Thế giới

Ông Trump bất ngờ nói đeo khẩu trang là "yêu nước"

Vốn không ủng hộ việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng giữa dịch Covid-19, Tổng thống Mỹ Donald Trump đầu tuần này bất ngờ gọi việc đeo khẩu trang là "yêu nước".

Tổng thống Trump đăng ảnh đeo khẩu trang trên Twitter. (Ảnh: Twitter)

"Đeo khẩu trang là yêu nước"

Trong một động thái bất ngờ, ông Trump hôm qua đã đăng tải trên tài khoản Twitter bức ảnh ông đeo khẩu trang và gián tiếp gọi đây là hành động "yêu nước". Bức ảnh dường như được chụp khi ông Trump lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất đeo khẩu trang ở nơi công cộng trong chuyến thăm Trung tâm y tế quân sự quốc gia Walter Reed hồi đầu tháng.

“Chúng ta đoàn kết trong nỗ lực nhằm đánh bại virus Trung Quốc vô hình này, nhiều người nói, yêu nước là phải đeo khẩu trang khi không thể thực hiện giãn cách xã hội”, ông Trump viết trên Twitter ngày 20/7, gần 3 tháng sau khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ khuyến cáo người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng để phòng Covid-19. Ông Trump bình luận thêm: “Không ai yêu nước hơn tôi, Tổng thống của các bạn”.

Dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh trở lại ở Mỹ và nhiều nơi trên thế giới. Tuy vậy, dư luận ở Mỹ đến nay vẫn tranh cãi việc có đóng cửa trường học hay có bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng hay không. Bất chấp cảnh báo từ giới chuyên gia y tế, Tổng thống Trump đến nay vẫn ra sức ủng hộ việc mở cửa trường học, khuyến khích các bang mở cửa trở lại và cho rằng đeo khẩu trang là không cần thiết.

“Nước Mỹ có tỷ lệ tử vong do Covid-19 thấp nhất thế giới”

Mỹ có tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao thứ 8 thế giới. (Ảnh: Reuters)

Giữa lúc chính quyền của ông hứng chỉ trích vì cách ứng phó đại dịch, ông Trump không ít lần ca ngợi những thành quả mà chính quyền đã đạt được để hạn chế thiệt hại do Covid-19 gây ra. Tổng thống Trump nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn Fox News ngày 19/7: "Tôi nghe nói chúng ta là một trong những nước có tỷ lệ tử vong thấp nhất, thậm chí có thể thấp nhất thế giới. Cô (Thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany) có số liệu ở đó không. Tôi nghe nói chúng ta có tỷ lệ tử vong tốt nhất".

Khi Thư ký báo chí Nhà Trắng McEnany quay trở lại với một tờ giấy trên tay, ông Trump quay sang phóng viên của Fox News và nói: "Thấp số 1 thế giới về tỷ lệ tử vong. Vậy mà anh nói chúng ta có tỷ lệ tử vong tệ nhất thế giới".

Tuy nhiên, tuyên bố của ông Trump không đúng. Thực tế, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, Mỹ là một trong những nước có tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới, thậm chí tồi tệ hơn những quốc gia khác bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch như Brazil, Mexico, Nga. Theo thống kê, Mỹ là nước có tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao thứ 8 thế giới, chỉ sau Bỉ, Anh, Tây Ban Nha, Italia, Thụy Điển, Pháp và Chile. Trong khi đó, Mỹ có nhiều người mắc Covid-19 nhất thế giới (gần 4 triệu ca) và nhiều người tử vong nhất (gần 144.000 người).

Cuộc chạy đua vắc xin

Các nước đang chạy đua phát triển vắc xin ngừa Covid-19. (Ảnh minh họa: EPA)

Dịch Covid-19 cho tới nay đã khiến gần 15 triệu người trên thế giới mắc bệnh, trong đó khoảng 612.000 người đã tử vong. Giới chuyên gia cho rằng, số người mắc bệnh và tử vong do Covid-19 thực tế có thể cao hơn nhiều do năng lực xét nghiệm của nhiều nước còn hạn chế.

Dịch đang có xu hướng tái bùng phát mạnh sau khi các nước mở cửa trở lại. Châu Mỹ tiếp tục là điểm nóng bùng phát mạnh nhất, Mỹ ghi nhận trung bình khoảng 60.000 ca mắc mới/ngày, thậm chí thời gian gần đây con số này liên tiếp lập kỷ lục, có thời điểm lên 77.000 ca/ngày. Brazil là tâm dịch lớn thứ hai thế giới với gần 2,1 triệu ca mắc, trong đó xấp xỉ 80.000 trường hợp tử vong.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cảnh báo, số ca mắc Covid-19 ở châu Phi có dấu hiệu tăng mạnh khi Nam Phi hiện là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề thứ 5 thế giới bởi Covid-19 với hơn 364.000 người mắc, hơn 5.000 người thiệt mạng.

Sức tàn phá của đại dịch Covid-19 đã thôi thúc các nước tham gia vào một cuộc chạy đua nghiên cứu, phát triển vắc xin. Hiện nay trên thế giới có hơn 150 vắc-xin tiềm năng đang được phát triển và thử nghiệm. Trong số 23 cuộc thử nghiệm lâm sàng trên người, ít nhất có 3 vắc-xin đang được thử nghiệm ở giai đoạn 3.

AFP dẫn lời ông Kirill Dmitriev, giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF), cho biết ngày 20/7 rằng RDIF đang phối hợp với một viện nghiên cứu của chính phủ Nga trong một số dự án sản xuất vắc xin ngừa Covid-19.

Ông hy vọng dự án sẽ được cấp phép vào tháng tới để bắt đầu đi vào sản xuất sau khi giai đoạn thử nghiệm đầu tiên hoàn tất hồi tuần trước. Ông nói, Nga đặt mục tiêu sản xuất khoảng 30 triệu liều vào cuối năm nay và tiếp tục phối hợp để sản xuất 200 triệu liều. Ông Kirill cho biết thêm, các quốc gia Trung Đông sẽ là những nước ngoài đầu tiên được tiếp cận vắc xin do Nga sản xuất.

Trong một diễn biến liên quan khác, Liên minh châu Âu (EU) được cho là đang thương lượng với các hãng dược như Moderna, Sanofi và Johnson & Johnson và 2 công ty công nghệ sinh học BioNtech và CureVac để mua trước vắc xin ngừa Covid-19.

Tác giả: Minh Phương

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok