Trong nước

Ông Triệu Tài Vinh nói về chuyện cả nhà làm quan và gian lận thi cử

Phó Ban Kinh tế TƯ Triệu Tài Vinh chia sẻ các vấn đề về đổi mới sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ và chuyện liên quan đến cá nhân ông.

Phó Ban Kinh tế Trung uơng Triệu Tài Vinh.

Sáng 25/9, Tạp chí Cộng sản phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới - những vấn đề về lý luận và thực tiễn”.

Tham gia phát biểu tham luận tại hội thảo, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Triệu Tài Vinh đã chia sẻ nhiều vấn đề, tuy nhiên ông cho biết, vì mới về Ban Kinh tế Trung ương 2 tháng, nên ông phát biểu dưới góc độ địa phương, khi ông giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang.

“Tôi nghĩ giờ nếu được đi học lại lý luận chính trị thì tốt"

Đó là câu ông Triệu Tài Vinh nói ngay ở phần mở đầu bài phát biểu, bởi theo ông, qua thực tiễn ở địa phương, trải qua các cương vị Phó chủ tịch lên đến Bí thư Tỉnh ủy, nhận thấy giữa lý luận và thực tiễn là có khoảng cách, nên khi đi làm rồi lại muốn được học thêm.

“Tôi không được quy hoạch công tác cán bộ cấp chiến lược, chỉ được bồi dưỡng 4 ngày làm Ủy viên Trung ương Đảng, tôi thấy rất ít”, ông Vinh nói.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang chia sẻ kinh nghiệm thực tế, nhiều cán bộ ban đầu đánh giá đúng, sau đó không đảm bảo được tính thường xuyên, liên tục. Vì vậy, việc đánh giá phải có định tính (nhận xét tư tưởng của cán bộ) và định lượng (những yếu tố đo đếm được). Phải đổi mới cách nhận xét, chỉ ra được thế nào là tự diễn biến, tự chuyển hóa trong mỗi cán bộ.

“Mỗi tổ chức Đảng, mỗi cá nhân đảng viên khi nhận xét nhau đều là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhưng chi bộ Đảng ở nông thôn nghèo vẫn cứ nghèo”, ông Vinh nói và cho rằng như vậy là chưa thống nhất giữa tư duy chính trị và kinh tế. Như ở Hà Giang, đã đặt ra yêu cầu nếu tổ chức Đảng “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” thì phải thay đổi được kinh tế.

Tỉnh cũng hướng dẫn xây dựng chương trình hành động theo hướng cá nhân xây dựng, tập thể góp ý kiến. “Chúng tôi nói với nhau sau Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, khi bước ra khỏi hội trường lại như ‘một tờ giấy trắng’, thoải mái với nhau. Thời trước đó, trong hội trường không nói nhưng ra khỏi hội trường lại xì xào”, ông Vinh nhắc lại.

Với mong muốn cá nhân tự xây dựng chương trình hành động, tự kiểm điểm, ông Vinh cho biết ngay cả Bí thư Tỉnh ủy cũng kiểm điểm trước Ban thường vụ để Ban thường vụ góp ý. Vấn đề này theo ông không khó, thậm chí dễ làm nhưng lại rất nhạy cảm. Khi thực hiện, việc này đã tạo sự thay đổi nhất định, ủy viên các cấp có thay đổi nhưng tính thường xuyên không cao, hiệu quả không như mong muốn. Từ đó, tỉnh tiếp tục ra quy định “chấm mức độ quyết liệt”.

“Nhiệm kỳ trước khi làm Bí thư Tỉnh ủy, trong Ban Thường vụ chủ yếu là các vai cha chú của tôi, làm cùng thời với cụ thân sinh ra tôi nên rất khó lãnh đạo. Khi đó dư luận đặt câu hỏi không biết tôi có làm nổi không”, ông Vinh chia sẻ. Từ thực tế đó, ông cho rằng nếu không có quy định, đề án thì rất khó làm việc.

Đối mặt với câu chuyện cả họ làm quan, tiêu cực thi cử

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ, theo ông Vinh, cần phát huy nhiều nhân tố. Trước hết phải chọn được vấn đề của địa phương mình.

Hà Giang có đặc thù là tỉnh khó khăn nhất cả nước, quy mô nền kinh tế nhỏ nhất, thoát khỏi chiến tranh muộn nhất, nhưng chính trị Hà Giang ổn định vì sức đề kháng của hệ thống ở tỉnh rất tốt.

“Biết lựa chọn để xây dựng đề kháng của hệ thống chính trị với một Bí thư tỉnh là quan trọng. Đánh giá cán bộ phải biết phát huy nhân tố đó”, ông Vinh nói.

Để minh chứng, ông thẳng thắn đề cập đến những vụ việc lùm xùm của cá nhân mình khi giữ cương vị Bí thư Hà Giang. Câu chuyện cả gia đình làm quan và vừa rồi là gian lận thi cử liên quan đến cá nhân ông Vinh từng gây xôn xao dư luận. "Mình phải đối mặt với thực tế, vượt qua nó”, ông Vinh chia sẻ.

Ông Vinh kể câu chuyện khi còn là Ủy viên Trung ương dự khuyết, Thường trực Ban Bí thư lúc đó là ông Trương Tấn Sang lên công tác tại Hoàng Su Phì, vào thăm trường rẻo cao nơi ông học từ lớp 1 đến lớp 4 và có nói: “Trường này phải có nhiều Triệu Tài Vinh hơn”. Khi được ông Trương Tấn Sang hỏi: “Là Ủy viên dự khuyết thì cháu làm gì?”, ông Vinh trả lời: “Cháu tập trung làm các đề án, cụ thể hóa bằng đề án và tổng kết bằng đề án chứ không chung chung”. Từ câu chuyện này, ông Vinh cho rằng phải tổ chức thực hiện bằng các đề án cụ thể.

Đặc biệt, theo ông Vinh, khi có chính sách phải biết khởi động mũi nhọn để thực hiện. Cùng với đó, phải có nhãn quan nhạy cảm chính trị xuất phát từ thực tiễn.

Cuối cùng, ông Vinh nhìn nhận đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ phải đánh giá được vai trò của người đứng đầu, phát huy dân chủ trong cấp ủy, nếu không sẽ dẫn đến nhiều tổ chức Đảng có sai phạm.

Tác giả: Phùng Đô

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok