Giải trí

Phạm Bằng - 'ông đầu hói' cô đơn của làng nghệ thuật

Cái đầu hói giúp Phạm Bằng hóa thân nhiều vai diễn tưng tửng, ra vẻ không đứng đắn, kỳ thực đó là một con người hiền lành, nghiêm khắc với nghề và đầy cô đơn.

Hình ảnh không thể nào quên của nghệ sĩ Phạm Bằng
'Người tình' bền lâu nhất trên màn ảnh nhớ thương Phạm Bằng
Nghệ sĩ Phạm Bằng qua đời

Những năm 2000, chuỗi chương trình Gặp nhau cuối tuần lên sóng giúp khán giả cả nước biết đến tên tuổi Phạm Bằng. Với vóc dáng nhỏ thó, cái đầu hói, chuyên vào vai những ông sếp có phần thiếu đứng đắn, nhiều mánh lới, nghệ sĩ Phạm Bằng mang đến tiếng cười cho khán giả. Trong các vở diễn sau đó, Phạm Bằng khi làm lý trưởng, khi làm quan huyện, lúc làm giám đốc với bộ dạng khiến người khác dễ nghĩ ông vốn là người không đứng đắn.

Ngoài đời, vẫn vẻ nhanh nhẹn, đi lại thoăn thoắt nhưng Phạm Bằng là một con người hoàn toàn khác. Không có sự cợt nhả, tếu táo trên màn ảnh, ông luôn chăm chú, nghiêm túc khi trò chuyện về nghề nghiệp, cuộc sống với nụ cười hiền lành, thoáng đâu đó là nỗi buồn.

NSƯT Phạm Bằng khi còn sống. Ảnh: Di Ca.

Phạm Bằng sống chân chất, giản dị, hiền lành. Ở tuổi 85, ông vẫn thường tự đi diễn bằng xe máy. Cuộc sống của ông đơn giản. Ngày trước, khi vợ còn sống, ông cùng bà mở hàng bán món bánh trôi ngon nức tiếng phố cổ Hà Nội. Vợ mất, ông mở thêm mấy năm nhưng sau một lần bị bệnh phải đi viện, lại thiếu người phụ giúp, hàng bánh trôi của ông nghỉ bán.

Mang những vai diễn đầy tiếng cười đến khán giả nhưng Phạm Bằng có nỗi buồn, cô quạnh không chia sẻ được với ai. Những năm tháng cuối đời, trong căn nhà cổ gắn bó phần lớn cuộc đời, ông đi về lặng lẽ. Vợ mất từ cách đây hơn 15 năm, con cái đều trưởng thành, đi xa hoặc bận rộn, Phạm Bằng sống cùng cô con gái 40 tuổi chưa lập gia đình. Căn nhà của ông cho thấy sự hoài cổ và nặng về tâm linh của chủ nhân khi ba hướng là điện thờ tổ tiên, thờ Mẫu và bàn thờ vợ. Từ lâu, trong ngôi nhà ấy, Phạm Bằng sống với những ký ức về thời gia đình ông còn của ăn của để, thời ông lấy vợ rồi sống hạnh phúc với nề nếp gia phong - những điều vĩnh viễn đã mất mà Phạm Bằng thường ngậm ngùi tiếc nhớ.

Trong mắt đồng nghiệp, Phạm Bằng là một người nghệ sĩ chân chính, nghiêm túc với nghề. Nghệ sĩ Nhân dân Trung Hiếu khá sốc khi đón nhận tin Phạm Bằng qua đời. Anh cho biết không ngờ được bởi cách đây vài tháng, anh gặp nghệ sĩ thấy ông vẫn khỏe mạnh, hai chú cháu ngồi uống rượu và trò chuyện vui vẻ cùng một số người bạn. Phạm Bằng còn nhận là có gốc gác Thái Bình - quê của Trung Hiếu.

"Phạm Bằng là một người tuyệt vời. Bác nổi tiếng từ khi tôi còn bé, là một trong những người đóng hài hay nhất cùng thời Trịnh Thịnh, Dương Quảng, Trịnh Mai. Có những người thành danh dễ buông, dễ bằng lòng nhưng bác Phạm Bằng luôn làm việc bền bỉ, bao năm qua vẫn giữ phong độ". Nghệ sĩ Trung Hiếu cho rằng sự nghiêm khắc trong công việc khiến ông là người rất đáng kính trọng.

Diễn viên Trà My chia sẻ nỗi bàng hoàng trước sự ra đi của người mà chị gọi là "bố Bằng". Chị nhiều lần tham gia diễn hài cùng cố nghệ sĩ. Lần gần nhất là trong phim hài bốn tập có tên Thua anh đầy tớ năm ngoái. Trà My vào vai vợ của quan huyện do Phạm Bằng đóng. Khi đó, thấy nghệ sĩ sức yếu dần, chị rất lo lắng và luôn giục ông vào nghỉ mỗi khi hết cảnh diễn. Tuy nhiên, nam nghệ sĩ vẫn rất kiên trì trên trường quay, luôn giữ kỷ luật cao với nghề.

"Ông không bao giờ kêu ca, đi diễn nắng nôi cũng không than vãn. Lớp trẻ học được rất nhiều đạo đức nghề của Phạm Bằng", Trà My nói.

Hình ảnh trên phim đối lập ngoài đời của Phạm Bằng.


Theo diễn viên Trà My, sự ra đi của Phạm Bằng quá đột ngột bởi ông có bệnh nhưng giấu không cho ai biết. Phần lớn anh em nghệ sĩ hài đều không kịp đến thăm ông. Bản thân Trà My vừa đi từ thiện ở miền Trung về, dự định sáng mai qua thăm Phạm Bằng nhưng không ngờ ông đã mất.

Ở tuổi 85, Phạm Bằng đã cống hiến tới những năm tháng cuối đời cho nghệ thuật. Năm ngoái, ông vẫn cùng đồng nghiệp tham gia phim hài Tết và đi diễn khắp nơi. Ông mới chỉ thông báo sẽ vắng mặt trong hài Tết tới đây vì phải điều trị bệnh, không thể tham gia diễn xuất.

Cống hiến trong nghề nhưng Phạm Bằng chưa bao giờ màng đến danh hiệu. Ông được phong NSƯT năm 1993. Tới khi qua đời ông vẫn chưa được là Nghệ sĩ Nhân dân, nhưng Phạm Bằng không để tâm bởi như ông từng tâm sự: "Sống trong lòng công chúng là toại nguyện rồi".

Nghệ sĩ Phạm Bằng qua đời lúc 20h tối 31/10 sau vài tháng chữa trị bệnh liên quan tới gan và mật, hưởng thọ 85 tuổi. Ông được đưa về nhà tang lễ Bộ Quốc phòng ở số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội, chờ gia đình xem ngày giờ để tổ chức lễ tang.

Video: Nghệ sĩ Phạm Bằng trong vở "Bệnh thành tích"

Tác giả bài viết: Anh Hoàng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok