Kinh tế

Phát triển làng nghề: Thúc đẩy về đích Nông thôn mới

Làng nghề có vị trí, vai trò lớn trong việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tạo nên bản sắc, đặc trưng của từng vùng nông thôn. Vì vậy, để làng nghề trở thành hạt nhân của nông thôn mới, cần có những chính sách phù hợp thực tiễn, nhằm tháo gỡ khó khăn để các làng nghề phát triển bền vững.

Tuy mới ra đời gần 4 năm nhưng nghề mây tre đan tại xã Phúc Thành - huyện Yên Thành hiện đã thu hút gần 200 lao động tham gia. Người dân chỉ tranh thủ trong thời gian nông nhàn nhưng thu nhập mỗi tháng vẫn đạt 2,5 triệu đồng. Sắp tới, xã Phúc Thành sẽ thành lập HTX mây tre đan với quy mô 1.000 lao động tham gia; giành 2ha đất để HTX xây dựng nhà xưởng, máy móc thiết bị.

Nghề mây tre đan tại xã Phúc Thành - huyện Yên Thành thu hút gần 200 lao động tham gia

Làng nghề phát triển đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và tăng nhanh hàng năm. Nếu như năm 2014 chỉ đạt 32 triệuđồng/ người/ năm thì nay đạt 38,5 triệu đồng/ người/ năm. Ông Đinh Văn Dương - Bí thư đảng ủy xã Phúc Thành cho biết: Xã hỗ trợ tập huấn, đào tạo nghề và quản lí làng nghề; liên kết với các doanh nghiệp lớn, tăng thêm các đơn hàng; phát triển đa dạng các mặt hàng để làng nghề phát triển bền vững.

Nghề trồng nấm - nghề mới cho thu nhập cao ở Yên Thành


Huyện Yên Thành hiện có 12 làng nghề và 17 làng có nghề, thu hút gần 1.700 lao động, đạt doanh thu mỗi năm trên 35 tỷ đồng. Từ nay đến năm 2020, huyện phấn đấu xây dựng được 5 làng nghề và làng có nghề, tập trung chủ yếu vào ngành nghề như sản xuất đồ mộc, cây cảnh, nấm, mây tre đan.
Ông Nguyễn Vương Ngọc - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: Huyện phát triển các làng nghề hiện có và đồng thời du nhập thêm nghề mới. Huyện mở các khóa đào tạo nghề ngắn hạn cho người sản xuất, để hỗ trợ cho người nông dân và công tác bao tiêu sản phẩm.

Làng mộc mỹ nghệ tại xã Nghi Lâm - Nghi Lộc tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 300 lao động

Mỗi một địa phương có cách làm khác nhau để phát triển các làng nghề gắn với tiềm năng lợi thế của từng vùng. Tại xã Nghi Lâm - Nghi Lộc, để nghề mộc mỹ nghệ xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho 300 lao động thu nhập 3-8 triệu đồng/ người/ tháng, trở thành làng có nghề, xã đã tạo mọi điều kiện về cơ chế, mặt bằng, vốn vay. Bên cạnh đó, xã cũng đang tiếp tục xây dựng làng nghề trồng rau màu với diện tích 200ha, trong đó có 100ha trồng hành tăm. Bởi đây là sản phẩm cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ ha. Theo ông Phan Văn Hiếu - Chủ tịch UBND xã Nghi Lâm- huyện Nghi Lộc, xã đang còn lập tờ trình đề nghị công nhận làng mộc mỹ nghệ chuyên sản xuất đồ gỗ xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản.

Nghề đóng tàu hiện đang phát triển tại các huyện miền biển


Tỉnh phấn đấu đến 2020 xây dựng 160-165 làng nghề,100 làng có nghề tại các xã dự kiến về đích NTM. Để đạt chỉ tiêu kế hoạch thì trước mắt cần giải quyết những vấn đề phát sinh từ các làng nghề như vốn, mặt bằng, thị trường, ô nhiễm môi trường. Cùng với đó phải tập trung đào tạo nguồn lao động và đầu tư KHKTcho các làng nghề, quản lý chặt chẽ chất lượng sản phẩm và giải quyết tốt đầu ra; Tránh đưa nghề mới, xây dựng làng nghề mới một cách tràn lan, không theo quy hoạch.

Bên cạnh việc phát triển nghề mới, các nghề truyền thống cũng được các địa phương chú trọng duy trì


Ông Trần Văn Huy - Phó Chủ tịch liên minh HTX tỉnh yêu cầu: Các địa phương cần rà soát lại các làng nghề được UBND tỉnh công nhận, thực hiện tốt quy hoạch làng nghề và quy hoạch sản phẩm làng nghề phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; đưa chỉ tiêu phát triển làng nghề vào chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Và phát triển làng nghề phải gắn với phát triển du lịch cộng đồng, bảo vệ môi trường.

Bên cạnh sự vào cuộc của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương thì bản thân mỗi làng nghề phải nâng cao trình độ, năng lực, nâng cao chất lượng sản phẩm; Quan tâm bồi dưỡng và phát huy nghệ nhân, thợ giỏi; làm tốt liên doanh, liên kết giữa các cơ sở làng nghề để tăng giá trị của sản phẩm và tạo sự cạnh tranh bền vững.

Tác giả bài viết: Thu Vinh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok