Phát biểu tại Điện Elysee hôm 10-12, Tổng thống Pháp đã tìm cách xoa dịu những người biểu tình phong trào "Áo ghi-lê vàng" chống phá ở thủ đô Paris hồi cuối tuần qua. Theo đó, ông Macron tuyên bố sẽ tăng mức lương tối thiểu thêm 100 euro/ tháng, ngừng đánh thuế làm thêm ngoài giờ, khuyến khích chủ lao động trả cho nhân viên tiền thưởng miễn thuế và bỏ đánh thuế bổ sung lên phần lớn các loại tiền hưu trí.
Tổng thống Pháp Macron phát biểu hôm 10-12. Ảnh: News.com.au |
Trong khi đó, ông Macron từ chối tái áp thuế lên giới nhà giàu vì cho rằng điều đó giúp tạo ra việc làm cho người lao động.
Tổng thống Pháp nhấn mạnh: "Chính phủ sẽ có động thái cấp bách về kinh tế và xã hội bằng các biện pháp mạnh, giảm thuế nhanh hơn, kiểm soát chi tiêu công nhưng không thay đổi hoàn toàn chính sách đã đặt ra trước đó". Bộ trưởng Pháp về ngân sách công Olivier Dussopt ước tính tổng chi phí của các biện pháp nhượng bộ vào khoảng 8 đến 10 tỉ euro.
Ông Macron cũng thừa nhận đường lối lãnh đạo của mình đã làm tổn thương người dân và nhận thấy sự phẫn nộ của họ là đúng, đồng thời chịu một phần trách nhiệm trong việc châm ngòi các cuộc biểu tình giận dữ.
Những người biểu tình theo dõi bài phát biểu của Tổng thống Macron. Ảnh: Reuters |
"Tôi không quên những gì từng cam kết trong thời gian ứng cử tổng thống. Tôi muốn thế hệ trẻ ở Pháp sống tốt hơn chúng ta" – Tổng thống Macron cho hay. Dù nhận thức được cơn phẫn nộ của người dân về chi phí sinh hoạt cao nhưng ông Macron cho rằng không thể nhân nhượng những người đứng sau cuộc biểu tình bạo lực.
Theo ông chủ Điện Elysee không có sự tức giận nào biện minh cho hành động tấn công cảnh sát hay cướp cửa hàng khi cho rằng những điều đó đều đe dọa sự tự do của Pháp.
Trong khi đó, phát ngôn viên của chính phủ, ông Benjamin Griveaux, cảnh báo sẽ mất nhiều thời gian để có thể giải quyết tất cả các vấn đề. Về phần mình, những người biểu tình vẫn không hài lòng với những nhượng bộ của Tổng thống Maron, vẫn phong tỏa các tuyến đường giao thông và cam kết tiếp tục đấu tranh.
Tác giả: Xuân Mai
Nguồn tin: Báo Người lao động