Kinh tế

'Phá băng' cho bất động sản Đà Nẵng

Chịu tác động từ thị trường chung, bất động sản Đà Nẵng trầm lắng trong những tháng đầu năm 2023 dù cho nhiều khu vực giá đã giảm từ 20 - 30%.

TP Đà Nẵng nhìn từ trên cao

'Phố bất động sản' Đà Nẵng vắng lặng

Là nơi tập trung của hầu hết các sàn giao dịch, công ty môi giới bất động sản (BĐS), tuyến đường Nguyễn Phước Lan (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) được xem như ‘phố bất động sản’ của Đà Nẵng. Dù đã bước qua tháng 2/2023, nhưng theo ghi nhận của VietTimes, nhiều sàn giao dịch, công ty môi giới BĐS vẫn tiếp tục đóng cửa.

Từ giữa năm 2022 đến nay, thị trường BĐS Đà Nẵng và Quảng Nam gần như không có thêm dự án nào mới được đưa ra, nếu có chỉ đâu đó những giao dịch bán lại từ các dự án đã hình thành trước đó khiến thị trường khá ảm đạm.

Ông Nguyễn Đức Lập - Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo bất động sản

Trao đổi với VietTimes, ông Nguyễn Đức Lập - Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo bất động sản - cho biết, thị trường mua bán, chuyển nhượng BĐS Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung đang gặp nhiều khó khăn và thách thức. Nguyên nhân là do ảnh hưởng bởi sự đứt gãy dòng tiền, chi phí lãi vay tăng cao.

Theo vị chuyên gia này, tính từ thời điểm thị trường BĐS Đà Nẵng ghi nhận giá giao dịch đạt đỉnh hồi tháng 6/2022, đến nay, phân khúc chủ lực là đất nền khu phía nam và phía Tây giá đã giảm từ 20% - 30%.

“Lượng giao dịch nhỏ giọt, gần như đóng băng. Có dự án căn hộ thương mại chào sân quanh mức 25 triệu đồng/m2 hay dự án nhà ở xã hội quanh mức 16 triệu đồng/m2 nhưng mức độ hấp thụ và quan tâm trên thị trường cũng rất kém”, ông Lập nói.

Ông Lập cho biết, bên cạnh lãi suất tăng cao, các đối tượng có nhu cầu thật, cấp thiết về chỗ ở cũng không có đủ điều kiện tài chính để mua hoặc vay bổ sung vốn để mua. Những khó khăn đó khiến cho hàng loạt các sàn BĐS trên địa bàn phải đóng cửa hoặc giảm quy mô hoạt động.

"Thị trường ảm đạm khiến hàng loạt công ty môi giới, sàn giao dịch BĐS hoạt động cầm chừng. Thậm chí, có đơn vị cho nhân viên nghỉ đến hết quý 1/2023 trong tình trạng chậm lương" - anh H., Giám đốc sàn môi giới BĐS trên địa bàn cho biết.

Vị này cho hay, nhiều doanh nghiệp môi giới buộc phải cắt giảm nhân sự, bán bớt tài sản, chuyển hướng sang thị trường các tỉnh lân cận để duy trì hoạt động.

"Lãi suất tín dụng không những tăng cao mà khả năng tiếp cận cũng không dễ. Bên cạnh đó, nguồn cung dự án không có, sản phẩm không có để bán, sức hấp thụ thị trường cũng không có"- anh H. bộc bạch.

Chuyên gia nói gì?

Theo bà Dương Thuỳ Dung - Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, bên cạnh 'nút thắt' pháp lý và nguồn vốn, thị trường BĐS Đà Nẵng gặp khó khăn hơn do những đặc tính khác biệt của thị trường.

Bà Dương Thuỳ Dung - Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam

"Tại Đà Nẵng, cầu của thị trường không đến từ nhu cầu thực tế để ở, mà đến từ nhu cầu đầu tư, đầu cơ. Các nhà đầu tư này vẫn đang vướng vào nguồn vay ngân hàng, mất niềm tin… nên họ dừng việc mua BĐS" - Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam chia sẻ.

Vị này dẫn chứng, tại Hà Nội và TP. HCM, tỷ trọng người mua là các nhà đầu tư, đầu cơ chỉ ở mức 40% và người mua để ở là 60%, thì ở Đà Nẵng, tỷ trọng người mua đầu cơ cao hơn rất nhiều, lên đến 70-80%, trong khi nhu cầu mua để ở thật sự của người dân chỉ 20-30%.

"Đây là nguyên nhân khiến khả năng hấp thụ của thị trường giảm sút khi kinh tế biến động, lãi suất tăng và cuối cùng là đóng băng khi cơ hội đầu cơ không khả thi cho dù giá có giảm", bà Dung nói.

Giám đốc CBRE Việt Nam cho biết thêm, giá BĐS Đà Nẵng hiện tại đã giảm từ 10-15% so với thời điểm nhộn nhịp, thậm chí có khu vực giảm đến hơn 20% nhưng vẫn không có người mua.

"Rất nhiều người có sẵn tiền mặt, nhưng họ không tham gia thị trường, vì sức hấp dẫn của lãi suất tiền gửi đang khá cao và khả năng hấp thụ của thị trường chưa được cải thiện", bà Dung nói.

'Phá băng'

"Các doanh nghiệp cần giải quyết các vấn đề về nguồn vốn, dòng tài chính để duy trì hoạt động. Các doanh nghiệp có thể tìm kiếm từ các quỹ đầu tư, từ các đối tác… thậm chí từ bạn bè để tăng nguồn vốn cho doanh nghiệp thay vì phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn vay ngân hàng. Bên cạnh đó, nên xem xét chuyển hướng hay có thêm dịch vụ mới là cần thiết", Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam nêu quan điểm.

Cũng theo bà Dung, với đặc tính và quy mô thị trường nhỏ như Đà Nẵng thì sẽ khó có thể chuyển hướng như ở TP HCM hay Hà Nội. Nếu có thể, các doanh nghiệp nên chuyển sang khai thác dịch vụ xoay quanh các sản phẩm BĐS mà Đà Nẵng đang có như cho thuê các khu nghỉ dưỡng, đại diện các khu căn hộ, có thể đứng ra quản lý vận hành cho các căn hộ cho thuê…

"Theo tôi được biết, các môi giới cá nhân tại Đà Nẵng cũng đã làm dịch vụ này trong thời gian qua. Nhưng nếu doanh nghiệp làm sẽ tốt hơn vì sẽ chuyên nghiệp hơn. Đó cũng là 1 cách để tận dụng dữ liệu khách hàng đang có, thay vì chỉ hoạt động môi giới 1 loại BĐS. Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể cung cấp dịch vụ liên quan đến BĐS nhằm tạo ra giá trị, vượt qua những khó khăn", bà Dung nói.

Một góc đô thị Đà Nẵng

Đối với các nhà đầu tư, chuyên gia CBRE cho rằng, cần sớm hoàn thiện các vấn đề liên quan đến khung pháp lý dự án và chuẩn bị cho sự trở lại của thị trường sau khi các khó khăn được tháo gỡ.

Cùng nhận định, ông Nguyễn Đức Lập cho rằng, các BĐS tạo dòng tiền “ăn theo” du lịch như nhà hàng, khách sạn, mặt bằng cho thuê, căn hộ lưu trú,… có cơ hội phục hồi và tăng giá trở lại.

"Thị trường cho thuê sẽ phát triển nhộn nhịp hơn trong bối cảnh thị trường mua bán ảm đạm", ông Lập kỳ vọng./.

Tác giả: Hồ Xuân Mai

Nguồn tin: viettimes.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok