Chiều nay 28/3, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (mã LPB) tổ chức họp đại hội cổ đông năm 2018. Đây là năm bản lề của nhiệm kỳ mới 2018-2023, nên hội đồng quản trị (HĐQT) ngân hàng đã trình đại hội cổ đông về việc bầu thành viên HĐQT, Ban kiểm soát nhiệm kì mới, phương án tăng vốn điều lệ năm 2018 lên 10.368 tỷ đồng, tăng thêm 286,8 tỷ đồng. Vốn điều lệ hiện tại của LienVietPostBank là 7.499 tỷ đồng.
Theo tài liệu đại hội, LienVietPostBank sẽ bầu chức danh Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank thay ông Nguyễn Đức Hưởng rút về làm cố vấn ngân hàng với lý do sức khoẻ. Năm ngoái, người sáng lập ngân hàng là ông Dương Công Minh cũng đã chuyển sang làm Chủ tịch Sacombank.
Ông Hưởng khẳng định: "Tôi không bao giờ rời bỏ ngân hàng" và cho biết, nếu giá LPB xuống ông sẽ tiếp tục mua vào cổ phiếu và cho rằng ngân hàng này vẫn đang tiềm năng. |
Danh sách ứng viên cho "ghế nóng" LienVietPostBank gồm có 8 người là: ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, ông Phạm Doãn Sơn - Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc LienVietPostBank, ông Dương Công Toàn - Phó tổng giám đốc LienVietPostBank, ông Nguyễn Đức Cử - thành viên HĐQT, ông Huỳnh Ngọc Huy - Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán LienVietPostBank, ông Lê Hồng Phong - thành viên HĐQT, bà Chu Thị Lan - thành viên HĐQT và bà Dương Hoài Liên - Phó giám đốc chi nhánh Sacombank chi nhánh 8.3 Hà Nội.
Trong đó, 2 ứng cử viên sáng giá nhất cho "ghế nóng" LienVietPostBank là ông Nguyễn Đình Thắng và ông Phạm Doãn Sơn.
Dù đang trong thời gian chữa bệnh nhưng ông Nguyễn Đức Hưởng vẫn có mặt tại đại hội và gửi lời cảm ơn đến các cổ đông đã dành tình cảm cho LienVietPostBank trong 10 năm qua. Ông Hưởng cho rằng đã có nhiều chỉ tiêu tăng 30-40 lần, cho dù trong chặng đường 10 năm qua ngân hàng phải trải qua 7 năm gặp khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng toàn cầu.
Thời gian qua, khi ông Hưởng đi chữa bệnh, trên thị trường xuất hiện tin đồn ông rời bỏ ngân hàng và bán sạch cổ phiếu, nhưng ông Hưởng khẳng định: "Tôi không bao giờ rời bỏ ngân hàng". Ông cho biết, nếu giá LPB xuống ông sẽ tiếp tục mua vào cổ phiếu và cho rằng ngân hàng này vẫn đang tiềm năng. "Nhiều cổ đông ngoại muốn mua LPB với giá 3 chấm", ông Hưởng nói trước đại hội.
Cũng theo tài liệu đại hội, năm 2018, LienVietPostBank đặt kế hoạch kinh doanh năm 2018 với tổng tài sản lên 190.000 tỷ đồng, vốn điều lệ tăng lên 9.875 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.800 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng khoảng 19,7%, trả cổ tức 12%, nợ xấu dưới 1,5%.
LienVietPostBank cũng công bố kết quả kinh doanh năm 2017 ngay trước thềm kỷ niệm 10 năm thành lập và hoạt động của LienVietPostBank (28.03.2008 – 28.03.2018) với mức lợi nhuận trước thuế đạt 1.768 tỷ đồng.
Mức lợi nhuận này tăng khoảng 31% so với năm 2016, tăng gấp gần 4 lần so với năm 2008 - mức cao nhất trong 10 năm hoạt động LienVietPostBank (từ 2008 đến 2017). Bên cạnh đó, các chỉ số kinh doanh khác của ngân hàng vào thời điểm kết thúc năm 2017 cũng rất ấn tượng.
Tại thời điểm cuối năm 2017, tổng tài sản của LienVietPostBank tiến thêm bước phát triển mới khi vượt mốc 163.000 tỷ đồng, tăng 15,2% so với 2016 và tăng gấp 22 lần so với năm đầu thành lập (2008). Thành công này góp phần nâng cao vị thế và quy mô của LienVietPostBank, đưa ngân hàng tiến gần hơn vào Top 10 ngân hàng thương mại có tổng tài sản lớn nhất.
Tác giả: An Hạ
Nguồn tin: Báo Dân trí