Trong nước

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Quốc hội đã chọn không 'công khai nút bấm'

Tổng thư ký Quốc hội cho hay, Việt Nam chọn hình thức công khai kết quả biểu quyết ở nghị trường nhưng không công bố danh tính cụ thể.

Tại cuộc họp báo chiều 15/6, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trả lời câu hỏi về đề xuất công khai họ và tên của đại biểu khi biểu quyết thông qua các dự án Luật, công trình quan trọng quốc gia tại nghị trường.

Ông Phúc cho hay, trong số 283 nghị viện trên thế giới, 70 nghị viện chọn hình thức biểu quyết công khai danh tính đại biểu, còn lại không công khai.

"Hình thức nào cũng có mặt tích cực và ngược lại, quyết định ra sao là quyền của Quốc hội. Quốc hội Việt Nam chọn hình thức công khai kết quả biểu quyết nhưng không nêu danh tính", ông Phúc nói.

Quốc hội đã chọn hình thức biểu quyết công khai kết quả nhưng không công bố danh tính. Ảnh: Hoàng Phong.

Tổng thư ký Quốc hội thông tin thêm, từ khoá 13, đại biểu Dương Trung Quốc đã đưa ra đề nghị Quốc hội công khai danh tính đại biểu khi bấm nút (biểu quyết có danh). Sau đó, khi Quốc hội lấy ý kiến để sửa nội quy kỳ họp có đưa nội dung này ra xin ý kiến, tuy nhiên các đại biểu đã lựa chọn hình thức biểu như các kỳ họp trước, nghĩa là biểu quyết không có danh.

Trao đổi với VnExpress trước đó, ông Dương Trung Quốc lý giải đề xuất của mình là để cử tri biết được người đại biểu do mình bầu ra đã quyết định như thế nào trước những vấn đề hệ trọng của đất nước.

"Tôi sẽ kiên trì nêu ý kiến và mong sớm được chấp thuận. Mỗi người có sự hiểu biết khác nhau nhưng trách nhiệm của người đại biểu dân cử thì như nhau, mỗi lá phiếu đều bình đẳng do vậy đại biểu phải biết lắng nghe, có năng lực phân tích và có bản lĩnh để quyết định, để nói lên điều mình nghĩ", ông Quốc nêu quan điểm.

Tiếp tục hoàn thiện Luật Đặc khu

Trả lời câu hỏi sau khi lùi thông qua Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc để tiếp tục hoàn thiện, dự Luật có được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi nhân dân hay không, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay "trước mắt Ban soạn thảo tiếp thu đầy đủ ý kiến đại biểu, cử tri và chuyên gia đã góp ý trong thời gian vừa qua". Trong đó, quy định thời hạn cho thuê đất tối đa 99 năm có thể sẽ được điều chỉnh giảm theo quy định Luật đất đai hiện hành (70 năm).

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: QH.

Liên quan đến câu hỏi, hai dự án luật cùng có nhiều ý kiến khác nhau tuy nhiên Luật Đặc khu thì lùi lại còn An ninh mạng lại thông qua với số phiếu cao, Tổng thư ký Quốc hội cho rằng "bản chất của hai việc khác nhau".

Ông Phúc lý giải, Luật An ninh mạng đã được cơ quan soạn thảo, thẩm tra tiếp thu rất kỹ góp ý của đại biểu, cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước nên "được thông qua với số phiếu cao là điều hiển nhiên". Trong khi đó, Luật Đặc khu còn rất nhiều vấn đề ý kiến khác nhau, nội hàm cũng rộng hơn nên cần có thêm thời gian để nghiên cứu, chỉnh lý.

Tại phiên họp sáng 11/6, với trên 85% đại biểu nhất trí, Quốc hội đã đồng ý rút nội dung biểu quyết thông qua dự án Luật và nghị quyết về thi hành Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc ra khỏi lịch trình thông qua tại kỳ họp lần này. Dự Luật trên sẽ được Quốc hội tiếp tục xem xét theo quy định tại kỳ họp cuối năm (tháng 10/2018).

Một ngày sau, Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua với tỷ lệ 86,86% đại biểu tán thành.

Lần đầu tiên Quốc hội có nghị quyết chung về kỳ họp

Phó tổng thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh cho hay, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá 14 đã thông qua 7 dự án Luật, 8 nghị quyết và cho ý kiến 9 vào dự án Luật khác. Quốc hội cũng xem xét nhiều vấn đề quan trọng và giám sát tối cao.

Theo ông Lĩnh, lần đầu tiên Quốc hội có nghị quyết chung về kỳ họp nhằm khái quát kết quả chủ yếu của kỳ họp, giao Chính phủ tập trung thực hiện một số giải pháp, nhiệm vụ về kinh tế-xã hội; ban hành quy định thực hiện chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 1/1 đến ngày 31/12/2021...

Tác giả: Võ Hải

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok