Xe

Ôtô BMW ở Việt Nam - chặng đường 23 năm lận đận

Trường Hải là nhà phân phối thứ ba của hãng xe Đức tại Việt Nam kể từ 1994, sau VMC và Euro Auto.

Ngày 12/9, BMW Châu Á thông báo lựa chọn Trường Hải là nhà phân phối mới, kết thúc 10 năm hợp tác với Euro Auto. Kể từ khi có mặt tại Việt Nam năm 1994, BMW đã trải qua ba đối tác với đủ hình thức từ doanh nghiệp nhà nước, do nước ngoài đầu tư và do người Việt phát triển.

1. BMW và VMC - cuộc dạo chơi bất thành

BMW chính thức vào Việt Nam từ 1994 qua hợp đồng với Xí nghiệp sản xuất ôtô Hòa Bình (VMC), có nhà máy tại Triều Khúc, Thanh Xuân (Hà Nội). VMC là liên doanh ba bên góp vốn gồm Nhà máy ôtô Hòa Bình, Columbrian Motors của Philippines và Imex Pan-Pacific của Nhật Bản.

Nhà máy ôtô Hòa Bình khi ấy trực thuộc Bộ Giao thông vận tải, góp 30% vốn trị giá 5,4 triệu USD chủ yếu là nhà xưởng, kho, cơ sở hạ tầng và tiền mặt thuê đất.

Columbrian Motors góp 55% vốn trị giá 9,9 triệu USD, chủ yếu bằng giá trị công nghệ và tiền. Imex Pan-Pacific ngay sau đó chuyển quyền liên doanh do Nichimen cũng của Nhật với vốn góp 15% còn lại bằng tiền mặt.

Chủ đại diện của Nichimen thực chất cũng là Columbrian của Philippines, vì vậy có thể coi nhà máy VMC là liên doanh của vốn nhà nước Việt Nam (30%) và doanh nghiệp Philippines (70%).

BMW 318i 2003 do VMC sản xuất.


Ngay khi ký kết hợp tác với BMW, VMC đã chọn phương án lắp ráp. Nhà máy tại Triều Khúc khi đó quy mô không lớn, vớn sản lượng dao động 100-150 xe/tháng. Các mẫu xe lắp như 525i, 318i, 325i.

Giai đoạn đầu, VMC vẫn phát triển được do lắp ráp cả Mazda và Kia bên cạnh BMW. Sau này cạnh tranh càng khắc nghiệt khi các hãng xe liên doanh đẩy mạnh hoạt động. Cả năm 2006, VMC bán vỏn vẹn được 101 chiếc BMW. Có một số nguồn tin cho rằng, khi đó BMW ở Đức đòi hỏi đối tác Việt Nam nâng cấp dây chuyền để đạt tiêu chuẩn cao hơn nhưng VMC không đáp ứng được.

Kinh doanh không hiệu quả nên mối lương duyên này chấm dứt năm 2007. Nhà máy ngừng sản xuất từ 2005, từ đó đến 2007 VMC bán nốt lượng xe còn lại, không có mẫu mới. Không chỉ BMW mà Kia và Mazda cũng thôi hợp tác với VMC để sau đó về với Trường Hải và khởi sắc như hiện nay. Cuộc dạo chơi này để lại nhiều luyến tiếc cho khách hàng, khi sớm được làm quen với một nhãn hiệu xe sang ngay khi thị trường ôtô phổ thông còn chưa phát triển.

2. BMW và Euro Auto - thành công và tai tiếng

Chia tay VMC nhưng khách hàng cũng không phải chờ lâu để gặp lại BMW. Ngày 1/7/2017, BMW thông báo đối tác mới của hãng tại Việt Nam là Euro Auto. Công ty này chỉ phân phối xe nhập khẩu, không lắp ráp.

Euro Auto thành lập tháng 11/2006, cổ đông lớn nhất là Europe Automobiles Corp Holdings (EACH - Singapore) nắm 83% cổ phần, còn lại là một số nhà đầu tư lẻ, trong đó có VinaCapital của ông Don Lâm.

Tháng 11/2013, Sime Darby, tập đoàn lớn của Malaysia đã thông qua chi nhánh Singapore mua lại 89,15% của EACH, qua đó nắm 74% cổ phần tại Euro Auto. Sau đó Sime Darby tiếp tục mua 16% cổ phần từ các nhà đầu tư khác, nâng lượng cổ phần nắm giữ lên 90%, chính thức kiểm soát hoạt động của Euro Auto.

Euro Auto dừng phân phối BMW sau 10 năm.


Dưới quyền phân phối của Euro Auto, BMW phát triển mạnh mẽ. Hiện BMW có khoảng 5 showroom với hai ở Hà Nội và ba tại Sài Gòn. Khi ở với VMC, doanh số chỉ lẹt đẹt 100 xe/năm thì với Euro Auto, con số này tăng lên trên 1.500 xe, tốc độ tăng trưởng hàng năm tới 30%. Các sản phẩm phổ biến của hãng xe Đức trên thế giới đều phân phối tại Việt Nam.

Euro Auto làm tốt những việc liên quan tới kinh doanh mà VMC không đếm xỉa như marketing, quảng cáo, phân phối, kết nối cộng đồng khách hàng, dịch vụ hậu mãi. Nhà phân phối này còn tổ chức hẳn một triển lãm riêng mang tên BMW World Expo Vietnam.

Thành công về doanh số đi cùng những tai tiếng. Euro Auto nhận điểm thấp từ khách hàng khi nói về chất lượng dịch vụ. Bên cạnh đó còn vướng vòng lao lý khi nhiều lần liên quan tới trốn thuế.

Năm 2012, Cục Hải quan TP HCM ấn định truy thu 82,9 tỷ tiền thuế của Euro Auto với lý do nhiều khoản chi phí phải tính vào giá tính thuế thì doanh nghiệp lại không khai báo. Năm 2015, Tổng cục thuế lại truy thu của đơn vị này 6,6 tỷ vì kê khai giá bán xe thấp hơn giá trị giao dịch thông thường.

Tháng 11/2016, Bộ Tài chính yêu cầu Tổng cục Hải quan tạm dừng thông quan ôtô BMW do Euro Auto nhập khẩu vì cho rằng công ty này có nhiều sai phạm như làm giả tài liệu, tiêu thụ xe khi chưa cho thông quan và không cung cấp giấy tờ cần thiết, có dấu hiệu gian lận lừa dối khách hàng. Tháng 4/2017, cơ quan công an bắt tạm giam ông Nguyễn Đăng Thảo, Tổng giám đốc Euro Auto. Hơn 700 xe BMW tiếp tục phải nằm chờ tại cảng.

Đầu tháng 7/2017, trong chuyến thăm Đức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ đại diện BMW và cho biết tạo điều kiện để hãng này bảo dưỡng lô 700 xe tại cảng, đồng thời yêu cầu hãng xe sang cần thay thế nhà phân phối mới tại Việt Nam. Đây được coi là dấu chấm hết cho Euro Auto trong hoạt động phân phối BMW tại Việt Nam.

3. BMW và Trường Hải - mối duyên nhiều kỳ vọng

Từ sau thông tin BMW phải thay nhà phân phối, nội bộ ngành xe hơi dấy lên những đồn đoán, mổ xẻ về cái tên mới nào sẽ chiến thắng trong cuộc chạy đua giành quyền phân phối BMW. Khoảng 5 cái tên lớn nộp hồ sơ, chiến thắng là Trường Hải. Hợp đồng hợp tác sẽ bắt đầu từ 1/1/2018.

Cú bắt tay này của tập đoàn xe hơi nước Đức và ông lớn Việt Nam được giới chuyên môn và khách hàng đặt nhiều kỳ vọng, trong đó có giảm giá sản phẩm.

Thaco có nhiều lợi thế khi phân phối BMW.


Trường Hải khác biệt so với VMC hay Euro Auto. Nếu VMC vốn nhà nước liên doanh với nước ngoài, thời điểm đó thị trường ôtô chưa phát triển; Euro Auto bị chi phối hoàn toàn bởi nước ngoài thì Trường Hải là một hãng Việt Nam (dù có 25,1% cổ phần của tập đoàn Indonesia Jardine Cycle & Carriage Ltd ).

Kinh nghiệm nhiều năm làm ôtô từ xe bus, xe tải, xe lắp ráp (Kia, Mazda), xe nhập khẩu (Peugeot) và tiềm lực tài chính (ôtô và bất động sản) là cơ sở để Trường Hải thiết lập nền tảng hoàn chỉnh khi phân phối BMW.

Lộ trình của ông lớn này sẽ là từ nhập khẩu rồi chuyển dần sang lắp ráp. Ở hình thức nào, hãng đều có lợi thế để đặt mức giá và hệ thống bán hàng cạnh tranh so với các đối thủ sừng sỏ là Mercedes, Audi và Lexus.

Sau 23 năm lận đận, BMW bắt đầu lại, tiếp cận khách hàng Việt qua cánh tay của đối tác thứ ba, nhiều lợi thế hơn những người cũ. Khi được giải cứu, BMW sẽ tạo ảnh hưởng lớn tới thị trường, khách hàng có thêm nhiều lựa chọn, trong khi các hãng xe sang gặp thêm một đối thủ đáng gờm.

Tác giả: Châu An

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok