Số hóa

Phát hiện ra một hang động khổng lồ trên mặt trăng

Các cơ quan vũ trụ vẫn luôn hy vọng sẽ dùng mặt trăng làm một điểm dừng trên đường đến sao Hỏa và xa hơn nữa. Một ngày nào đó, khu vực Marius Hills trên mặt trăng sẽ đóng vai trò như một nơi ở tạm thời của con người trong vũ trụ.

Cơ quan vũ trụ Nhật Bản cho biết đã tìm thấy một nơi ẩn náu tiềm năng trên mặt trăng, đó có thể sẽ là một ngôi nhà tạm thời cho các phi hành gia trong tương lai.

Các nhà khoa học đã phát hiện lỗ hổng này lần đầu tiên nhờ một tàu quỹ đạo, nó chỉ cho thấy có duy nhất một lỗ hổng khoảng 50 mét. Nhưng cơ quan này cho biết, khi tiếp tục thăm dò bằng sóng vô tuyến, họ đã tìm thấy một hang động dung nham kéo dài hàng chục cây số.

Nhóm nghiên cứu cho rằng, nơi trú ẩn tiềm năng này được hình thành bởi dòng nham thạch chảy trên mặt trăng khoảng 3,5 tỷ năm trước. Nó nằm xung quanh một khi vực được tạo thành bởi một loạt các đỉnh núi lửa gọi là Marius Hills.

Chính phủ của Mỹ và một số nước cho biết sẽ sớm đưa con người quay trở lại mặt trăng để xây dựng một căn cứ trên đó. Hang động kéo dài khoảng 48km trên bề mặt mặt trăng này có thể sẽ được dùng làm nơi che chở trong khi các phi hành gia thiết lập một căn cứ lâu dài hơn.

Mặt trăng không có bầu khí quyển thực sự, vì thế con người sẽ không được che chắn khỏi các bức xạ chết người giống như được bảo vệ khi ở trên Trái Đất.

Khi ở trong hang động này, các phi hành gia cũng sẽ được bảo vệ khỏi các thiên thạch – thứ trở nên nguy hiểm hơn nhiều nếu không có bầu khí quyển, và bên trong lỗ thủng này cũng sẽ có một mức nhiệt độ ổn định.

Ngoài việc cho phép thăm dò sâu hơn về người hàng xóm gần gũi nhất của chúng ta, lỗ hổng này cũng có thể là điểm dừng chân cho các cuộc thăm dò xa hơn về hệ mặt trời.

Nhật Bản muốn đưa một phi hành gia lên mặt trăng vào năm 2030. Họ sẽ tham gia vào một nhiệm vụ của NASA với mục đích xây dựng một căn cứ trên mặt trăng, căn cứ này sẽ được dùng để làm điểm dừng chân trên đường đến sao Hỏa.

Ông Mike Pence – phó tổng thống Mỹ - phát biểu rằng “nước Mỹ sẽ đưa các phi hành gia trở lại mặt trăng – không chỉ nhằm để lại những dấu chân và lá cờ, mà còn để xây dựng một nền móng cần thiết, để từ đó đưa người Mỹ đến sao Hỏa và xa hơn nữa”.

Vệ tinh Kaguya phát hiện ra lỗ hổng này đã “rời khỏi cuộc chơi” từ năm 2009 do đâm vào bề mặt mặt trăng. Nhưng các nhà khoa học vẫn tiếp tục tìm thấy những điều bất ngờ trong dữ liệu mà nó gửi về.

Tác giả: Anh Thư

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok