Trong tỉnh

Phát triển giống lúa để giảm lệ thuộc vào nước ngoài

Những năm trước đây, đa phần các giống lúa cao sản được gieo trồng tại Thanh Hóa đều phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Vào mỗi đầu vụ, nông dân lẫn các nhà phân phối giống đều bị lệ thuộc, thậm chí còn bị chi phối bởi các công ty của nước bạn “ghim” hàng, tạo “sốt” ảo để nâng giá...

Sản xuất mạ để phát triển vùng giống của công ty tại trại giống ở huyện Triệu Sơn.

Một trong những đơn vị đi đầu trong việc chủ động phát triển các giống lúa tại Thanh Hóa là Công ty CP Giống cây trồng Thanh Hóa với những bước đi hiệu quả. Chiến lược đầu tiên được công ty ưu tiên là phát triển những giống lúa chất lượng và năng suất cao của chính công ty và các đơn vị của tỉnh lai tạo.

Công ty đã liên kết với nông dân nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, phát triển vùng chuyên canh sản xuất lúa giống để cung ứng cho thị trường. Giống lúa thuần Lam Sơn 8 hiện được phát triển trên đồng ruộng hàng chục tỉnh, thành phố trong cả nước chính là thành quả điển hình nhất cho việc phát triển các giống lúa nguồn gốc “Made in Thanh Hóa”.

Nói về thành công này, ông Trịnh Thúc Luân, Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng Thanh Hóa chia sẻ: Lam Sơn 8 được chúng tôi chọn tạo thành công, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và cho sản xuất thử từ năm 2015. Ngay từ vụ đầu trồng thử nghiệm, lúa đã cho năng suất cao ở Thanh Hóa, sau đó phát triển ra các tỉnh khu vực miền Trung.

Đây là giống lúa nội cho năng suất cao, trung bình khoảng 70 tạ/ha, nếu thâm canh tốt, có nơi cho năng suất tới hơn 80 tạ/ha. Không chỉ phát huy được những ưu điểm ở vùng đồng bằng, 2 năm qua, Lam Sơn 8 còn hành trình “vượt núi” lên tận tỉnh Yên Bái và các tỉnh miền núi phía Bắc.

Sau thành công trong phát triển các giống lúa của tỉnh, công ty phát triển chiến lược tiếp theo là đầu tư mua bản quyền các giống lúa mới của các công ty giống Trung Quốc và của các viện giống trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy tốn kém trong việc mua bản quyền, nhưng công ty đã “nội hóa” được nhiều giống lúa chất lượng tốt, sau đó tiến hành sản xuất các giống ngay tại Thanh Hóa và Quảng Nam.

Trong các năm 2016 và 2017, công ty đã mua bản quyền 2 giống lúa mới của Viện Di truyền Nông nghiệp (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), gồm: DT 80 và CNC 11. Những vụ gần đây, hai giống mới này đang được công ty hợp tác, cho sản xuất thử nghiệm trên diện rộng với tổng diện tích hàng trăm héc – ta tại các tỉnh, thành phố: Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Yên Bái, Thái Bình và các tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Trong điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng khác nhau, bước đầu, hai giống lúa này đã khẳng định được nhiều ưu điểm, như: Chất lượng gạo ngon, thời gian sinh trưởng ngắn, cho năng suất từ 65 đến 75 tạ/ha. Trong tỉnh, hiện hai giống này đang được dần phổ rộng, trải dài địa bàn phát triển ở nhiều huyện, như Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Triệu Sơn... đã khẳng định được hiệu quả bước đầu.

Từ chiến lược dài hơi, công ty đã chủ động sản xuất được hàng trăm tấn lúa giống mỗi vụ, giúp nông dân trong và ngoài tỉnh giảm sự lệ thuộc bởi các giống từ nước ngoài. Mặt khác, các giống lúa nhập ngoại có giá cao hơn, thậm chí gấp đôi, gấp ba lần các giống lúa được sản xuất trong nước bởi chi phí nhập khẩu, trong khi năng suất tương đương.

Các vụ gần đây, nhiều giống lúa thuần của công ty cung ứng có giá trung bình khoảng 35.000 đồng/kg nhưng các giống lúa nhập ngoại năng suất tương đương có giá từ 70.000 đến 130.000 đồng/kg. Hiện tại, công ty đang phát triển và cung ứng hơn 10 loại giống lúa thuần và gần 10 giống lúa lai cho thị trường trong và ngoài tỉnh, giúp nông dân giảm đáng kể chi phí mua giống lúa. Nhiều giống lúa có nguồn gốc từ Trung Quốc, như: Thái Xuyên 111, ZZD 001, Nghi Hương 2308... đã được “Việt hóa” và cung ứng với giá thấp hơn nhập khẩu.

Nhiều giống lúa của đơn vị đã được ngành nông nghiệp nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước biết đến, tin tưởng và đưa vào cơ cấu giống, trong đó có những giống năng suất cao tới 80 tạ/ha, có thể “cạnh tranh sòng phẳng” với những loại lúa được đánh giá cao nhất trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay.

Thành quả của công ty gắn liền với lợi ích người nông dân – một hướng đi, một cách làm đã chứng minh sự đúng đắn. Hiện, công ty đã có văn bản xin tỉnh để đầu tư xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có trung tâm nuôi cấy mô, phát triển và sản xuất những loại giống cây trồng, giống lúa cao cấp...

Tác giả: Lê Đồng

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa điện tử

  Từ khóa: giống lúa , công ty , thanh hóa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok