(Ảnh minh họa)
Một dòng chữ hơn triệu lời van nài, kể lể
"Ông lão ăn xin khiếm thị ngồi một góc bên đường, trông chờ vào sự giúp đỡ của những người qua lại nơi này. Bên cạnh ông lão là một tấm các tông, trên đó có ghi: "Tôi bị mù, xin hãy giúp đỡ!"
Nhiều người đi ngang qua ông, nhiều người trong quảng trường cười nói và chơi đùa… nhưng chỉ một vài người cho ông những đồng xu lẻ. Lúc này một cô gái xuất hiện, nhìn vẻ ngoài của cô không được "hiền lành" cho lắm.
Cô gái viết lên tấm các tông này một dòng chữ… rồi sau đó lại đặt bên cạnh ông lão và rời đi. Nhưng chuyện kỳ lạ đã xảy ra, có rất nhiều người đi ngang qua ông lão đều lấy tiền ra cho.
Một lát sau, cô gái kia quay trở lại, ông lão hỏi cô, rốt cuộc cô đã viết chữ gì lên thùng các tông đó?
"Tôi vẫn viết như cũ, nhưng từ một góc nhìn khác" – cô gái trả lời khi ông lão ăn xin hỏi.
Và những dòng chữ đó là: "Ngày hôm nay thật đẹp, và tôi lại không nhìn thấy!"
Cô gái trẻ đã viết dòng chữ gì giúp ông lão mù bất ngờ được cho rất nhiều tiền? (Nguồn: Internet)
Sức mạnh của sự đồng cảm
Bỏ qua khía cạnh cô gái này có phải là một người có vốn văn chương, chữ nghĩa dồi dào, thành thục hay không? Hãy để ý vào sức mạng của thông điệp mà cô gửi gắm, rằng người ta chỉ có thể thương yêu, quan tâm và nghĩ đến người khác khi có sự đồng cảm.
Trong thông điệp đầu tiên, ông lão không nhận được nhiều sự giúp đỡ vì nó là những lời cầu xin sự thương cảm, giúp đỡ xuất phát từ bản thân ông: "Tôi bị mù, xin giúp đỡ!"
Nhưng thông điệp thứ hai: "Ngày hôm nay thật đẹp, và tôi lại không nhìn thấy!" lại khiến mọi người đi qua phải suy ngẫm.
"Ngày hôm nay thật đẹp" như một lời chào và tạo sự kết nối, quan tâm giữa mọi người với nhau. Đặc biệt hơn nữa, ai cũng có thể nhìn thấy, cảm nhận được vẻ đẹp của cuộc sống và đồng ý với điều này.
Nhưng bất ngờ sau đó là một sự đối lập, mâu thuẫn – vốn là một yếu tố tác động rất mạnh đến cảm xúc con người: "…và tôi lại không nhìn thấy!".
Nó ngay lập tức gợi sự thương cảm cho ông lão thiệt thòi hơn mọi người rất nhiều, đó một nỗi đau rất rõ ràng so với thông điệp chung chung ban đầu là "tôi bị mù".
Ngoài ra "Tôi bị mù, xin giúp đỡ!" rất cụt lủn. Còn "Ngày hôm nay thật đẹp, và tôi lại không nhìn thấy!" để lại một khoảng trống hụt hẫng nào đó ở phía sau, làm cho người ta phải suy nghĩ, thôi thúc hành động.
Trong các mối quan hệ, phải biết bỏ qua cái tôi của mình và đồng cảm với người khác để suy xét mọi việc (Ảnh minh họa)
Có lẽ ông lão mù không còn cách nào khác là phải trông chờ vào sự giúp đỡ của mọi người xung quanh. Nhưng sự chia sẻ ấy chỉ có thể xuất phát từ tình người, từ sự đồng cảm, chứ tuyệt nhiên không thể là ép buộc hay thương hại vì những lời kể lể, nài nỉ.
Dĩ nhiên, chúng ta đã từng nói rất nhiều về việc phải biết sống tự lập, đừng trông chờ vào người khác mà hãy bỏ công sức của mình để làm việc và tìm kiếm những điều mình muốn.
Bởi lẽ sự chờ đợi sẽ làm gia tăng sự thất vọng của ta vào những người xung quanh, khi họ không chịu giúp đỡ mình.
Tuy nhiên, trong cuộc sống, không ai trong chúng ta có thể sống mà không cần sự quan tâm giúp đỡ của những người xung quanh. Đặc biệt là đối với những người có hoàn cảnh khó khăn, thì sự đồng cảm, sẻ chia của những người xung quanh là vô cùng quan trọng với họ
Do đó, hãy học cách quan tâm, lắng nghe người khác và chìa khóa để học cách lắng nghe là hãy đặt mình vào vị trí của người khác. Như cô gái trẻ kia, cô đã khiến mọi người phải dừng lại và suy ngẫm về hoàn cảnh của ông lão mù.
Để thông cảm với một ai là việc không hề khó, chỉ cần sẵn lòng đặt mình vào vị trí của người đó, nhận biết và hiểu được cảm xúc của họ.
Đó không có nghĩa là cảm thấy thương hại họ, nói những lời đãi bôi giả dối, mà là nhận biết và hiểu được cảm nhận của họ, những gì họ đã phải trải qua, cả niềm vui và đau khổ. Bạn không thể tỏ ra thờ ơ hay ích kỉ, mà hãy biểu lộ sự quan tâm, chăm sóc đến người khác.
Mức độ lớn khôn và trưởng thành thực sự trong cuộc đời của mỗi con người tùy thuộc vào thái độ ứng xử của họ đối với người khác: Dịu dàng với người trẻ, cảm thông với người già, chia sẻ với người bất hạnh, động viên người có chí hướng, tha thứ người mắc lỗi lầm, bao dung với kẻ yếu và khoan hòa với kẻ mạnh.
Bởi lẽ, biết đâu đến một lúc nào đó trong cuộc đời của mỗi con người, chúng ta cũng sẽ lâm vào những cảnh ngộ tương tự .
Tác giả bài viết: Ngân Hà
Nguồn tin: