Kinh tế

Phá vỡ quy luật, ghìm cương 'con ngựa bất kham'

Vượt qua nhiều yếu tố biến động tác động lên giá cả, tỷ giá… nhưng lạm phát năm 2016 vẫn được “ghìm cương” để đạt chỉ tiêu dưới 5%. Kết quả này thêm một lần phá vỡ quy luật lạm phát “1 năm thấp, 2 năm cao”, nối dài thành tích liên tục kiểm soát lạm phát ở dưới 1 con số. Đây là nền tảng vững chắc cho việc duy trì ổn định vĩ mô.

Vững trước sức ép dồn dập

Tại phiên họp của Ban chỉ đạo điều hành giá diễn ra chiều 22/12, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo cho rằng Chính phủ sẽ hoàn thành mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 5% cho năm 2016.

Giá cả năm 2016 chịu nhiều sức ép tăng giá.
Đây là tin vui trong một năm có nhiều biến động về giá cả thị trường. Kết quả này đã tiếp nối được chủ trương kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý. Từ năm 2012 đến nay, lạm phát luôn được duy trì ở mức 1 con số.

Từ 2016 nhìn lại, ít ai có thể nghĩ rằng đã có thời điểm lạm phát ở Việt Nam tăng phi mã lên tới 18,13 % vào năm 2011, còn năm 2010 lạm phát cũng lên tới 11,75%. Hệ quả khi đó là nền kinh tế lâm vào bất ổn vĩ mô nghiêm trọng, lãi suất tăng cao bóp nghẹt hoạt động của DN khiến hàng loạt DN phải “khai tử”.

Trong hoàn cảnh đó, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Nhờ đó, lạm phát từng bước được kiểm soát. Năm 2012 lạm phát chỉ tăng 6,81% và tiếp tục giảm mạnh trong năm 2013, 2014, 2015. Đặc biệt năm 2015 lạm phát cả năm chỉ tăng vỏn vẹn hơn 0,6%, mức thấp nhất trong vòng 14 năm.

Lạm phát thấp quá cũng không tốt, cho nên khi đặt mục tiêu điều hành cho 2016, Chính phủ vẫn thận trọng đặt mức chỉ tiêu dưới 5%. Nhìn lại hành trình cả năm 2016, để đạt được mức lạm phát này cũng không hẳn là dễ dàng.

Ngay đầu năm 2016, chỉ số giá tiêu dùng – một chỉ số quan trọng để đo lường lạm phát cả năm, đã có dấu hiệu gượng dậy. “Bất động” trong tháng 1/2016, chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 (CPI) bỗng tăng tới 0,42%, cao nhất trong 2 năm trở lại đây. So sánh mức tăng này với CPI các tháng đầu năm 2015, có thể thấy riêng CPI tháng 2/2016 đã tăng gần bằng mức tăng CPI của 6 tháng năm 2015 và bằng hơn một nửa so với mức tăng CPI của cả năm 2015.

Đó là lời nhắc nhở không thể xem nhẹ cho công tác điều hành thị trường giá cả của năm 2016. Thời điểm ấy, nhiều dự báo của các tổ chức trong và ngoài nước đã tính toán lạm phát Việt Nam năm 2016 không thể giữ được mức dưới 5%.

Những dự báo ấy càng có cơ sở hơn khi năm 2016 lộ trình thực hiện giá thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như giá dịch vụ khám chữa bệnh, dịch vụ giáo dục... được đẩy mạnh nhằm tiệm cận theo giá thị trường.

Ngoài ra, sau thời kỳ xuống đáy, giá dầu năm 2016 đã “ngóc đầu dậy”, diễn biến theo chiều hướng tăng lên… Đó là chưa kể hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt, ô nhiễm môi trường… cũng luôn tiềm ẩn các nguy cơ gây sức ép lên thị trường giá cả. Những yếu tố đó càng làm cho mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2016 trở thành thách thức không hề nhỏ.

Chỉ riêng giá xăng dầu, năm 2016, tính đến thời điểm hiện nay giá xăng đã có tới 13 lần tăng giá, mức tăng gần nhất và cao nhất là vào ngày 20/12 vừa qua khi xăng tăng tới gần 1.000 đồng/lít. Là đầu vào cho nhiều ngành sản xuất, kinh doanh, cho nên giá xăng dầu biến động luôn mang theo nỗi ám ảnh khiến giá cả hàng hóa tăng theo. Nhưng theo dõi kỹ sẽ thấy, giá cả hàng hóa sau mỗi lần giá xăng biến động đã không còn thấy cảnh tăng kiểu “tát nước theo mưa”, kể cả với ngành kinh doanh vận tải.

Nền tảng cho tăng trưởng bền vững

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả cho rằng: Lạm phát năm 2016 có khả năng thực hiện được chỉ tiêu của Nghị quyết Quốc hội đề ra. Nếu so với mức lạm phát của các năm 2010, 2011, 2012 và 2013 thì năm 2016 mức lạm phát thấp hơn và hợp lý so với mức tăng trưởng của nền kinh tế. Lạm phát trong tầm kiểm soát của Nhà nước. Việc tiếp tục kiểm soát được lạm phát đã góp phần quan trọng vào sự ổn định kinh tế vĩ mô, một thành tựu quan trọng trong năm 2016.

Năm 2017 mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4% là đầy thách thức.
Để có thể làm được điều ấy, ông Ngô Trí Long đánh giá: có sự điều hành vững vàng và linh hoạt, bám sát tình hình, diễn biến của thị trường, phối hợp tốt, chặt chẽ và hiệu quả với các chính sách khác để kiểm soát lạm phát như chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách thương mại, công tác điều hành giá… góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

"Công tác quản lý, điều hành giá cơ bản đi đúng lộ trình đặt ra, có sự điều chỉnh thích hợp, không tác động đến việc tăng mặt bằng giá quá cao vào một thời điểm, cung cầu hàng hóa được bảo đảm, không xảy ra tình trạng thiếu hàng. Ðiều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu đã có những bước tiến, làm thay đổi nhận thức trong xã hội", ông Long nói.

Năm 2017, Quốc hội đã đặt ra mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân ở mức 4%, thấp hơn lạm phát của năm 2016. Đây là chỉ tiêu được nhiều chuyên gia đánh giá là “đầy thách thức” nhưng với thành quả 2016 và những biện pháp quyết liệt đã được Chính phủ bắt đầu thực thi từ cuối 2016 như: Điều chỉnh phí BOT, cần đối giá các mặt hàng, phí dịch vụ thiết yếu thì khả năng thực hiện mục tiêu là hoàn toàn khả thi.

Trong cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thừa nhận rằng “không đơn giản” và có nhiều nhân tốc tạo sức ép tới mặt bằng giá cả...

Ðể thực hiện được mục tiêu lạm phát năm 2017, một trong nhiều giải pháp được PGS.TS Ngô Trí Long khuyến nghị là cần tiếp tục quản lý, điều hành giá các mặt hàng Nhà nước còn định giá, mặt hàng bình ổn giá (xăng dầu, điện, dịch vụ sự nghiệp công...) theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Trường hợp phải điều chỉnh giá (nhất là dịch vụ y tế ngoài bảo hiểm y tế và dịch vụ giáo dục), các bộ, ngành, địa phương phải đánh giá tác động và cân nhắc mức độ, thời điểm điều chỉnh thích hợp để hạn chế tác động mạnh đến mặt bằng giá cả thị trường chung.

Ổn định để tăng trưởng và tăng trưởng phải bền vừng tiếp tục là yêu cầu hàng đầu của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Sau một giai đoạn bị nhiều thách thức về vĩ mô, 1 năm qua, các nhà điều hành đã vượt qua mọi khó khăn và thách thức nhất để tạo dựng những nhân tố và nền tảng cho cho tăng trưởng bền vững.

Cùng với chính sách tiền tệ, điều hành giá cả đã mang lại cho kinh tế Việt Nam một năm bớt nhưng lo toan, ứng phó thường nhật, tập trung sức lực để tạo dựng những điều kiện và nhân tố cho phát triển, tăng trưởng. Chính nền tảng ban đầu này cho chúng ta hy vọng về chặng đường tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

Và tất nhiên, kết quả cuối cùng trong mọi nỗ lực bình ổn giá cả chính là người dân được hưởng lợi. Mỗi gia đình sẽ cảm nhận được điều này khi giá cả hàng hóa và dịch vụ ổn định và nói như một chuyên gia là với khoản lương mang về đã có thể yên tâm với đồng tiêu dùng mua sắm, đồng tiết kiệm dài hạn mà không phải thấp thỏm lo những cú tăng giá giật cục. Khi người dân đã yên tâm với giá cả ắt hẳn các nhu cầu mua sắm, đầu tư cũng sẽ tăng trưởng... tạo hiệu ứng tích cực cho cả nền kinh tế.

Tác giả bài viết: Hà Duy

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok