Chủ cơ sở là Phan Văn Trung, SN 1983, ở Sung Yên, Đô Thành, Yên Thành, Nghệ An. Anh Trung thuê nhà xưởng để làm cơ sở sản xuất bình nước lọc đóng chai này tại tổ 10, Vĩnh Hưng, Hoàng Mai, Hà Nội. Anh Trung cho biết, cơ sở mới đi vào hoạt động từ tháng 1-2016. Hệ thống lọc, chứa nước anh Trung mua lại từ chủ cũ. Nước được hút giếng khoan qua quá trình tẩy lọc sẽ được cơ sở này đóng bình, dán tem nhãn bằng phương pháp thủ công rồi đem đi tiêu thụ tại các đại lý.
Tại cơ sở, lực lượng chức năng thu giữ 5 bình Miru, 63 vỏ bình trên thân có tem của Miru, 47kg tem dán cổ bình nhãn hiệu Miru, 52 bình có chứa nước nhẫn hiệu Lavijoy. Mỗi ngày cơ sở này sản xuất khoảng 600 bình, bình nước lọc Fancy bán giá 7 nghìn đồng/bình, bình Miru 22 nghìn đồng/bình, Lavijoy bán giá 15 nghìn đồng/bình.
Điều đáng nói, chủ cơ sở này khai nhận có sử dụng axit sunfuric và soda để ngâm tẩy nắp bình, người thực hiện quy trình tẩy rửa này là một công nhân tại xưởng, không hề qua trường lớp đào tạo, chỉ ngâm tẩy hóa chất theo… kinh nghiệm.
Trung tá Phạm Văn Minh, Đội trưởng Đội Cảnh sát môi trưởng – CAQ Hoàng Mai cho biết, việc cá nhân không qua trường lớp đào tạo, tùy tiện sử dụng axit sunfuric, soda trong quá trình sản xuất thực phẩm như thế này là rất nguy hiểm, bởi sau khi ngâm tẩy, dù rửa qua nước cũng rất khó có thể xử lý hết các chất này khỏi vỏ bình. Do vậy, Đội Cảnh sát môi trưởng, CAQ Hoàng Mai, đã lấy mẫu nước ngâm tẩy đi kiểm nghiệm.
Bên cạnh đó, nghi ngờ một số nhãn hiệu tại cơ sở này là làm giả, Đội Cảnh sát môi trường, CAQ Hoàng Mai, đã thu giữ và tiếp tục điều tra, xác minh để xử lý cơ sở này theo đúng quy định của pháp luật.
Hình ảnh tại cơ sở sản xuất này:
Tác giả bài viết: Chu Hương