Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Hà Nội Lê Xuân Hồng cho biết thông tin trên tại hội nghị triển khai công tác thi hành án năm 2019 diễn ra sáng nay.
Hành vi tẩu tán tài sản phức tạp hơn
Theo ông Hồng, công tác thi hành án đang gặp rất nhiều khó khăn trong những vụ đại án về kinh tế, tham nhũng do trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử chưa kịp thời kê biên, ngăn chặn tài sản do phạm tội mà có.
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình dự hội nghị sáng nay. Ảnh: LĐ |
Cụ thể trong năm 2018, cơ quan chức năng tiếp tục đưa ra xét xử, thi hành án một số vụ án lớn như vụ án Đinh La Thăng, vụ án Hà Văn Thắm, Hứa Thị Phấn… đều có số lượng tiền phải thi hành án, thu hồi từ vài trăm tỷ đến hàng nghìn tỷ đồng.
Ông Hồng dẫn vụ Đinh La Thăng thi hành án 831 tỉ đồng, trong đó riêng bị cáo Thăng thi hành án trên 600 tỉ đồng nhưng tài sản hiện nay chỉ có 1 nhà chung cư là tài sản chung của vợ chồng. Hay như vụ Hà Văn Thăm đã kê biên khoảng hơn 300 triệu cổ phiếu nhưng kê biên rồi lại đến lượt thi hành án bán đấu giá...
Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Hà Nội băn khoăn việc bán cổ phiếu trong các vụ việc này sẽ bán theo kênh thế nào? Nếu bán theo thỏa thuận hay khớp lệnh nên lại phải đề nghị hướng dẫn dẫn đến mất thời gian thi hành và chỉ sơ xuất là thất thoát tài sản.
Ông đề nghị cần có các quy định chặt chẽ hơn trong các vụ đại án hình sự về kinh tế, tham nhũng. Bởi các đối tượng là người có chức vụ khiến vụ việc có tính chất phức tạp hơn các vụ án dân sự thông thường.
“Các hành vi tẩu tán tài sản phức tạp hơn, trong khi pháp luật hiện tại ở đâu đó còn chưa hoàn thiện”, Cục trưởng nói.
Ông Hồng đề nghị Ban Nội chính TƯ, Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm, chỉ đạo phối hợp giữa các ban ngành vì các vụ đại án thường liên quan đến nhiều địa phương. Các cơ quan tiến hành tố tụng phối hợp chặt chẽ trong việc ngăn chặn tẩu tán tài sản ngay từ đầu, tạo điều kiện thuận lợi khi thi hành án.
Còn hơn 200 nghìn việc với gần 86.000 tỷ đồng chưa có điều kiện thi hành án
Báo cáo công tác thi hành án năm 2018, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) Mai Lương Khôi cho biết, nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng có giá trị lớn đã được đưa ra xét xử, tổ chức thi hành án nhưng gặp một số khó khăn, vướng mắc. Điển hình như số tiền phải thi hành lớn nhưng người phải thi hành án không có tài sản hoặc tài sản bảo đảm thi hành giá trị thấp; tài sản đã bị tẩu tán, che giấu, hợp lý hóa.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) Mai Lương Khôi. Ảnh: LĐ |
Ngoài ra, chưa có hướng dẫn về các khoản thuế, phí mà người phải thi hành án còn nợ, các khoản thuế liên quan đến chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản chưa được thanh toán; Chưa có sự thống nhất thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán nghĩa vụ nộp án phí để thu cho ngân sách nhà nước...
Nguyên nhân chủ yếu là số việc và tiền thụ lý ngày càng nhiều và tiếp tục tăng cao. Hiện còn hơn 202 nghìn việc với gần 86.000 tỷ đồng chưa có điều kiện thi hành chuyển kỳ sau nhưng phải theo dõi, đôn đốc, xác minh theo định kỳ.
Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, tính chất phức tạp, hạng mục tài sản phải kê biên lớn, nhiều chủng loại hoặc mới được thụ lý đang trong giai đoạn đầu của quá trình tổ chức thi hành án, trong khi thể chế về xử lý tài sản nằm ở nhiều địa phương còn chưa đồng bộ.
Bên cạnh đó, nhiều vụ án tín dụng, ngân hàng có giá trị phải thi hành án lớn nhưng tài sản thế chấp, cầm cố khi phát mãi để thi hành án còn phải trả rất thấp...
Chưa có cơ chế riêng trong thẩm định giá tài sản phát mãi để thi hành án, đặc biệt chưa tính đến tính rủi ro, tâm lý “e ngại” của người mua tài sản kê biên. Người được thi hành án, đặc biệt là các tổ chức tín dụng không nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án trong trường hợp không có người tham gia đấu giá hoặc đấu giá không thành.
Tác giả: Thu Hằng
Nguồn tin: Báo VietNamNet