàn Quốc và trực tiếp giáng xuống “chiếc ghế nóng” của Tổng thống Park Geun hye sau khi một vụ bê bối liên quan đến tham nhũng nghiêm trọng bị phanh phui. Tổng thống Park Geun hye bị cáo buộc đã để cho người bạn thân là bà Choi Soon-sil đứng sau thao túng, can thiệp quá sâu vào các công việc của Nhà nước và đồng lõa với bà này trong nhiều vụ làm ăn tai tiếng.
Những rắc rối nảy sinh này đã đẩy chính quyền Tổng thống Park Geun hye bên bờ vực của sự sụp đổ, hủy hoại đi những di sản chính trị mà chính quyền bà đang theo đuổi. Và cũng chính từ cơn địa chấn này đã đẩy nền kinh tế lớn thứ tư châu Á vào tình trạng khủng hoảng, rối ren.
Tác giả bài viết: Mai Liên
Nguồn tin: