Chưa đợi đến ngày nhậm chức, Trump đã kịp vài lần xáo trộn chính sách của chính quyền đương nhiệm. Chỉ trong 24 giờ, ông muốn lật ngược tính toán của Tổng thống Obama tại Liên Hợp Quốc, tuyên bố nước Mỹ phải tăng cường năng lực hạt nhân và thay đổi nhà sản xuất chiến đấu cơ của Lầu Năm Góc.
Trump cũng liên tục tuyên bố cứng rắn với Trung Quốc. Trong lúc chính quyền Obama tuyên bố Trung Quốc phải trả lại chiếc tàu lặn không người lái (UUV) Bắc Kinh thu giữ trên Biển Đông, Trump lên Twitter tuyên bố: "Trung Quốc cứ giữ lấy chiếc UUV".
Các tuyên bố của Trump có thể mơ hồ và tác động của chúng về lâu dài là gây tranh cãi. Tuy nhiên, việc liên hệ với Israel và Ai Cập là những can thiệp không thể chối cãi vào công việc của chính quyền đương nhiệm.
Trump tỏ ra quý mến Obama về mặt cá nhân nhưng điều đó không xóa được khác biệt quan điểm quá lớn giữa hai người. Ảnh: Getty.
Việc khác nhau trên một loạt vấn đề giữa hai người được New York Times miêu tả như "hai chính quyền tranh chấp tay đôi với nhau." Động thái này cũng đi ngược nguyên tắc: nước Mỹ chỉ nên có một tổng thống vào mỗi thời điểm.
Về phần mình, chính quyền Obama cũng đang có những động thái quyết liệt để bảo vệ di sản. Trong tuần này, Obama đã ban hành lệnh cấm vĩnh viễn đối với việc khai thác dầu và khí đốt ở một khu vực rộng lớn thuộc Bắc cực và Đại Tây Dương.
Lệnh cấm của ông Obama dựa vào Luật Thềm lục địa năm 1953 của Mỹ. Nếu muốn lật lại lệnh này, ông Trump phải kiện ra tòa và quy trình pháp lý để đảo ngược lệnh cấm sẽ kéo dài nhiều năm.
Đây được xem là bước chuẩn bị của Tổng thống Obama để bảo vệ di sản môi trường của mình trong bối cảnh người kế nhiệm luôn tuyên bố biến đổi khí hậu chỉ là trò lừa và dọa rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu.
Tổng thống Obama đang làm hết sức để cứu vãn những di sản trong 8 năm nhiệm kỳ của mình. Ảnh: Getty.
Trump đang cố vô hiệu hoá chính quyền Obama
"Nói một cách nào đấy, Trump đang cố vô hiệu hóa chính quyền Obama", New York Times dẫn lời Douglas G. Brinkley, giáo sư sử học và là người nghiên cứu về các tổng thống tại Đại học Rice (Mỹ).
"Họ tránh công kích lẫn nhau. Nhưng sau hậu trường, họ tìm cách phá lẫn nhau. Tôi không thấy cách nào để người Mỹ hưởng lợi từ việc đó", Brinkley nói tiếp.
Sự sốt sắng được can thiệp vào chính sự của ông Trump là trái ngược với Obama thời ông vừa đắc cử nhưng không phải chưa có tiền lệ trong lịch sử Mỹ.
CNN cho biết năm 2008, ít lâu sau khi Obama đắc cử, tổng thống George W. Bush mời người kế nhiệm đến tham dự cuộc họp của nhóm G20 tại Washington. Các cộng sự của Obama đánh giá rằng sự xuất hiện của tổng thống tân cử có thể gửi một thông điệp trái ngược đến các đồng minh của Mỹ. Đội ngũ của Obama khi đó đang phác thảo một chính sách kinh tế khác hẳn với Bush.
Ngược với Obama, Richard M. Nixon đã gửi 2 thân tín Henry A. Kissinger và Robert Ellsworth đến gặp gỡ các quan chức Xô Viết để chuyển quan điểm của ông về Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, lúc ấy đang được tổng thống Lyndon B. Johnson thúc đẩy.
New York Times nhận định nhìn chung, các tổng thống tân cử có xu hướng tránh can thiệp vào chính sách của người tiền nhiệm khi họ chưa nhậm chức.
Mới đây, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vừa bỏ phiếu thông qua nghị quyết lên án việc Israel xây dựng các khu định cư trên lãnh thổ Palestine. Mỹ, đồng minh lâu năm của Israel, đã bỏ phiếu trắng và không dùng quyền phủ quyết để ngăn chặn nghị quyết này.
Chính quyền Obama cảnh báo rằng việc Tel Aviv tiếp tục xây khu định cư đã cản trở cơ hội đạt giải pháp hai nhà nước để chấm dứt cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Tổng thống tân cử Donald Trump không nghĩ vậy.
Từ Twitter đến điện đàm với Tổng thống Ai Cập
Trước đó một ngày, Trump, thông qua Twitter - kênh phát ngôn yêu thích của ông, đã yêu cầu chính quyền Obama phủ quyết nghị quyết trên. Quan trọng hơn, đội ngũ của Trump đã chủ động liên hệ với giới chức Israel và Ai Cập. Ai Cập là nước soạn thảo nghị quyết lên án Israel.
Đội ngũ của Trump đã can thiệp vào quá trình bỏ phiếu của chính quyền Obama tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ảnh: Getty.
Các quan chức Israel tiết lộ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã liên hệ với đội ngũ của Trump để yêu cầu giúp đỡ khi biết rằng chính quyền Obama có thể sẽ "nhắm mắt" cho nghị quyết được thông qua. Sau đó, Tổng thống tân cử Trump đã gọi cho Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah al-Sisi, dẫn đến việc chính Cairo cho hoãn phiên họp bỏ phiếu thông qua nghị quyết ngày 22/12.
Đến ngày 23/12, New Zealand, Malaysia, Venezuela và Senegal - 4 nước đồng soạn thảo nghị quyết - vẫn kiên quyết triệu tập phiên họp bỏ phiếu thông qua.
Sẽ khác sau 20/1
Sau khi nghị quyết được thông qua, ông Trump viết trên Twitter: "Mọi chuyện với Liên Hợp Quốc sẽ khác, sau ngày 20/1".
Các nhà quan sát nhận định nghị quyết của Liên Hợp Quốc, vốn không kèm theo các biện pháp trừng phạt, sẽ không ảnh hưởng gì đến Israel, đặc biệt khi Tel Aviv biết rằng Trump sẽ lên nắm quyền và xem Israel là đồng minh quan trọng nhất, không thể mất tại Trung Đông.
Chính quyền Obama cũng không ngồi im. "Quan điểm của chúng tôi là mỗi thời điểm chỉ có một tổng thống", New York Times dẫn lời Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Ben Rhodes.
"Tổng thống Obama vẫn là tổng thống Mỹ cho đến ngày 20/1 (năm sau). Mọi hành động của chúng tôi là một phần trong chính sách của Mỹ", ông Rhodes tuyên bố và thêm rằng họ "chắc chắn" Tổng thống tân cử Trump sẽ hành động khác sau khi ông nhậm chức.
Thế nhưng, ít ra giáo sư Brinkley nói đúng về việc Obama và Trump đang tránh công kích nhau. Chính xác hơn, kể từ sau ngày Trump đắc cử tổng thống Mỹ, cả ông và Obama đều dành cho nhau những lời tốt đẹp.
Tổng thống tân cử Mỹ liên tục nói rằng ông "thật sự thích Obama". Trong khi đó, Nhà Trắng thông báo 2 vị tổng thống thường xuyên nói chuyện qua điện thoại với nhau.
Tác giả bài viết: Phương Thảo
Nguồn tin: