Thưa ông, ông đánh giá thế nào về sự phát triển môn golf tại Đà Nẵng?
Phát triển môn golf chính là một cách nâng tầm thương hiệu của TP. Đà Nẵng, không những có thể thu hút được những cư dân mới, có mức sống cao và tiêu dùng cao, mà còn thu hút được lượng khách doanh nhân yêu thích môn thể thao này tới chơi vào dịp cuối tuần hoặc ngày lễ, có mức chi trả cao và đặc biệt, với xu hướng bàn bạc, hợp tác kinh doanh qua những trận golf thì phát triển môn thể thao golf cũng là một cách thu hút được nguồn đầu tư từ bên ngoài vào Đà Nẵng.
|
Khách chơi golf thường là du khách hưởng thụ, cho nên phát triển môn này có thể kéo theo các loại hình khác như khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi, giao thông… cũng phát triển theo. Việc có sân golf tại một điểm đến cũng là yếu tố thu hút các khách du lịch khác, đặc biệt là khách du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo).
Quan điểm của ông trong việc đưa golf trở thành một sản phẩm du lịch mang lại giá trị cao cho Đà Nẵng?
Theo các nghiên cứu, việc phát triển golf có thể đóng góp mức tăng trưởng du lịch cho Đà Nẵng đến 35% trong thời gian tới, nhờ vào việc thu hút ngày càng nhiều lượng du khách có mức chi trả cao nhất này. Lượng du khách chơi golf đi theo tour thường kéo dài 3 - 5 ngày cho một kỳ chơi golf, hoặc thậm chí dài hơn tại Đà Nẵng, do khách chơi golf có thể thử sức ở các sân golf khác nhau tại các địa điểm trong và ngoài Đà Nẵng. Lượng khách này sẽ giúp giải bài toán khách du lịch đang lưu trú tại Đà Nẵng ngắn hơn trước đây.
Để phát triển một cách chuyên nghiệp thị trường khách du lịch này, theo tôi, Sở Du lịch Đà Nẵng nên thành lập Ban Xúc tiến du lịch golf, trong đó có đại diện các sân golf, các khách sạn 4-5 sao, các chuyên gia golf và các hiệp hội golf, các công ty du lịch chuyên tổ chức khách chơi golf, từ đó có thể quảng bá mạnh mẽ hơn, hợp tác chặt chẽ hơn việc đón tiếp lượng khách này.
Việc tham gia tổ chức AGTC 2017 tại Đà Nẵng (từ ngày 7 - 13/5/2017) của Sở Du lịch Đà Nẵng đã cho thấy quyết định sáng suốt của lãnh đạo ngành du lịch trong việc đa dạng thị phần khách. Được biết, ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Du lịch đã khẳng định, chủ trương của ngành du lịch Đà Nẵng là đa dạng hoá quốc tịch du khách và đa dạng nguồn khách du lịch theo mục đích. Đà Nẵng không chỉ có du lịch biển, du lịch MICE, mà còn là du lịch văn hoá và giải trí, trong đó có golf. Thu hút thêm lượng khách chơi Golf tới Đà Nẵng cũng là một cách giải bài toán nguy cơ nguồn cung khách sạn hậu APEC 2017 có thể vượt cầu.
Du lịch và bất động sản luôn có mối quan hệ tương hỗ, vậy việc phát triển môn golf tại Đà Nẵng sẽ tạo ra tác động ra sao đối với lĩnh vực bất động sản tại Đà Nẵng. Đây có thể xem là một yếu tố động lực để đưa lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng phát triển?
Sân golf thường được xây dựng trên các diện tích đất cằn cỗi hay đất cát ven biển, cũng là một cách làm cho điểm đến được đẹp hơn và tận dụng được nguồn tài nguyên đất. Với các quy định của Chính phủ về kiểm soát chặt chẽ môi trường của các sân golf, chúng ta không phải lo lắng về ảnh hưởng tới nguồn nước và môi sinh. Các khu vực kề cận sân golf cũng được phát triển theo, đặc biệt là các khách sạn hay khu nghỉ dưỡng, hoặc kể cả các khu dân cư cao tầng bên cạnh sân golf luôn có sức hấp dẫn lớn đối với cư dân, cũng như các nhà đầu tư thứ cấp. Giá bất động sản trong sân golf, theo kinh nghiệm ở các nước trong khu vực, thường cao gấp đôi, thậm chí gấp 10 lần giá bất động sản trung bình trên thị trường và thường thu hút được lượng cư dân nước ngoài lựa chọn sinh sống.
Các sân golf thường nằm cách trung tâm thành phố từ 15 - 20 km, kéo theo việc phát triển bất động sản ở khu vực đó, cũng là một cách giãn dân và giảm thiểu sức ép lên hạ tầng dịch vụ ở trung tâm, đồng thời có thể thuận lợi hơn trong việc quy hoạch lại các khu ngoại ô được bài bản hơn, góp phần làm cho TP. Đà Nẵng đẹp hơn, có thể sánh với các địa danh nổi tiếng khác trong khu vực.
Tác giả: Uông Ngọc
Nguồn tin: Báo Đầu tư