Thế giới

Peter Đại đế - Tuần dương hạm mạnh nhất của hải quân Nga

Được thiết kế để đối phó với cụm tàu sân bay chiến đấu Mỹ, tàu tuần dương lớp Kirov trang bị gần 300 quả tên lửa cùng hệ thống phòng thủ dày đặc.

Trong đội hình cụm tàu sân bay chiến đấu Nga vừa được triển khai tới tham chiến tại Syria, tuần dương hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân "Peter Đại đế" được coi là pháo đài nổi mạnh nhất có trong biên chế của hải quân nước này, theo Global Security.

Tuần dương hạm Peter Đại đế trong cuộc tập trận cùng tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov. Ảnh: yandex.ru.


"Peter Đại đế" là một trong 4 tàu thuộc Đề án 1144 Orlan (còn gọi là Kirov) được Liên Xô thiết kế vào thập niên 1970. Đây là những tàu chiến mặt nước có kích thước và lượng giãn nước lớn nhất thế giới hiện nay. Với chiều dài 252 m và giãn nước 28.000 tấn, chúng chỉ thua kém các loại tàu sân bay hạng nặng.

Liên Xô gọi lớp Kirov là tàu tuần dương tên lửa hạng nặng chạy bằng động cơ hạt nhân (TARK). Còn các chuyên gia quân sự phương Tây gọi chúng là "thiết giáp hạm tuần dương" (battlecruiser) vì kích thước và hình dáng của chúng khá tương đồng với các thiết giáp hạm.

Tàu Peter Đại đế trên hành trình tới Địa Trung Hải. Ảnh: balancer.ru.


Tuần dương hạm lớp Kirov được thiết kế với khả năng độc lập tác chiến hoặc nằm trong một biên đội hỗn hợp gồm tàu sân bay, tàu tuần dương và tàu khu trục. Mục tiêu chính của Kirov là các tàu nổi trong cụm tàu sân bay chiến đấu Mỹ, như tàu sân bay lớp Nimitz, tàu tuần dương lớp Ticonderoga và tàu khu trục lớp Arleigh Burke.

Để đáp ứng nhiệm vụ đó, mỗi chiếc tàu tuần dương lớp Kirov đều được trang bị nhiều loại vũ khí tiến công và phòng thủ, biến chúng trở thành những pháo đài trên biển.

Vũ khí tấn công chủ đạo của "Peter Đại đế" là 20 tên lửa hành trình diệt hạm P-700 Granit, có tầm bắn 625 km, mang theo đầu đạn nổ mạnh (HE) 750 kg hoặc đầu đạn nhiệt hạch có sức mạnh tương đương 25 quả bom nguyên tử ném xuống Nagasaki. Tên lửa có tốc độ bay lên tới 2000-3000 km/h, tùy thuộc vào độ cao.

Một quả tên lửa P-700 Granit được phóng từ Peter Đại đế. Ảnh: Reddit.


Để phòng thủ, "Peter Đại đế" dựa vào nhiều hệ thống tên lửa phòng không. Đầu tiên là tổ hợp S-300FM (Fort-M) với 96 tên lửa 48N6E. Tên lửa có tầm bắn tối đa 150 km và tốc độ gấp 6 lần tốc độ âm thanh. Ở tầm trung là 128 tên lửa của tổ hợp 3K95 Kinzhal. Trong trường hợp tên lửa diệt hạm đối phương vượt qua được hai lớp phòng thủ này, chúng sẽ phải đối mặt với 44 tên lửa của tổ hợp OSA-MA và 6 bệ pháo-tên lửa tầm gần Kashtan.

Tàu ngầm của đối phương cũng rất khó tiếp cận để tấn công "Peter Đại đế". Nó được trang bị 10 ống phóng ngư lôi 533 mm, có thể phóng được ngư lôi Type-53 hoặc tên lửa chống ngầm RPK-2 Vyuga. Trên tàu còn 4 bệ phóng rocket chống ngầm RBU-1000 và RBU-12000, cùng ba trực thăng săn ngầm Ka-27.

Tàu Peter Đại đế khai hỏa các hệ thống vũ khí

Điểm đặc biệt của tàu tuần dương lớp Kirov chính là động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân, tương tự các tàu sân bay Mỹ. Điều này giúp tàu có thể hoạt động liên tục trong hàng chục năm mà không phải nạp nhiên liệu. Yếu tố duy nhất cản trở thời gian hoạt động của "Peter Đại đế" là lương thực và nhu yếu phẩm trên tàu.

Trong 4 tàu lớp Kirov từng được sản xuất, "Peter Đại đế" là tàu duy nhất còn đang hoạt động với vai trò là soái hạm của Hạm đội Biển Bắc. Chiếc đầu tiên là "Đô đốc Ushakov" quá cũ kỹ đã bị loại biên và đang chờ tháo dỡ. Hai tàu còn lại là "Đô đốc Lazarev" và "Đô đốc Nakhimov" đang trải qua quá trình đại tu và hiện đại hóa, dự kiến hoạt động trở lại trước năm 2020, mang theo những vũ khí hiện đại nhất trong biên chế hải quân Nga.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok