|
Một chiều cuối tuần, chị Bùi Kim Ngọc (ngụ phường An Phú, quận 2, TP.HCM) cùng chồng chở cô con gái sáu tuổi trên chiếc xe máy đến UBND phường An Phú (quận 2, TP.HCM) để bắt đầu giờ học tiếng Anh.
Từ tháng 12 này, các em sẽ đến lớp vào các chiều thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần. Đây là lớp học do UBND phường An Phú tổ chức dành cho trẻ em nghèo trên địa bàn, không có điều kiện theo học tiếng Anh.
Tiếng Anh khó đấy nhưng mà thật vui
Cùng một giờ học, UBND phường An Phú và các tình nguyện viên tổ chức thành bốn lớp học khác nhau tùy vào trình độ của các em: lớp Dove (6-7 tuổi), lớp Chery (9-13 tuổi), lớp Kiwi (9-14 tuổi), lớp Dolphin (6-13 tuổi).
Lớp Dolphin có lẽ là lớp học đặc biệt nhất. Các em nhỏ ở lớp vốn là con của các gia đình ở khu “Vườn ổi” sống trong những căn nhà lá, là dân lao động nghèo từ miền Tây lên đây sinh sống.
Họ không có điều kiện cho con đến trường, ngay cả tiếng Việt nhiều em cũng chưa rành rọt. Chính vì thế các thầy cô ở đây phải dạy cả tiếng Việt, tiếng Anh lẫn nề nếp, cách cư xử hằng ngày cho các em.
Giờ học tiếng Việt, mấy đứa nhỏ trong lớp Dolphin học nhận dạng chữ bằng hình ảnh, hào hứng đọc theo lời dạy, cử chỉ của cô giáo. Đến giờ tiếng Anh tụi nhỏ cũng hứng thú không kém, thầy đứng trước lớp dạy phát âm chữ cái, cả lớp ngồi dưới cũng đọc theo hướng dẫn của thầy. Mà phát âm tiếng Anh cho đúng đâu phải dễ.
Cô bé Thảo Vy (sáu tuổi) thích thú đọc theo thầy xong lại hồn nhiên bảo: “Thầy dạy phải mở miệng vầy nè, con cũng ráng làm theo cho đúng. Con đọc theo thầy mà mỏi miệng quá luôn!”. Vừa nói Vy còn há miệng hình chữ O để diễn tả rồi cười thích thú.
Cũng chăm chú nghe thầy dạy như bao bạn khác nhưng Bảo Thy (sáu tuổi) lí lắc bảo không nhớ hết mặt chữ để đọc nên hơi sao nhãng việc học. “Con chưa nhớ hết cách phát âm từng chữ mà thầy dạy” - Bảo Thy gãi đầu.
Cách lớp Dolphin không xa, không khí trong lớp học Kiwi rất sôi nổi. Các em đứng thành vòng tròn để giao tiếp tiếng Anh với thầy giáo người New Zealand. “Drive a taxi, dentist, dancer, door...” - cả lớp đọc lớn khi thầy giáo chỉ tay vào từng cụm từ. Với mỗi cụm từ, thầy giáo sẽ giải thích và lấy ví dụ. Khi các em không thể nghe ra được, trợ giảng mới giải thích.
Nhã Phương (11 tuổi) cho biết em từng được học tiếng Anh vào năm lớp 3 nhưng sau đó bỏ ngang vì không có tiền đóng học phí. “Em đến đây vừa được học tiếng Anh miễn phí, vừa có thêm bạn, mà còn được thầy người nước ngoài dạy nên thích lắm” - Nhã Phương nói.
Lớp học Kiwi sôi nổi, hào hứng khi được nói chuyện trực tiếp với thầy Brian John Percival, người New Zealand. Ảnh: THANH TUYỀN |
Xuống tận nhà đưa các em đến lớp
Đứng từ xa nhìn cô con gái đã bắt đầu giờ học cùng thầy giáo, chị Bùi Kim Ngọc mới yên tâm rời đi. Chị cho biết con gái của chị rất thích học tiếng Anh nhưng vì gia đình còn khó khăn nên chị không thể cho bé học thêm.
“Khi biết có lớp học này, tôi mừng lắm! Mong con sẽ gắng học thật tốt. Có lớp này, nhiều gia đình nghèo như tôi cũng có thể cho con học như bao người” - chị Ngọc nói.
Để mở lớp học này, phường An Phú đã mất bốn năm để thực hiện vì còn vướng nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, giáo viên không ổn định. Ông Trần Hoàng Long, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường An Phú, chia sẻ dự án này được lên ý tưởng từ năm 2014 với mục đích duy nhất là mong các em có hoàn cảnh còn nghèo khó có điều kiện học ngoại ngữ.
“Chúng tôi nghĩ các em cần có cơ hội để sớm tiếp cận và làm quen với tiếng Anh thì sẽ tốt hơn cho tương lai các em nên ấp ủ mở lớp với mong mỏi thời gian sẽ giúp các em tự tin và học tiếng Anh. Đến tận hôm nay, may mắn tìm được các thầy cô tình nguyện viên đảm bảo được việc giảng dạy nên chúng tôi mở lớp ngay” - ông Long nói.
Sợ các em nhỏ ở khu “Vườn ổi” không có phương tiện để đến lớp học vì đường xa, phường An Phú đã đưa xe xuống để chở tất cả các em đến lớp. Đó cũng là cách để các em không bỏ lớp, không nản lòng.
“Chúng tôi muốn làm gì cũng làm cho tới nơi, làm cho đàng hoàng, đảm bảo duy trì được lâu chứ không phải mở lớp một thời gian rồi dẹp. Phải đảm bảo cho các em nắm được kiến thức tiếng Anh cơ bản và có cơ hội phát triển” - ông Long nhấn mạnh.
Tình cảm ấm áp của thầy cô Cô Lê Thị Na, tình nguyện dạy ở lớp Dolphin, nói rằng những đứa trẻ đến học đều rất dễ thương, lễ phép. “Có em khi được cho bánh ăn thì không ăn ngay mà chạy đến mời thầy cô giáo trước. Xúc động lắm!” - cô Na kể. Thầy Brian John Percival, người New Zealand, khi nhắc đến những đứa trẻ ở lớp Kiwi đã chia sẻ: “Tôi ấn tượng vì các em thật đáng yêu, dễ thương và thân thiện. Các em cũng rất năng động, khá là ồn ào nhưng trẻ con mà. Tôi thật sự muốn làm gì đó để giúp các em, bằng chính khả năng của mình”. Muốn hỗ trợ nghề nghiệp cho các em Tất cả thầy cô tình nguyện đến với lớp đều là giáo viên ở Trường Wings School. Trường cùng với một công ty khác đã thực hiện nhiều dự án hỗ trợ cho trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam. Không chỉ dạy học, những người thực hiện dự án hy vọng có thể hỗ trợ nghề nghiệp trong tương lai cho các em. |
Tác giả: Thanh Tuyền
Nguồn tin: Báo Pháp luật TP.HCM