Hình thức "phạt rắn" không còn phù hợp?
Câu hỏi được nhiều diễn đàn, mạng xã hội đặt ra là liệu giáo viên ở Long An phạt học sinh quỳ gối có phù hợp, có nên áp dụng hình thức phạt này với học sinh hay không? Có sự tranh cãi này, bởi đơn giản là rất nhiều người từng là học sinh từ cách đây nhiều chục năm, từng phải chịu hình thức phạt này và không ít trong số họ cảm thấy không có gì là quá đáng.
Giáo viên ngày càng trở thành nghề có nhiều áp lực hơn. Ảnh minh họa: D.H |
Nhiều năm làm giáo viên, cô giáo Minh Huệ - nguyên GV trường THPT Quốc học Huế - chia sẻ, lúc đi học, cô vẫn bị thầy cô giáo phạt bằng các hình thức như đánh tay, quỳ gối khi vi phạm lỗi. Thời đó, cứ nghe đến các hình thức phạt của thầy chủ nhiệm là cô vẫn cảm thấy sợ đến mức… ám ảnh cho đến tận bây giờ.
“Thời của tôi không có khái niệm thầy chiều trò, bố mẹ chiều con. Mọi thức đều rất nghiêm và đi vào khuôn khổ nên việc gây ra lỗi ở trường hay ở nhà đều khiến chúng tôi rất lo sợ, sợ bị phạt với các kiểu phạt rất đau và quỳ gối là một trong những kiểu phạt ấy. Chính vì sợ nên không dám vi phạm và mình cũng cảm thấy hình thức phạt ấy hoàn toàn xứng đáng nên tôi thấy thầy phạt trò quỳ gối không có gì oan ức. Đó là chuyện của ngày xưa” - nữ GV chia sẻ.
Tuy nhiên, với cô Huệ, từ thời mới ra trường đi dạy cho đến khi chính thức về hưu, đó là một khoảng cách lớn trong việc thay đổi dạy dỗ, răn đe khi học trò hư.
“Học trò thiếu tôn trọng GV rất nhiều, các em thậm chí thể hiện điều đó một cách rõ ràng, lộ liễu chứ không còn như ngày xưa nữa. Phụ huynh thì không phải ai cũng thông cảm cho giáo viên. Các em đề cao cái gọi là sự công bằng nên GV mà áp dụng các hình thức "phạt rắn" như ngày xưa thì có vẻ bị phản ứng ngay từ chính các em và phụ huynh. Vì vậy lựa chọn hình thức phạt trong thời nay, cũng là điều khiến thầy cô giáo đau đầu, là thử thách không nhỏ với người đi dạy” - cô Huệ chia sẻ.
Nếu chỉ phạt để thỏa mãn cơn giận và chứng tỏ uy lực của GV mà không xuất phát từ tình yêu thương học trò thật sự, đó chính là sự thất bại của nghề giáo - Ảnh minh họa |
Phạt thế nào để học trò biết nghe?
Cô Huệ thừa nhận, phạt trò như ngày xưa với các hình thức bắt quỳ gối hay đánh tay khi trò vi phạm, đã không còn phù hợp trong thời nay. GV vì thế cần lựa chọn những hình thức răn đe trò mềm mại, linh hoạt hơn nhưng vẫn đủ mạnh để khiến học sinh thay đổi hành vi. Đây là thách thức không nhỏ.
Đặc biệt, với học sinh tiểu học thì điều này càng khiến GV bận tâm bởi các em rất hiếu động, nhớ trước quên sau, nhắc rồi vẫn cứ tái phạm là chuyện thường xuyên. Nóng giận dẫn tới những kiểu phạt mang tính tùy hứng là điều vô cùng tối kỵ.
“Những lúc như vậy, tôi nghĩ dù khó nhưng GV vẫn nên kiên trì nhắc nhở, nếu nhiều lần mà em vẫn tái phạm và làm ảnh hưởng đến tập thể thì nên áp dụng các hình thức phạt như đứng yên một góc lớp vài phút. Nặng hơn thì phạt bằng cách đứng im trong thời gian lâu hơn trong khi cả lớp vẫn học bình thường. Nếu sau đó, học sinh vẫn tái phạm nhiều lần thì GV mới trao đổi trực tiếp với phụ huynh để tìm hướng phối hợp giải quyết. Các hình thức ảnh hưởng trực tiếp đến thân thể các em, tôi nghĩ không nên!” - cô Huệ nhấn mạnh.
Trong khi đó, với cô Nguyễn Hải - GV tiểu học ở TP.Vinh (Nghệ An) - việc kết nối với phụ huynh có con hiếu động cá biệt, vi phạm nhiều lần là điều vô cùng cần thiết. Điều này vừa giúp GV có hướng phạt trò phù hợp sau khi đã bàn bạc với cha mẹ, vừa không khiến phụ huynh cảm thấy “sốc” dẫn đến hiểu lầm không đáng có.
“Phụ huynh phần lớn đều có tâm lý muốn biết con mình ở trường ra sao, ngoan hay hư thì đây là cơ hội để GV chia sẻ và tìm kiếm ở cha mẹ sự cảm thông. Nếu chúng tôi cũng áp dụng cách dạy học trò theo kiểu đôi khi bốc đồng như mình vẫn dạy con mình ở nhà thì không hay chút nào, thậm chí dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Sự nghiêm khắc của GV để khiến học sinh sợ, đôi khi chỉ cần một ánh nhìn. Học trò sợ mà vẫn nghe lời và làm theo mình, nghĩa là các em hiểu được tình cảm và mong muốn thật sự của GV dành cho mình” - nữ GV chia sẻ.
Với nữ GV này, dạy trẻ ở lứa tuổi tiểu học, càng ngày càng là một thử thách lớn với chính bản thân mình. Áp lực công việc đã đành, còn có nhiều áp lực khác đến từ phụ huynh và cả học sinh.
Tự luyện sự kiên nhẫn và cả sự tỉnh táo là điều bản thân cô luôn tâm niệm. Nếu chỉ phạt để thỏa mãn cơn giận và uy lực của GV mà không xuất phát từ tình yêu thương học trò thật sự, với cô đó chính là sự thất bại của nghề giáo.
Tác giả: Phúc Nguyên
Nguồn tin: Báo Phụ nữ Việt Nam