Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump đi dạo tại khách sạn ở Hà Nội hồi tháng 2. (Ảnh: Reuters)
“Sau một số cuộc gặp rất quan trọng, bao gồm cuộc gặp của tôi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tôi sẽ rời Nhật Bản để tới Hàn Quốc (với Tổng thống Moon). Tại đó, nếu Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un nhìn thấy thông tin này, tôi muốn gặp ông ấy tại biên giới/khu phi quân sự Hàn - Triều (DMZ) chỉ để bắt tay và nói xin chào”, Tổng thống Trump viết trên Twitter ngày 29/6.
Nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra bình luận trên khi ông đang có mặt tại Osaka, Nhật Bản để tham dự hội nghị thượng đỉnh G20, dự kiến kéo dài hết ngày hôm nay. Theo lịch trình, sau khi hội nghị G20 kết thúc, ông Trump sẽ đáp chuyến bay tới Hàn Quốc và có cuộc gặp với Tổng thống Moon Jae-in.
Khu Phi quân sự liên Triều, nơi Tổng thống Trump đề xuất gặp mặt nhà lãnh đạo Kim Jong-un, là dải đất dài 250 km, rộng 4 km, chạy ngang bán đảo Triều Tiên.
Từng là một trong những khu vực biên giới được vũ trang dày đặc nhất thế giới, DMZ được quân đội Hàn Quốc và Triều Tiên trang bị dày đặc bãi mìn, các hàng rào dây thép gai, hàng rào điện tử, camera trinh sát và các trạm kiểm soát quân sự.
Năm 1993, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng gọi DMZ liên Triều là “khu vực đáng sợ nhất trên trái đất”.
Tại DMZ từng xảy ra các vụ tai nạn do mìn được trang bị dày đặc ở khu vực này. Các binh sĩ có thể đối mặt với nguy cơ thiệt mạng nếu vô tình giẫm phải mìn khi đi tuần tra tại DMZ. Ở phía Nam của DMZ là nơi quân Mỹ đồn trú. Do vậy, tình hình an ninh tại khu vực này luôn được đặt trong tình trạng báo động cao.
Lời đề nghị gặp mặt nhà lãnh đạo Triều Tiên của Tổng thống Trump dường như không phải là thông tin gây bất ngờ với Tổng thống Hàn Quốc. Hồi đầu tuần, ông Moon Jae-in đã nói với các phóng viên rằng “các cuộc đàm phán phía sau hậu trường” đang được tiến hành để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh lần 3 giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều.
Tuy nhiên, Triều Tiên “phản pháo” rằng Tổng thống Moon Jae-in nói dối. Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết không có kênh bí mật nào được tiến hành thông qua Hàn Quốc, và bất kỳ liên lạc nào giữa Triều Tiên và Mỹ sẽ được tiến hành thông qua các kênh đã được thiết lập từ trước giữa hai nước.
Trong khi đó, Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn trao đổi thư từ qua lại. Hai bên cũng để ngỏ khả năng kiến tạo hòa bình trên bán đảo Triều Tiên sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai kết thúc mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào.
Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun hôm qua 28/6 đã nói với người đồng cấp Hàn Quốc Lee Do-hoon rằng, Washington muốn đạt được tiến triển “song song và đồng thời” về thỏa thuận đã đạt được với Bình Nhưỡng tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 1 vào năm ngoái. Theo thỏa thuận này, hai nước nhất trí thiết lập mối quan hệ mới và nỗ lực để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
“Ông Biegun cho biết hội nghị thượng đỉnh tiếp theo sẽ mở ra cơ hội quan trọng để thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên”, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: Báo Dân trí