Tại tòa, bị cáo Đinh La Thăng đã xin được tại ngoại. Trịnh Xuân Thanh đề nghị HĐXX cho được sang Đức với vợ con sau khi kết thúc vụ án. VietNamNet phỏng vấn luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn luật sư Hà Nội) về việc này.
Theo luật sư, có cơ sở nào để cho phép ông Thăng cùng các bị cáo bị truy tố tội Cố ý làm trái được thay đổi biện pháp ngăn chặn?
Luật sư Vũ Ngọc Chi: Biện pháp ngăn chặn và thay đổi biện pháp ngăn chặn là một nguyên tắc xuyên suốt toàn bộ quá trình tố tụng gồm điều tra, truy tố, xét xử. Tuy nhiên, trong thực tế, việc áp dụng hoặc thay đổi biện pháp ngăn chặn bắt đầu từ giai đoạn điều tra và kết thúc ở giai đoạn tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Khi xét xử, tòa án tiếp theo phải tuân theo quy trình xét xử. Lúc này, tòa sẽ tập trung vào việc xét xử và gần như không xem xét đến vấn đề thay đổi biện pháp ngăn chặn nữa.
Việc thay đổi biện pháp này chỉ quay trở lại một lần duy nhất là khi tòa ra quyết định (ví dụ vụ hoa hậu Phương Nga) hoặc ra một phán quyết bằng bản án và kết thúc trình tự tố tụng ở giai đoạn sơ thẩm.
Bị cáo Đinh La Thăng nói lời nói sau cùng. Ảnh: TTXVN |
Tòa ra quyết định và thay đổi biện pháp ngăn chặn sẽ căn cứ vào khoản 2, điều 125, bộ luật Tố tụng hình sự. Khi tòa ra phán quyết bằng bản án, thì đây là việc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, sẽ căn cứ khoản 1, điều 125 bộ luật này.
Như vậy, chỉ khi tòa án ra một quyết định thì có thể các bị cáo được thay đổi biện pháp ngăn chặn. Còn nếu tòa án ra một phán quyết bằng bản án, thì đây sẽ là việc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, dựa trên các căn cứ pháp luật đã nêu trên.
Vậy trong trường hợp nào có thể áp dụng cho bị can, bị cáo được tại ngoại?
Tại ngoại hiểu nôm na là không phải ngồi tù. Đây là từ ngữ được sử dụng rộng rãi trong đời sống. Tuỳ thuộc vào giai đoạn tố tụng, mỗi cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định để bị can, bị cáo được thay đổi biện pháp ngăn chặn, hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn.
Như đã đề cập, các căn cứ gồm: Trong bộ luật Tố tụng hình sự, đó là các quy định về bảo lãnh, quy định về đặt tiền để bảo đảm cấm đi khỏi nơi cư trú, hoặc hủy bỏ, hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn.
Trường hợp bị can, bị cáo mắc bệnh hoặc có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn thì sao?
Tùy thuộc vào mức độ bệnh tật mà pháp luật có các quy định có lợi cho bị can, bị cáo. Cụ thể: Mắc bệnh dẫn đến hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi là tình tiết giảm nhẹ tại tiết q, khoản 1, điều 51, bộ luật Hình sự.
Mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo thì tạm đình chỉ điều tra theo điều 229, khoản 1, tiết b, bộ luật Tố tụng hình sự.
Bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa sẽ được miễn trách nhiệm hình sự theo điều 29, khoản 2, tiết b, bộ luật Hình sự.
Về vấn đề hoàn cảnh khó khăn, có thể được tòa án xem xét coi là tình tiết giảm nhẹ theo quy định khoản 2, điều 51, bộ luật Hình sự, chứ không thể coi là điều kiện để được tại ngoại.
Đề nghị không mang tính khả thi
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh trong lời nói sau cùng có đề nghị HĐXX, sau khi kết thúc vụ án, cho phép bị cáo được sang Đức để được ở gần vợ con. Luật sư thấy có cơ sở pháp lý nào để xem xét đề nghị này của Trịnh Xuân Thanh không?
Nếu hiểu sau khi kết thúc vụ án là bản án có hiệu lực pháp luật thì mặc dù đây là nguyện vọng của ông Thanh, nhưng xét theo quy trình, đây là điều không mang tính khả thi, bởi lẽ phụ thuộc vào các yếu tố loại hình phạt (nếu có).
Nếu hình phạt chính là hình phạt tù, thì sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, bị cáo phải tiếp tục bị giam để đảm bảo thi hành án. Trường hợp hình phạt chính không phải hình phạt tù thì còn cần xem xét hình phạt phụ là gì, và các phán quyết trong bản án về loại hình phạt phụ hoặc việc khắc phục hậu quả gây ra (nếu có).
Nếu loại bỏ hoàn toàn được các yếu tố trên thì nguyện vọng của ông Thành có thể đạt được.
Tác giả: T.Nhung
Nguồn tin: Báo VietNamNet