Cuộc sống

Phải nhập viện để 'thông ruột' do ăn quá nhiều măng khô ngày Tết

Mới đây, khoa Cấp cứu - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội đã tiếp nhận một bệnh nhân bị tắc ruột do ăn quá nhiều măng khô ngày Tết.

Tạp chí Khám phá đưa tin, theo khoa Cấp cứu - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội, đơn vị này vừa tiếp nhận một bệnh nhân tên B.T.V. (62 tuổi, ở Nghệ An) nhập viện trong tình trạng đau bụng, đầy hơi, khó tiêu…

Ths.BS Đỗ Tất Thành (Khoa Cấp cứu) cho biết, khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ tiến hành chụp chiếu thì phát hiện bệnh nhân bị tắc ruột do một khối thức ăn lớn gây ra. Trong trường hợp này nếu may mắn ruột co bóp mạnh mới có thể đẩy được khối thức ăn ra ngoài. Tuy nhiên, kể từ khi xuất hiện triệu chứng đau bụng đến nay đã hơn 3 ngày, vì thế khả năng phải phẫu thuật lấy khối thức ăn là rất lớn.

Chia sẻ nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, bà V. cho biết, trong dịp Tết vừa rồi, bà có ăn nhiều măng (măng xào miến, măng khô hầm) trong nhiều ngày liên tục. Khi xuất hiện triệu chứng đau bụng, bản thân bà nghĩ rằng do mình có tiền sử đau dạ dày, không kiêng khem kỹ trong những ngày Tết nên bị đau.

mang kho 9 2 2017
Người dùng nên thận trọng khi ăn măng khô có thể gây tắc ruột dẫn đến tử vong. Ảnh minh họa

Sau 4 ngày điều trị khối thức ăn của bà V. không thể tự cho ra ngoài được, các bác sĩ đã tiến hành mổ và lấy ra hàng bát măng. Theo nhận định của các bác sĩ, nếu không can thiệp kịp thời khối bã thức ăn trên rất dễ gây bục ruột.

Đề cập tới trường hợp tắc ruột do chất xơ, báo Thanh Niên đưa tin, các bác sĩ cho hay, khối bã thức ăn thường hình thành khi thực phẩm có nhiều chất tanin (loại ăn có vị chát) như quả hồng ngâm, xoài xanh, ổi, sung... và thức ăn có nhiều chất bã xơ như măng. Đặc biệt lưu ý về thời điểm ăn, nếu ăn khi đói, dạ dày còn trống rỗng rất thuận lợi cho hoa quả có nhiều chất xơ, có nhiều nhựa dễ bị kết tủa làm kết dính các sợi xơ thực vật, tạo thành khối bã rắn chắc. Ngoài yếu tố trên, thói quen ăn quá nhanh, nhai không kỹ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ gây tắc ruột do bã thức ăn.

Một nghiên cứu của BV Nhi T.Ư cho thấy, trong số 93 ca nhập viện do dị vật là thức ăn được thống kê trong vòng 5 năm, dị vật chủ yếu là hạt hồng xiêm, sung, hồng ngâm, cam, ổi, ngô rang, dâu da xoan, mít, tóc, sợi len, quần áo rách... Việc chẩn đoán sớm bệnh thường khó do siêu âm bụng không thấy được bã thức ăn. Cần phòng tai nạn dị vật đường tiêu hóa, tắc ruột cho trẻ bằng cách kiểm soát thật kỹ thức ăn. Nếu sau khi ăn, trẻ đau bụng, ói mửa, đại tiện ra máu hoặc không thể đi tiêu, cần đưa ngay đến bệnh viện nhằm ngăn ngừa biến chứng kịp thời.

Nếu không được xử trí kịp thời, tắc ruột do ứ đọng bã thức ăn có thể gây biến chứng hoại tử ruột, thủng ruột, viêm màng bụng, nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân... dẫn tới tử vong.

Từ trường hợp trên, các bác sĩ cho biết, đối với những người già, do hệ tiêu hóa đã kém nên ăn măng và những đồ ăn có độ xơ, bã cao rất khó tiêu hóa và dẫn đến tắc ruột. Bởi vậy, người già nên hạn chế ăn những loại đồ ăn có độ xơ bã cao, khi ăn phải nhai kỹ. Trong trường hợp thấy đau bụng bất thường cần phải đến cơ sở y tế để được thăm khám và can thiệp kịp thời.

Ngoài ra, mọi người nên uống đủ nước, ít nhất là 2 lít nước/ngày; tập thể dục đều đặn (giúp ruột được kích thích, dễ dàng co bóp và lưu thông tốt. Đặc biệt, người già không nên nuốt thức ăn dai, cứng như gân, sụn để tạo thành nhân cho thực phẩm khác kết dính, vón cục.

Tác giả: An Dương (T/h)
Nguồn tin: VietQ

BÀI MỚI ĐĂNG

ok