Trong nước

Phát huy vai trò của báo chí, truyền thông trong phòng, chống tham nhũng

Trong bài phát biểu kết luận Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng ngày 25/6/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá rất cao sự đóng góp tâm huyết, trí tuệ và công sức của các cơ quan thông tấn, báo chí đối với kết quả công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận Hội nghị toàn quốc về PCTN chiều 25/6. Ảnh: NAM TRẦN

Điều này cho thấy, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn dành sự quan tâm sâu sắc, đề cao những đóng góp, cống hiến to lớn của báo chí; luôn ủng hộ, tạo điều kiện để báo chí phát triển và mong muốn giới báo chí nước nhà nỗ lực hơn nữa để hoàn thành tốt sứ mệnh vẻ vang và cao cả của mình.

Báo chí đã tích cực đồng hành cùng cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng

Đấu tranh phòng, chống các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực đang hàng ngày hàng giờ hủy hoại cuộc sống bình yên và tốt đẹp của nhân dân là cuộc chiến đấu lâu dài, phức tạp, gian nan và đầy thách thức. Để cuộc chiến vừa nguy hiểm, vừa cam go này đạt hiệu quả không phải chỉ có quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân mà phải có hệ thống những giải pháp kiên quyết, mạnh mẽ và đồng bộ, trong đó, không thể thiếu vai trò của báo chí.

Trên thực tế, vấn đề tăng cường vai trò giám sát, phản biện của báo chí đối với hoạt động của bộ máy Nhà nước và những người có chức quyền trong bộ máy, kịp thời phát hiện và chỉ ra những lỗ hổng trong cơ chế, chính sách, pháp luật; những hành vi mờ ám mang danh lợi ích tập thể để tham nhũng...đang là một đòi hỏi cấp thiết.

Vì vậy, tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng ngày 25/6/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, công tác thông tin, tuyên truyền có nhiều đổi mới, nhất là phát huy vai trò của báo chí, truyền thông trong phòng, chống tham nhũng. Công khai kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế; chủ động cung cấp thông tin về những vấn đề nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm, giúp định hướng tốt dư luận xã hội và cũng thể hiện sự công khai, minh bạch của Đảng, Nhà nước trong xử lý tham nhũng.

“Các cơ quan thông tấn, báo chí đã tích cực đồng hành cùng cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng; có nhiều tin, bài về công tác phòng, chống tham nhũng, đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta” Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào báo chí, nhà báo cũng được tạo điều kiện để tham gia công tác này, nhất là trong điều kiện hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, sự hiểu biết của người dân về vai trò giám sát, phản biện của báo chí trong đời sống xã hội còn hạn chế nên hoạt động của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng còn gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí còn gặp nhiều thách thức, nguy hiểm.

Bên cạnh đó, có không ít vụ việc phản biện của báo chí chưa đúng sự thật, chưa khách quan, thiếu công tâm gây tác động xấu trong dư luận xã hội. Việc đưa thông tin thiếu chuẩn xác, thiếu trung thực, khách quan, thậm chí bịa đặt, bôi đen hoặc tô hồng vì những động cơ cá nhân, vụ lợi không còn hiếm gặp.

Nội dung và hình thức phản biện xã hội còn gặp nhiều vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn; còn rất ít những bài viết phân tích về nguyên nhân và đề xuất các giải pháp phòng, chống tham nhũng…

Vì thế, nhìn chung, hiệu quả xã hội của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng chưa cao, tầm ảnh hưởng, sức lan tỏa chưa thực sự đáp ứng mong đợi và những đòi hỏi của nhân dân.

Khen thưởng, động viên những người làm báo dũng cảm

Đòi hỏi cấp thiết của thời đại đang đặt cho đội ngũ báo chí nhiệm vụ hết sức nặng nề, nhưng cũng thật vẻ vang.

Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn, "Tuyên truyền phải khẳng định rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước về PCTN; phải củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới, tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân".

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư cũng lưu ý các nhà báo cần chú trọng thông tin tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, khắc phục tình trạng thông tin một chiều, thông tin không chính xác, mang tính kích động, gây hoang mang hoặc quy kết về tội danh, mức án trước khi xét xử.

Tổng Bí thư cũng đề nghị mỗi người làm báo kiên trì rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Đồng thời xây dựng, thực hiện tốt quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; phê phán, lên án, đấu tranh với tham nhũng, lãng phí.

Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh việc "bảo vệ, khen thưởng, động viên những người làm báo tích cực, dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng; xử lý nghiêm khắc việc đưa tin sai sự thật, vu cáo, bịa đặt gây hậu quả xấu".

Tổng Bí thư mong muốn báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng "cổ vũ, động viên sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, huy động sức mạnh của toàn dân trong cuộc đấu tranh PCTN", qua đó làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng vạn, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp.

Tác giả: H. Lâm

Nguồn tin: Báo Công luận

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok