Hoàn cảnh đầy éo le, bi đát trên là của hai cháu Cao Thị Vân Anh (SN 2016) và Nguyễn Thị Ly (SN 2003) trú xóm 8, xã Hương Đô, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh.
Trước khi ngược đường lên xã Hương Đô thăm hai cháu Anh và Ly, chúng tôi tìm tới Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Tĩnh – nơi ông Cao Văn Tỵ (ông ngoại hai cháu Anh-Ly) đang nằm điều trị. Chứng kiến hình ảnh người đàn ông mới ngoài tuổi 60 liệt nửa người, ốm yếu như một cụ già nằm thoi thóp trên giường bệnh, cạnh đó là người vợ Cao Thị Vỵ (SN 1955) sức lực yếu ớt đang nhọc nhằn chăm sóc người chồng khiến tất cả những người có mặt không ai có thể cầm lòng.
Mỗi lần đỡ ông Tỵ lên xe lăn là mỗi lần bà Vỵ phải gượng hết sức lực. |
“Nếu một người bình thường chăm người liệt như vậy đã quá khó khăn nhưng đây là một cụ bà gầy gò, già yếu. Mọi công việc ăn uống, tắm rửa, bế chồng lên giường, đẩy chồng đi khắp Bệnh viện để khám chữa... đều gánh lên chút sức lực tàn mọn của bà Vỵ. Không biết ông Tỵ chừng nào mới khỏe lại được, chúng tôi sợ rằng nếu bà tiếp tục những chuỗi ngày như thế này thì bà Vỵ cũng ngã quỵ mất. Làm đây bao nhiêu năm, tôi chưa bao giờ thấy hoàn cảnh nào cảnh khổ cực đến thế!” – chị Nguyễn Thị Thọ Xuân (điều dưỡng trực tiếp cho chồng bà Vỵ) lo lắng.
Nhiều người lo lắng nếu tiếp tục những chuỗi ngày như thế này có lúc bà Vỵ sẽ ngã quỵ. |
Cũng theo điều dưỡng Xuân, lúc đầu xuống điều trị, hai vợ chồng bà Vỵ mỗi ngày chỉ ăn chung 1 suất cơm, nhiều hôm vì hết tiền nên ai cho được cái gì vợ chồng họ ăn nấy.
“Nhiều lúc họ cho ổ bánh mì mà bà Vỵ cứ cất kín không dám ăn vì để dành cho chồng. Chúng tôi thấy thương quá nên đã góp người một ít mua cho vợ chồng bà suất cơm. Ngay cả có những thứ thuốc ngoài bảo hiểm chúng tôi còn dành miễn phí cho ông ấy” – chị Xuân cho biết thêm.
Bà Vỵ nghẹn ngào rơi nước mắt khi kể về hoàn cảnh quá éo le của gia đình. |
Gạt nước mắt, bà Vỵ, kể về cuộc đời khổ cực chưa khi nào được thảnh thơi của mình. Năm 18 tuổi bà lập gia đình, 3 năm hậu phương, mòn mỏi chờ chồng tham gia kháng chiến chống Mỹ. Ngày đất nước thống nhất, ông Tỵ trở về rồi lần lượt ông bà sinh 3 người con. Do cuộc sống nơi núi rừng đá sỏi, khó phát triển kinh tế nên khi lớn lên 2 người con của ông bà phải tha phương cầu thực nhưng vẫn nghèo đói. Còn lại cô con gái lập gia đình ở cùng với ông bà.
Tưởng chừng cuộc sống sẽ đỡ mệt nhọc hơn khi về già, thế nhưng khi người con gái sinh cháu đầu lòng là Nguyễn Thị Ly (SN 2003) được 2 năm thì phát hiện cháu mắc bệnh máu trắng, hàng tháng phải đi bệnh viện thay máu. Cuộc sống khó khăn đến thế nhưng đứa con rể bội bạc chẳng ngó ngàng đến vợ con mà bỏ đi rồi lập gia đình với người phụ nữ khác.
Gánh nặng đè thêm lên vai ông bà khi đứa con gái lại bị một người đàn ông khác phỉnh phờ và sinh ra cháu Cao Thị Vân Anh (SN 2016) rồi lại để cho ông bà ngoại nuôi. Nghiệt ngã hơn, khi cháu Vân Anh được vài tháng tuổi thì ông Tỵ bị tai biến mạch máu não. Người con gái bận đi ở cho người ta để kiếm thêm đồng thuốc men, chỉ còn bà Vỵ chạy vạy lo bệnh tật cho chồng và cháu. Tất cả những thứ gì có giá trong nhà bà đều bán hết, vay mượn cầm cự được 2 năm đến lúc sức cùng, lực kiệt dường như bà Vỵ muốn buông xuôi tất cả. Nhưng rồi vì thương chồng, xót cháu bà tiếp tục gắng gượng.
Nhiều lúc không còn sức lực bà muốn phó mặc cuộc sống cho số phận. Nhưng rồi vì thương chồng, xót cháu nên bà Vỵ lại tiếp tục gắng gượng. |
“Giờ tôi chỉ ước sao ông khỏe hơn, bệnh viện họ cho về để tôi còn lo cho 2 đứa cháu tội nghiệp đang từng ngày phải ăn nhờ hàng xóm. Cả đời tôi khổ cực tôi chịu được, nhưng tương lai những đứa cháu của tôi rồi sẽ ra sao, nhiều lúc nằm nghĩ về chúng mà tôi đau thắt ruột các chú ạ!” – bà Vỵ nức nở.
Bà Vỵ gào khóc cầu mong sao chồng đỡ bệnh để về chăm cháu. |
Sau cuộc gặp ở bệnh viện, chúng tôi ngược miền núi để tới thăm ngôi nhà của bà Vỵ và những đứa cháu tội nghiệp đang từng ngày ngóng ông bà trở về.
Trong căn nhà nhỏ chỉ có duy nhất chiếc giường là đáng giá, 2 đứa cháu của bà Vỵ đang nằm lả người vì bệnh tật và đói. Thấy khách vào, chị em Ly ngơ ngác, ánh mắt dò tìm tưởng ai đó đưa ông bà về.
Bà đưa ông đi viện, mẹ đi ở cho người ta, 2 đứa trẻ ốm yếu, thiếu thốn đủ bề chỉ biết bấu víu vào nhau sống qua ngày. |
“Có phải các chú chở ông bà chúng cháu về không, mấy ngày nay, em cháu cứ khóc gọi bà mãi. Bà nói bà đưa ông đi viện ít hôm rồi về mà mấy tháng rồi không thấy ông bà đâu cả, có phải ông bà đã bỏ chúng cháu đi rồi không, khi nào ông bà mới về với chúng cháu?” – Ly gượng hỏi.
Ly gạt nước mắt sau câu hỏi khó trả lời của các em. |
Ly cho biết, từ ngày bà Vỵ đưa ông đi viện, 2 chị em ở nhà bữa có bữa không. Khi nào em thấy đỡ mệt trong người thì lại chạy qua nhà hàng xóm xin bát cơm về 2 chị em ăn chung. Những lúc mệt không dậy được, mấy người trong xóm thương tình họ mang qua cho nhưng nếu họ đi khỏi cả thì 2 chị em phải nhịn đói.
Người hàng xóm tốt bụng mang qua cho 2 chị em Ly bát cơm canh lót dạ. |
“Thi thoảng chúng tôi mới qua lại chứ cũng không có điều kiện để giúp các cháu nhiều. Không biết những ngày tới của các cháu sẽ ra sao, các cháu còn nhỏ mà tội nghiệp quá các chú ạ!” – bà Lan (người hàng xóm vừa mang sang cho chị em Ly bát cơm) rơm rớm nước mắt.
Từ khi gia đình lâm vào hoạn nạn, 2 chị em Ly phải sống nhờ từng bữa ăn của hàng xóm. |
Nhìn các cháu chia nhau bát cơm vừa được hàng xóm cho ăn ngon lành mà không biết ngày mai sẽ ra sao khiến lòng tôi thắt lại. Câu hỏi “Ông bà khi nào về?” của chị em Ly thật sự chúng tôi không dám trả lời. Mong rằng qua nhịp cầu Nhân ái của báo Dân trí, các nhà hảo tâm cùng chung tay chia sẻ với hoàn cảnh gia đình bà Vỵ, giúp cho người phụ nữ già yếu này có thêm sức lực để lo cho người chồng bệnh tật và những đứa cháu nghèo đói.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 1. Mã số 2974 : Bà Cao Thị Vỵ, xóm 8, xã Hương Đô, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. ĐT: 01632 859 884 |
Tác giả: Hà Phương
Nguồn tin: Báo Dân trí