Đại biểu Dương Trung Quốc phát biểu tại hội trường sáng 31.5 ẢNH NGỌC THẮNG |
Kinh tế lên tại sao chiều cao không tưng xứng?
Thảo luận tại hội trường sáng 31.5 về dự án luật Thể dục, thể thao, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) tỏ ra rất sốt ruột về tình trạng trẻ em đuối nước và cho rằng, Luật phải cụ thể hóa những quy định bắt buộc để dạy bơi cho học sinh, ví dụ phải biết bơi mới được thi đại học.
Đây cũng là điều được nhiều đại biểu chia sẻ. Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nêu thực trạng ở Việt Nam đang có tình trạng trẻ em đuối nước năm sau cao hơn năm trước, và đề nghị sửa đổi luật này cần gắn với sửa đổi luật Giáo dục về tính ràng buộc trong việc dạy bơi với tư cách một kỹ năng sống còn, hơn là một môn thể thao.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cũng tán thành nội dung bơi và một số nội dung khác về thể dục, thể thao phải đưa vào như một yêu cầu bắt buộc trong nhà trường. “Thực trạng của chúng ta là chiều cao đang có xu hướng giảm so với khởi điểm cách đây 20 - 30 năm. Kinh tế lên tại sao chiều cao không tưng xứng? Tình trạng đuối nước thể hiện một dân tộc mấy ngàn cây số biển, nhiều sông, hồ thế này mà kỹ năng bơi lại quá yếu”, đại biểu Nghĩa băn khoăn.
Cũng theo ông Nghĩa, sức khỏe yếu tác động vào chi phí xã hội, bảo hiểm y tế rất nhiều. Muốn có năng suất lao động cao phải có thể lực; muốn có con người thông minh, 4.0, thì cũng phải có thể lực. Mục đích của chúng ta là làm cho dân tộc khỏe mạnh lên. "Tôi tán thành đưa vào những nội dung bắt buộc trong giáo dục nhà trường”, ông Nghĩa bày tỏ, và đề nghị khi bàn xây dựng Luật, nên tập trung vào mục tiêu hơn là đi vào tiểu tiết.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cũng cho rằng, lấy lý do nguồn lực chưa đáp ứng để không quy định môn bơi là bắt buộc trong nhà trường thì không thuyết phục.
“Vấn đề là đại biểu Quốc hội chúng ta có coi biết bơi là quan trọng không, còn chưa có bể bơi thì rồi sẽ có. Quốc hội coi là quan trọng, học sinh học xong phải biết bơi, thì từ đó mới có quỹ đất, có tiền, có giờ, có thầy giáo để dạy bơi. Phải có luật thì mới có cơ chế, có kinh phí, có biện pháp. Tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến của nhiều đại biểu là trong luật phải có yêu cầu bắt buộc học sinh học ra trường thì phải biết bơi. Đó là tầm nhìn của Quốc hội, đừng có bể bơi mới xây dựng luật để bơi”, đại biểu nói.
Một số đại biểu cũng đặt câu hỏi, nếu cứ nghĩ chưa có cơ sở vật chất, chưa có thầy thì bao giờ mới giúp được trẻ em Việt Nam tiếp cận được môn bơi?
Luật hóa việc bơi sẽ tạo gánh nặng cho phụ huynh và học sinh?
Tuy nhiên, trái ngược các ý kiến trên, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cho rằng, nếu cứ đưa vào Luật quy định bắt buộc trong bối cảnh hiện nay thì rất khó khả thi, thậm chí tạo gánh nặng cho phụ huynh và học sinh.
Bà Hương dẫn chứng: “Theo khảo sát, hiện cả nước chỉ có 0,4 - 0,6% trường là có hồ bơi thôi, thì làm sao tổ chức dạy học? Người dạy ở đâu? Nếu quy định bơi là một môn học bắt buộc sẽ tạo áp lực rất lớn cho nguồn lực đầu tư, tạo gánh nặng với gia đình học sinh. Đã có rất nhiều học sinh bỏ học vì không có tiền đóng học phí, chứ chưa nói đến chuyện đóng tiền mời thầy, mời cô dạy bơi”.
Cũng theo đại biểu Hương, thể dục thể thao phải lưu ý đến sở thích, sở trường, sức khỏe của học sinh, không phải em nào cũng bơi được. Do đó, hãy để môn bơi hình thành phát triển theo sở trường, sở thích của người học và phát triển theo hướng xã hội hóa, để phục vụ nhu cầu người dân.
Phát biểu giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cũng đề nghị Quốc hội cân nhắc tiêu chí bắt buộc trong Luật, bởi thực tiễn là nguồn lực rất khó khăn.
Tác giả: Vũ Hân
Nguồn tin: Báo Thanh Niên