Thế giới

Ông Trump điện đàm với Tổng thư ký Liên hiệp quốc

Reuters dẫn lời Farhan Haq, người phát ngôn Liên hiệp quốc cho biết tân Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres đã điện đàm với ông Donald Trump ngày 4-1 để bàn về quan hệ giữa hai bên.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cần cải tổ LHQ đủ nhanh và toàn diện trước các sức ép và thách thức mới - Ảnh: Reuters

Cuộc nói chuyện được mô tả là “tích cực. Tổng thư ký muốn phối hợp với Tổng thống đắc cử Mỹ nhiều hơn nữa sau khi ông tuyên thệ nhậm chức”, Haq cho biết thêm.

Động thái diễn ra chỉ hơn một tuần sau khi ông Trump lên Twitter chê trách việc Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua nghị quyết lên án các khu định cư của Israel. Không dừng lại đó, ông Trump còn bày tỏ thất vọng về vai trò của LHQ. Ông nói rằng nó giống một “câu lạc bộ để người ta tụ họp, nói chuyện phiếm” bất chấp nó là một tổ chức có tiềm năng rất lớn.

Đáp lại, trả lời phỏng vấn ngày 3-1 (giờ Mỹ), Tổng thư ký LHQ Guterres nói tổ chức này có tiềm năng lớn như ông Trump nhận xét và nhận thấy “trách nhiệm của tôi là biến những tiềm năng đó thành sự thật”.

Trong khi đó, Sean Spicer, người phát ngôn của ông Trump ngày 4-1 cho biết Tổng thống đắc cử sẽ trao đổi với Rex Tillerson – ngoại trưởng được đề cử và Nikki Haley – đại sứ Mỹ tại LHQ được đề cử, để “yêu cầu sự cải cách và thay đổi” từ LHQ. Hai vị trí này vẫn cần nhận được sự chấp thuận của Thượng viện, vốn đang do đảng Cộng hòa của ông Trump chiếm đa số.

Trao đổi với Reuters, một nhà ngoại giao cấp cao giấu tên của LHQ nhận định, sức ép từ chính quyền Trump sẽ tác động không ít đến quá trình cải tổ LHQ của Tổng thư ký Guterres.

Mỹ hiện đóng góp hơn 20% ngân sách hoạt động hàng năm của LHQ và gần 28% kinh phí hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ.

Trước đó, sau khi Hội đồng Bảo an thông qua nghị quyết bất lợi cho Israel, đồng minh của chính quyền Trump, một thượng nghị sĩ Mỹ đã dọa sẽ trình dự luật, yêu cầu cắt giảm các khoản đóng góp của Mỹ dành cho LHQ.

Mỹ hiện là một trong 5 quốc gia thường trực của Hội đồng Bảo an và có quyền phủ quyết các nghị quyết đề xuất. Việc Washington bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết liên quan tới khu định cư của Israel là động thái bất ngờ bởi từ trước đến nay người Mỹ luôn sử dụng quyền phủ quyết để ngăn cản nghị quyết được thông qua. Điều này khiến ông Trump bực ra mặt, đồng thời cảnh báo “mọi thứ sẽ khác” khi ông nhậm chức vào ngày 20-1 tới.

Tác giả bài viết: Duy Linh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok