Để phát triển kinh tế bền vững, việc đánh giá các lợi thế so sánh, xác định những điểm nghẽn cản trở phát triển kinh tế, đề xuất giải pháp tháo gỡ là yêu cầu tất yếu khách quan.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet. |
Lợi thế và thành tựu trong phát triển kinh tế ở Thanh Hóa
Với vị thế là “một Việt Nam thu nhỏ” Thanh Hóa đã phát triển kinh tế dựa trên những đặc thù tạo nên lợi thế so sánh. Về vị trí địa lý, địa hình, Thanh Hóa nằm ở cửa ngõ nối liền Bắc Bộ với Trung Bộ, nơi có các tuyến giao thông huyết mạch của cả nước đi qua, gồm đường sắt, đường bộ, đường biển, cửa khẩu quốc tế với Lào.
Về tài nguyên thiên nhiên và lịch sử, văn hóa: Thanh Hóa có đầy đủ các loại địa hình, các hệ sinh thái và chia thành 3 vùng kinh tế rõ rệt: miền núi, đồng bằng và ven biển, nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng. Tỉnh có truyền thống lịch sử, văn hóa, với hơn 1.500 di tích. Về dân số, nguồn lực lao động; Thanh Hóa đang ở trong thời kỳ dân số vàng với 2,1 triệu lao động, trình độ văn hóa tương đối cao.
Phát huy những lợi thế so sánh, Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành tựu trong cả lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường. Cụ thể: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2016 theo giá so sánh năm 2010 ước tăng 9,05% so với cùng kỳ (năm 2015 tăng 8,39% so với cùng kỳ), cao nhất khu vực Bắc Trung Bộ.
Cơ cấu kinh tế của Thanh Hóa chuyển dịch theo hướng khá hợp lý, tỷ trọng đóng góp của công nghiệp và dịch vụ tăng lên trong GDP; tỷ trọng của ngành nông nghiệp giảm xuống. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội của tỉnh có nhiều bước chuyển biến tích cực, an sinh xã hội được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo còn 11% (giảm 2,5%)...
Những “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế của Thanh Hóa
Mặc dù đã đạt được nhiều thành công trong tăng trưởng và phát triển kinh tế, song hiện nay phát triển kinh tế ở Thanh Hóa vẫn chưa tương xứng với các tiềm năng, lợi thế so sánh, thiếu tính bền vững và có nhiều điểm nghẽn. Cụ thể:
Thứ nhất, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thanh Hóa còn nhiều bất cập, vẫn còn hiện tượng chồng chéo trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội với quy hoạch phát triển các ngành kinh tế và từng vùng kinh tế.
Thứ hai, các nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế thiếu tính bền vững, cả nguồn lực vốn, nguồn nhân lực chất lượng cao và khoa học công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu. Vốn đầu tư hiện nay ở Thanh Hóa cho một số công trình, dự án lớn vẫn chủ yếu trông chờ vào nguồn ngân sách từ Trung ương.
Kết quả thu hút các nguồn vốn khác bổ sung cho nguồn NSNN của tỉnh còn thấp. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Thanh Hóa chưa nhiều. Vốn đầu tư ngoài NSNN còn thấp do các DN của Thanh Hóa chủ yếu là vừa và nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp.
Thứ ba, tài nguyên thiên nhiên, địa lý, địa hình không còn có ý nghĩa quyết định đối với tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, diện tích rừng giảm đi, tốc độ mất rừng nhiều hơn tốc độ trồng rừng mới, những ngành nghề phát triển dựa vào lợi thế về biển mất dần sức cạnh tranh trên thị trường. Việc thiếu đồng bộ trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đang làm mất dần lợi thế này ở Thanh Hóa.
Thứ tư, việc thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao là lực cản đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế ở Thanh Hóa do tỷ trọng lao động qua đào tạo còn quá thấp so với nhu cầu phát triển kinh tế theo chiều sâu. Lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn khiến năng suất lao động chung toàn xã hội chưa cao.
Một số ngành nghề mang lại lợi nhuận cao như công nghệ, kiểm toán, tư vấn tâm lý chưa phát triển ở Thanh Hóa. Việc ứng dụng khoa học công nghệ còn chậm, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh thấp. Thanh Hóa chưa tạo ra nhiều sản phẩm dựa vào những lợi thế về tự nhiên, khí hậu.
Thứ năm, kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ giữa các vùng, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển: Thanh Hóa có diện tích lớn, song chủ yếu là vùng đồi núi về phía Tây, khoảng cách giữa các vùng xa, từ thành phố đến một số vùng biên giới khoảng cách lên đến 300km. Việc giao thương buôn bán, hoặc các nhu cầu về vốn cho phát triển kết cấu hạ tầng cao.
Thứ sáu, xuất phát điểm của kinh tế thấp: Thanh Hóa là tỉnh lớn với dân số trên 3,5 triệu người, quy mô kinh tế của Thanh Hóa còn nhỏ và vẫn cần trợ cấp từ ngân sách Trung ương tới 50%. Nông nghiệp chiếm tỉ lệ lớn trong cơ cấu kinh tế, năng suất lao động còn thấp. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh mới bằng 75% mức bình quân của cả nước.
Yêu cầu đặt ra trong phát triển kinh tế ở Thanh Hóa thời gian tới
Trong bối cảnh cả nước thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cải cách thủ tục hành chính, với điều kiện NSNN ngày càng hạn hẹp, nợ công cao; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang đặt ra nhiều yêu cầu mới trong phát triển kinh tế bền vững ở Thanh Hóa.
Cụ thể như: Phát triển kinh tế phải dựa trên những lợi thế so sánh, tạo ra những ngành, sản phẩm có giá trị gia tăng cao, tính cạnh tranh cao hơn; Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư; Phát triển kinh tế gắn với thực hiện công bằng và an sinh xã hội, bảo vệ tài nguyên môi trường, đặc biệt là môi trường biển.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Thanh Hóa đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân 12%/năm trở lên; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 3.600 USD (năm 2017 đạt 1.750 USD); Tổng huy động vốn đầu tư phát triển 5 năm đạt 615 nghìn tỷ đồng... Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh khá của cả nước, tạo nền tảng đến năm 2030 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
Để đạt được mục tiêu trên, đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, Thanh Hóa xác định các giải pháp lớn cần tập trung thực hiện như sau:
Thứ nhất, quyết liệt đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính minh bạch, nhanh gọn, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thứ hai, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, tính toán đến yếu tố tác động của biến đổi khí hậu trong quy hoạch chung và quy hoạch phát triển của từng ngành kinh tế.
Thứ ba, tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước cho phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông và thủy lợi, tập trung thu hút vốn từ nguồn ngoài ngân sách và vốn FDI.
Thứ tư, nâng cao chất lượng mặt hàng xuất khẩu, nhất là hàng nông sản, thủy sản, may mặc, dày da, tiểu thủ công nghiệp bằng việc tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ.
Thứ năm, bổ sung, xây dựng cơ chế phù hợp, ưu đãi để kêu gọi kiều bào ở nước ngoài, nhà đầu tư trong nước có điều kiện thuận lợi về đầu tư xây dựng phát triển kinh tế tỉnh Thanh Hóa.
Thứ sáu, tăng cường đầu tư giáo dục, đào tạo, hỗ trợ thay đổi sinh kế cho người dân ven biển trước các tác động của biến đổi khí hậu.
Tài liệu tham khảo:
1. Giáo trình Phát triển bền vững của Viện Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2015);
2. Báo cáo phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2011-2015;
3. Báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa;
4. Niên giám Thống kê 2015;
5. Thanh Hóa cần ưu tiên phát triển các ngành kinh tế trọng điểm và các vùng kinh tế động lực, Báo ĐBND (20/2/2017).
Tác giả: Nguyễn Quốc Cường
Nguồn tin: Tạp chí tài chính