Công ty Xi măng Quang Sơn, một thành viên của Vinaicon thua lỗ nặng nề (Ảnh minh họa) |
Việc kiểm tra được thực hiện từ ngày 10/4 đến ngày 10/5/2018 tại 8 doanh nghiệp gồm Vinainco; Công ty TNHH MTV xây lắp hóa chất; Công ty TNHH MTV Xây lắp điện 4; Công ty cổ phần thi công cơ giới Vinaincon; Công ty cổ phần đầu tư và Xây dựng công nghiệp; Công ty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn; Công ty TNHH MTV Xây lắp điện 2 và Công ty cổ phần Bê tông ly tâm Thủ Đức.
Tại thời điểm thanh tra, tổng số người làm việc trong 8 doanh nghiệp kể trên là gần 1.970 người, gồm cả số người đã ký hợp đồng lao động và số người đang trong thời gian thử việc. Trong đó, lao động nữ là 273 người, chiếm tỷ lệ 13,87%.
8 doanh nghiệp tại thời điểm được thanh tra đều đang sử dụng 3 lao động là người cao tuổi, không sử dụng lao động chưa thành niên, lao động là người nước ngoài và người khuyết tật.
Trong đó, tổng số người thuộc diện phải ký kết hợp đồng lao động là 1.941 người. Số đã ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản chiếm trên 99,7%, tương ứng với 1.936 người. Trong đó, hợp đồng không xác định thời hạn là 1.617 người, hợp đồng có thời hạn từ 12 đến 36 tháng là 262 người; Hợp đồng có thời hạn từ 3 đến 12 tháng là 27 người.
Mỗi doanh nghiệp vi phạm bình quân hơn 14 lỗi
Theo kết luận của Thanh tra Bộ Lao Động Thương binh và Xã hội, các doanh nghiệp được thanh tra hầu hết đều có ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về lao động như công tác tuyển dụng, ký kết hợp đồng lao động, giờ làm việc, trang bị phương tiện cá nhân, bảo hiểm thất nghiệp, trả lương, theo đúng quy định.
Đặc biệt các doanh nghiệp không tại thời điểm kiểm tra không xảy ra tình trạng lao động bị mất việc làm, ngừng việc hay xảy ra khiếu nại tố cáo, đời sống người lao động được đảm bảo… Tuy nhiên, 8 doanh nghiệp nằm trong diện kiểm tra vẫn bộc lộ nhiều khuyết điểm, thiếu sót.
Cụ thể, qua thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật lao động, Đoàn kiểm tra phát hiện khoảng 113 hành vi vi phạm, tức bình quân mỗi doanh nghiệp vi phạm khoảng 14,1 hành vi. Trong đó, doanh nghiệp vi phạm nhiều nhất là Công ty TNHH MTV Xây lắp hóa chất với 23 hành vi. Riêng Công ty cổ phần thi công cơ giới Vinaincon bị phạt vi phạm số tiền 15 triệu đồng.
"Các vi phạm của 8 doanh nghiệp nằm trong diện kiểm tra chủ yếu liên quan đến việc chưa báo cáo định kỳ về việc thay đổi lao động trong 6 tháng đầu năm và hàng năm với cơ quan quản lý nhà nước. Một số doanh nghiệp xây dựng quy chế tuyển dụng lao động có nội dung chưa phù hợp với quy định của luật như mức lương áp dụng trong thời gian thử việc bằng 80% lương chức danh, thấp hơn so với quy định", nội dung kết luận thanh tra cho hay.
Việc một số doanh nghiệp đưa ra nội dung tuyển dụng như “Đối tượng tham gia tuyển dụng không mắc các chứng bệnh thần kinh mãn tính, các bệnh xã hội, không có dị tật bẩm sinh” theo Đoàn kiểm tra là chưa đúng quy định tại Điều 8, Bộ Luật lao động năm 2012.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp được xác định ký hợp đồng lao động chưa ghi rõ cụ thể quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động; Chưa xây dựng thang lương, bảng lương gửi tới cơ quan quản lý nhà nước; Chưa tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc, chưa xây dựng kế hoạch an toàn, vệ sinh hay bố trí khám sức khỏe định kỳ… cho người lao động…
Lỗi từ người đại diện phần vốn nhà nước
Có 4 nguyên nhân được Đoàn kiểm tra xác định liên quan đến các hành vi vi phạm kể trên như việc nhận thức cũng như ý thức chấp hành pháp luật của người lao động chưa cao; Đội ngũ nhân viên làm công tác lao động tiền lương còn hạn chế về trình độ, chuyên môn, đặc biệt là quy định của pháp luật; Doanh nghiệp chưa cập nhật kịp thời các quy định…
Ngoài ra, một số lỗi được Đoàn kiểm tra xác định xuất phát từ người đại diện vốn nhà nước. Tại Công ty Xây lắp điện 2, Công ty Xây lắp điện 4, Xây lắp hóa chất và Công ty Xi măng Quang Sơn, người đại diện vốn chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm về công tác quản lý lao động, tiền lương theo quy định; chưa tham gia ý kiến với hội đồng thành viên để quyết định phê duyệt kế hoạch lao động, quỹ tiền lương kế hoạch và thực hiện của người lao động, tiền lương, thưởng, thù lao và tiền thưởng của người quản lý…
Bên cạnh đó, người đại diện vốn cũng chưa báo cáo xin ý kiến cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước về kế hoạch lao động của người lao động, quỹ lương, thù lao, tiền thưởng… của người quản lý trước khi có ý kiến với hội đồng thành viên.
Cụ thể: Công ty TNHH MTV Xây lắp điện 2 và Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng công nghiệp đã không trả tiền cho người lao động không nghỉ hằng năm hoặc nghỉ không hết số ngày nghỉ hằng năm.
Năm 2017, Công ty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn hoạt động thua lỗ nhưng tổng công ty vẫn phê duyệt quỹ tiền lương thực hiện cao hơn tiền lương cấp bậc theo hợp đồng lao động. Công ty TNHH Xây lắp điện 2 có mức tăng tiền lương của người quản lý cao hơn mức tăng lợi nhuận thực hiện.
Ngoài ra, việc Tổng công ty trực tiếp phê duyệt quỹ tiền lương tại Xây lắp điện 4, Xi măng Quang Sơn, Xây lắp điện 2, Xây lắp hóa chất (Tổng công ty sở hữu 100% vốn điều lệ) cũng được xác định là không đúng quy định.
Vinaincon được thành lập năm 1998 trên cơ sở hợp nhất các đơn vị xây lắp thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam và các Công ty xây dựng chuyên ngành thuộc ngành Công nghiệp Việt Nam. Năm 2011, Vinaincon chính thức đi vào hoạt động theo mô hình Tổng công ty cổ phần với số vốn 550 tỷ đồng.
Tác giả: H.Anh
Nguồn tin: Báo Dân trí