Thế giới

Pháp có hơn 5.300 người chết, số ca tử vong tại Anh cao kỷ lục

Cả Pháp và Anh đều ghi nhận thêm hàng trăm ca tử vong vì Covid-19 trong ngày 2/4, biến hai nước trở thành ổ dịch lớn tại châu Âu.

Nhân viên y tế Pháp chuyển một bệnh nhân tại Strasbourg. (Ảnh: Reuters)

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 2/4, Giám đốc Cơ quan Y tế Pháp Jerome Salomon cho biết nước này ghi nhận thêm 471 ca tử vong tại các bệnh viện và 884 ca tử vong tại các viện dưỡng lão vì Covid-19.

Đây là lần đầu tiên Pháp công bố hai số liệu tách biệt về số ca tử vong liên quan tới virus corona, được ghi nhận tại bệnh viện và viện dưỡng lão trên cả nước.

Theo ông Salomon, số người chết vì Covid-19 tại các bệnh viện ở Pháp hôm 2/4 đã tăng 12% so với ngày trước đó. Tổng cộng, Pháp ghi nhận 5.387 ca tử vong vì Covid-19 tính đến thời điểm hiện tại.

Ông Salomon cho biết số người chết vì Covid-19 tại các viện dưỡng lão trên thực tế có thể sẽ cao hơn so với con số được báo cáo, vì các nhà chức trách vẫn đang thu thập dữ liệu từ các viện dưỡng lão trên cả nước. Hơn 2/3 số ca tử vong tại viện dưỡng lão được ghi nhận ở vùng Grand Est, giáp biên giới Đức.

Đại diện Cơ quan Y tế Pháp cho biết số ca mắc Covid-19 được xác nhận tại nước này đã tăng lên 59.105 người, tăng gần 3.000 người so với ngày trước đó. Số bệnh nhân cần hỗ trợ đặc biệt cũng tăng lên 6.399 người, trong khi ngày 1/4 mới chỉ có 6.017 người.

“Chúng ta đang phải đối mặt một đại dịch khác thường với tác động chưa từng có tiền lệ đối với sức khỏe cộng đồng”, ông Salomon nói.

Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào tối 1/4, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe kêu gọi người dân tuân thủ các biện pháp phong tỏa được nước này áp dụng từ ngày 17/3 nhằm hạn chế sự lây lan của virus.

Khi kỳ nghỉ mùa xuân sắp tới gần, thủ tướng Pháp yêu cầu người dân hạn chế các kế hoạch nghỉ dưỡng, đồng thời cảnh báo sẽ xử phạt các trường hợp vi phạm. Ông Philippe cũng thừa nhận lệnh phong tỏa toàn quốc tại Pháp “có thể sẽ được kéo dài” hơn so với hạn chót 15/4 được đưa ra ban đầu.

Hiện vẫn chưa rõ khi nào dịch Covid-19 sẽ đạt đỉnh tại Pháp, trong khi các bệnh viện vẫn đang chạy đua để bổ sung thêm giường chăm sóc đặc biệt cho các bệnh nhân mắc Covid-19. Pháp đã tăng số giường chăm sóc đặc biệt lên 9.000, so với 5.000 giường khi dịch mới bắt đầu bùng phát.

Số người chết tại Anh tăng chưa từng thấy

Theo thông báo của cơ quan y tế Anh, tính đến chiều ngày 1/4, tổng cộng 2.921 người đã chết sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 tại các bệnh viện. Với 569 người chết trong 24 giờ, Anh đã trải qua ngày có số ca tử vong cao nhất trong đại dịch Covid-19.

Tính đến sáng ngày 2/4, 163.194 người đã được xét nghiệm Covid-19 tại Anh, trong đó có 33.718 trường hợp dương tính, tăng 4.244 trường hợp so với ngày trước đó.

Chính phủ Anh bị chỉ trích vì không xét nghiệm thêm nhân viên y tế. Điều này đồng nghĩa với việc hàng nghìn bác sĩ, y tá và nhân viên y tế tuyến đầu khác đang phải cách ly tại nhà, trong khi lẽ ra họ có thể tiếp tục làm việc nếu được xét nghiệm.

Các số liệu trên cho thấy Anh có thể sẽ chỉ mất khoảng 2 tuần nữa trước khi đuổi kịp Italia về số ca tử vong do Covid-19. Italia hiện là ổ dịch lớn nhất tại châu Âu với gần 14.000 ca tử vong, trong khi số người chết tại Tây Ban Nha cũng vượt 10.300 người.

Theo thống kê của AFP, ít nhất 30.000 người đã thiệt mạng và hơn 500.000 người đã bị mắc Covid-19 tại châu Âu tính đến thời điểm hiện tại.

EU xin lỗi Italia

Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen (Ảnh: AP)

Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen ngày 2/4 đã xin lỗi Italia vì sự thiếu đoàn kết, tương trợ dành cho nước này trước ảnh hưởng của dịch Covid-19. Lời xin lỗi được bà Leyen viết trong bức thư đăng trên báo La Repubblica của Italia.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu cũng chỉ trích một số nước hành động ích kỷ khi dịch bệnh xảy ra.

“Chúng tôi xin lỗi. Chúng tôi vẫn ở bên cạnh các bạn. Bây giờ châu Âu đang sát cánh với Italia. Không may là chuyện này không phải lúc nào cũng diễn ra như vậy. Phải thừa nhận rằng trong những ngày đầu khủng hoảng, khi cần có phản ứng chung của châu Âu, nhiều nước chỉ nghĩ tới các vấn đề của riêng mình”, bà Leyen cho biết.

Mặc dù xin lỗi Italia, nhưng lãnh đạo Ủy ban châu Âu vẫn khen ngợi sự giúp đỡ của một số thành viên trong khối dành cho Italia.

“Trong một tháng qua, Ủy ban châu Âu đã làm hết sức để giúp đỡ Italia”, bà Leyen khẳng định.

Động thái của lãnh đạo Ủy ban châu Âu không nhận được sự ủng hộ từ phía giới chức Italia vì họ cho rằng lẽ ra EU nên hành động sớm hơn. Thủ tướng Italia Giuseppe Conte cho rằng “phản ứng chậm chạp là phản ứng vô dụng”.

Trong một thông báo trên Twitter, chủ tịch Ủy ban châu Âu đã đề xuất chính sách “Hỗ trợ giảm thiểu nguy cơ thất nghiệp trong tình huống khẩn cấp” (Sure) trị giá 100 tỷ euro (109 tỷ USD). Gói cứu trợ này sẽ bao gồm các khoản vay dành cho các nước thành viên EU để ngăn tình trạng sa thải người lao động hàng loạt trong giai đoạn khủng hoảng.

Bà Leyen bày tỏ tin tưởng rằng 27 thành viên của EU sẽ ủng hộ kế hoạch của bà, đồng thời cho biết châu Âu cần một chương trình giống như “kế hoạch Marshall” từng tái thiết khu vực này sau Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Tác giả: Thành Đạt

Nguồn tin: Báo Dân trí

  Từ khóa: Italia. , Pháp , Anh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok