Chiều 9/1, bị cáo Đinh La Thăng trả lời các luật sư về dự án NMNĐ Thái Bình 2 để làm rõ việc bị các cơ quan tố tụng truy tố về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Chính phủ cho phép thực hiện cơ chế đặc thù?
Luật sư Phan Trung Hoài hỏi ông Đinh La Thăng: Ông cho biết ranh giới phạm vi của Chủ tịch HĐTV, HĐTV và Tổng Giám đốc PVN?
Ông Đinh La Thăng: HĐTV xem xét nhiệm vụ Chính phủ giao là thực hiện triển khai đường lối, lãnh đạo chỉ đạo PVN hoàn thành các Nghị quyết, quyết định. Tổng Giám đốc, Ban giám đốc trực tiếp điều hành công việc hàng ngày và triển khai thực hiện nghị quyết của HĐTV.
Ông Đinh La Thăng trả lời câu hỏi của các luật sư chiều 9/1. |
Ông nhận thức thế nào về tầm quan trọng của dự án NMNĐ Thái Bình 2?
Dự án NMNĐ Thái Bình 2 nằm trong chiến lược phát triển PVN và chiến lược ngành điện Việt Nam. Trong đó, chiến lược PVN đảm bảo cung ứng 30% sản lượng điện. Chính phủ quy hoạch dự án này là dự án quan trọng, tiến độ cấp bách nên cho phép thực hiện cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ.
Cơ chế đặc thù như bị cáo nói cụ thể là cái gì?
Cơ chế trong Quyết định 1195 nêu rõ, dự án được thực hiện vừa triển khai thiết kế chi tiết, vừa thực hiện chủ trương quyết định đầu tư. Trong thiết kế kỹ thuật thì cho thực hiện 2 giai đoạn, đó là vừa thiết kế vừa thi công để đảm bảo tiến độ. Hạng mục nào triển khai nào mà không ảnh hưởng thiết kế tổng thể thì phê duyệt để triển khai trước.
Ông có trình bày về ép tiến độ. Vậy tiến độ Chính phủ yêu cầu khởi công thời gian nào và ông ép cấp dưới đẩy tiến độ ra sao?
Đây là dự án cấp bách nên có cơ chế đặc thù. Chính phủ yêu cầu khởi công trong quý 1/2009. Tập đoàn tổ chức triển khai theo yêu cầu nên HĐTV ép tiến độ đơn vị các cấp của PVN bám sát tiến độ triển khai nhanh nhất, theo đúng cơ chế đạc thù Chính phủ cho phép.
Sau 10 năm, ông có thấy ép tiến độ như vậy có phải là nguyên nhân phát sinh hệ luỵ pháp lý và hậu quả?
Sau 10 năm nhìn lại, nhất là khi làm việc cơ quan điều tra, VKS và tại toà, chúng tôi có đầy đủ các thông tin mà khi triển khai chưa có đầy đủ. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, bản thân tôi cũng đã chỉ đạo quyết liệt, đôi lúc có nóng vội, vì vậy nhìn lại dự án, bản thân tôi thấy có việc do ép tiến độ mà cấp dưới không đủ thời gian thực hiện, dẫn đến vi phạm quy trình, thủ tục và vi phạm khác.
Bị cáo Đinh La Thăng. (Ảnh: TTXVN) |
Tôi luôn nhận trách nhiệm người đứng đầu. Mong HĐXX xem xét vụ án trong bối cảnh 10 năm về trước, nhất là PVN có quy mô lớn và triển khai rất nhiều dự án, trong bối cảnh hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa hoàn thiện. Giữa quyết liệt, năng động, sáng tạo và vi phạm khuyết điểm là hết sức mong manh. Rất mong HĐXX xem xét trong bối cảnh 10 năm về trước, mô hình tập đoàn kinh tế thí điểm giai đoạn đầu, tiến độ căng thẳng.
Tập đoàn có báo cáo Chính phủ cho phép lựa chọn PVC là tổng thầu dự án NMNĐ Thái Bình 2 không?
PVC đã làm các dự án tương tự, tất nhiên phạm vi giữa tổng thầu và liên danh khác nhau. Năng lực PVC đã được kiểm nghiệm qua một số dự án như Nhiệt điện Cà Mau 1, Cà Mau 2... Có dự án đã giao cho liên danh PVC và Lilama đã mang lại hiệu quả hơn 100 triệu USD.
Dự án này khi có quyết định đấu thầu quốc tế rồi, bản thân bị cáo đã báo cáo, nếu Chính phủ cho phép, bị cáo tìm nhà thầu trong nước triển khai. Nếu không đạt được 100 triệu USD bị cáo xin từ chức. Thực tế dự án đó đã đạt được trên 100 triệu USD.
Nhận trách nhiệm cho thuộc cấp
Liên quan đến hợp đồng EPC số 33 (về việc “Thiết kế, chế tạo, kiểm tra và thử nghiệm, cung cấp, đóng gói và vận chuyển, giao hàng đến công trường, thông quan hàng hoá, bảo hiểm, dỡ hàng tại công trường, xây dựng, lắp đặt, chạy thử, nghiệm thu, bàn giao và bảo hành Công trình NMNĐ Thái Bình 2 gói thầu “EPC xây dựng nhà máy chính” thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình NMNĐ Thái Bình 2 (2x600MW)”), căn cứ pháp lý đánh giá chưa đủ?
HĐTV PVN không phải là chủ tài khoản, nên trách nhiệm đàm phán, ký kết hợp đồng không phải là HĐTV. Lần đầu tiên bị cáo biết hợp đồng 33 là khi VKS cho xem và chỉ ra sai sót. Với trách nhiệm là chủ tịch HĐTV, bị cáo không nhận được bất cứ báo cáo nào của Ban giám đốc, Ban quản lý hay bất cứ cá nhân nào về việc hợp đồng 33 sai thủ tục, thiếu căn cứ pháp lý.
Ông nhận thức thế nào về trách nhiệm liên quan đến hợp đồng EPC 33 không đủ căn cứ pháp lý?
Bị cáo Thực làm việc rất trách nhiệm, còn trách nhiệm tạm ứng là chủ đầu tư, ban điều hành, bị cáo không chỉ đạo gì về tạm ứng. Hai lần đầu nhận tạm ứng bị cáo không đồng ý, còn lần thứ 3 kính chuyển TGĐ giải quyết. Đến lần thứ 4 ngày 1/6, bị cáo có kết luận giao Ban quản lý dự án tạm ứng theo quy định đấu thầu là chỉ dùng vào nhiệt điện Thái Bình 2. Như vậy tạm ứng là trách nhiệm người được phân công, còn Chủ tịch HĐTV không phải nhiệm vụ đó, bị cáo không chỉ đạo cụ thể chuyển tiền lúc nào, bao nhiêu tiền.
Ông nói nhìn nhận sai phạm vơi tư cách người đứng đầu, có phần quyết liệt và nóng vội thì nên hiểu thế nào?
Bản thân bị cáo luôn chỉ đạo dưới tiến độ căng thẳng nhưng phải thực hiện đúng quy định pháp luật. Sau 10 năm nhìn lại, qua làm việc với cơ quan điều tra, VKS và tại tòa, bị cáo nhận thấy việc triển khai dự án ngày trước là còn sai và vi phạm. Giờ bị cáo đã biết và nhận thức là có trách nhiệm cảu bản thân bị cáo với tư cách làm người đứng đầu.
Với anh em, tham gia dự án NMNĐ Thái Bình 2, vì sự chỉ đạo quyết liệt và sức ép tiến độ dẫn đến anh em không đủ thời gian cần thiết triển khai, dẫn đến vi phạm quy trình. Bị cáo xin nhận trách nhiệm cho anh em về việc đó.
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp hỏi ông Đinh La Thăng:
Trong suốt quá trình xét xử, ông luôn nhận trách nhiệm là người đứng đầu. Ông có thể nói rõ hơn việc nhận trách nhiệm vì ông là người đứng đầu hay vì chức năng nhiệm vụ của người đứng đầu?
Bản thân bị cáo nhận trách nhiệm người đứng đầu. Còn về chức năng, nhiệm vụ, phạm vi trách nhiệm của Chủ tịch HĐTV, Ban giám đốc, Ban quản lý dự án đến đâu đã được pháp luật quy định, mong HĐXX xem xét cho phù hợp.
Sau khi đại diện HĐTV ký ban hành văn bản, ông với tư cách Chủ tịch HĐTV có trách nhiệm kiểm tra đôn đốc giám sát các đơn vị chức năng thực hiện triển khai nghị quyết hay không?
HĐTV ban hành nghị quyết thì bị cáo với trách nhiệm người đứng đầu còn thiếu kiểm tra, đôn đốc nên không cập nhật, không nắm được đủ thông tin. Hơn nữa, anh em nhiều dự án nên không kịp thời báo cáo, dẫn đến có sai về thủ tục, quy trình, vi phạm quy định pháp luật, không kịp thời phát hiện ra.
Nếu làm đầy đủ, làm hết trách nhiệm trong kiểm tra, đôn đốc thì có thể ngăn chặn kịp thời, không để ra hậu quả?
Nếu kiểm tra thường xuyên thì có thể phát hiện, chấn chỉnh. Giờ bị can đã nhận thức rõ sai sót thì nhận trách nhiệm đó.
Tác giả: Tiến Nguyên
Nguồn tin: Báo Dân trí