Các hộ dân được nhận Chứng chỉ Chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC, đã ký được hợp đồng cung cấp sản phẩm cho công ty. Ảnh: Oxfam |
Được biết, Hội đồng quản lý rừng (Forest Stewardship Council - FSC) là tổ chức phi chính phủ được thành lập năm 1993 tại Canada, là tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động độc lập nhằm ngăn chặn việc khai thác rừng bừa bãi, khuyến khích các hoạt động khai thác gắn với phát triển rừng bền vững trên toàn thế giới. Hội đồng quản lý rừng đã xây dựng chứng nhận FSC với bộ 10 nguyên tắc và 56 tiêu chí để làm cơ sở đánh giá việc quản lý rừng và sử dụng các sản phẩm từ rừng của các chủ rừng và các đơn vị sản xuất.
Chứng chỉ FSC là chìa khóa để các sản phẩm tre luồng Quan Hóa tiếp cận với các thị trường cao cấp nhưng khó tính như Châu Âu và Bắc Mỹ. FSC đưa ra các tiêu chuẩn rất nghiêm khắc về duy trì trữ lượng, đa dạng sinh học, tác động xã hội và sinh thái của sản xuất, và năng lực quản lý bền vững.
Với Chứng chỉ FSC, thu nhập của người dân tăng lên 15-20% do giá trị sản phẩm gia tăng và bán được trực tiếp cho công ty, bỏ qua khâu trung gian như trước đây. Ngay lập tức, công ty BWG đã ký Thỏa thuận hợp tác cung ứng trực tiếp với nhóm 545 hộ dân của huyện Quan Hóa.
Các tiêu chuẩn sản xuất bền vững quan trọng như FSC dành cho tre, là điều kiện tiên quyết để tiếp cận những thị trường khó tính như châu Âu. Ảnh: Oxfam |
Đây là thành công lớn của tổ chức Oxfam tại Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ (thuộc Viện khoa học LN - Bộ NN & PTNT), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)và các đối tác trong Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Nghêu và Tre ở Việt Nam” (SCBV) do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ.
Dự án sẽ được thực hiện trong bốn năm (2018 – 2022) tại năm tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Bến Tre, Trà Vinh và Tiền Giang, với mục tiêu chính là góp phần giảm nghèo và bất bình đẳng ở nông thôn Việt Nam thông qua việc tạo điều kiện cho việc áp dụng và thực hành các tiêu chuẩn bền vững của các nhà sản xuất và chế biến tre; nâng cao khả năng tiếp cận thị trường và tài chính cũng như hiệu quả sản xuất cho các nhà sản xuất quy mô nhỏ và các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy sự hợp tác công-tư để quản trị tốt chuỗi giá trị.
Theo bà Babeth Ngọc Hân Lefur - Giám đốc Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, người nông dân sản xuất quy mô nhỏ là mắt xích đầu tiên và rất quan trọng trong các chuỗi giá trị. Vai trò và vị thế của họ cần được nhìn nhận một cách công bằng bởi không có họ, chuỗi giá trị không thể tồn tại. Để chuỗi giá trị có thể phát triển bền vững, sản phẩm đáp ứng được những tiêu chuẩn về chất lượng và yêu cầu của thị trường, cần có các hỗ trợ để nâng cao năng lực sản xuất và vị thế của người nông dân, giúp họ cải thiện thu nhập từ nguồn sinh kế này một cách bền vững./.
Tác giả: Mai Anh (tổng hợp)
Nguồn tin: Báo Thời đại