Thuế phí chồng chất
Để được sở hữu một chiếc ô tô đang là mơ ước của nhiều người. Tuy nhiên, nhìn vào danh sách các loại thuế, phí mà chủ xe ô tô ở Việt Nam đang phải gánh chịu, nhiều người sẽ không khỏi cảm thấy nặng gánh.
Hiện nay, ô tô cá nhân bán trên thị trường trong nước phải chịu 3 loại thuế bắt buộc, gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng.
Với thuế nhập khẩu, từ 1/1/2018 ô tô nhập khẩu nguyên chiếc trong khu vực ASEAN về, đã giảm xuống mức 0%. Xe nhập khẩu nguyên chiếc ngoài khu vực ASEAN, vẫn phải chịu thuế từ 50-70%. Còn xe lắp ráp trong nước, nếu DN nào đạt quy mô 8.000 xe/năm và một mẫu xe riêng đạt 2.000 xe/năm, thì bộ linh kiện nhập khẩu được hưởng thuế 0%. Những DN có quy mô sản xuất nhỏ và mẫu xe riêng không đạt 2.000 xe/năm, vẫn phải chịu mức thuế khoảng 14%.
Với thuế tiêu thụ đặc biệt, xe chở người dưới 10 chỗ đang chịu từ 35-150% tùy dung tích xi-lanh. Tiếp đến là thuế giá trị gia tăng, các xe cùng phải chịu mức 10%.
Điều đáng nói là các loại thuế này lại đánh chồng lên nhau. Một chiếc xe nhập khẩu nguyên chiếc về cảng, đầu tiên sẽ bị đánh thuế nhập khẩu căn cứ trên giá nhập và sau đó thuế tiêu thụ đặc biệt, đánh trên giá nhập cộng với thuế nhập khẩu. Cuối cùng là thuế giá trị gia tăng, đánh trên giá nhập đã có thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt. Vì vậy, giá xe đã bị lên cao. Thuế hiện chiếm tỷ lệ từ 40-60% trong giá bán 1 chiếc xe con hiện nay.
Đặc biệt với dòng xe sang có dung tích từ 3.0L trở lên, đang phải chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt cao từ 90%-150%, khiến giá xe tăng cao ngất ngưởng.
Một chiếc xe Lexus RX350 mới 100%, xuất xứ Nhật Bản, được chính hãng nhập về Việt Nam, có giá 40.000 USD tương đương hơn 900 triệu, nhưng sau khi tính đủ 3 loại thuế kể trên, chi phí đã tăng lên 125.000 USD gần 3 tỷ đồng, cao gấp 3 lần giá gốc. Đấy là chưa kể đến các chi phí khác và lợi nhuận của DN.
Ngoài ra, thuế thu nhập DN cũng được tính vào giá xe, cùng với đó là một loạt các loại phí. Phí với ô tô con gồm có: phí trước bạ với mức thu 10-12% giá bán xe tùy từng địa phương. Ngoài ra là phí cấp biển số 2-20 triệu đồng, tùy từng địa phương, phí đăng kiểm, phí cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn kỹ thuật, phí sử dụng đường bộ, phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự, phí thử nghiệm khí thải. Khi mua xăng dầu để chạy, lại phải chịu thêm thuế môi trường nữa.
Điều này khiến giá xe ở Việt Nam cao gấp 2-3 lần so với một nước phát triển.
Tiếp tục tận thu ô tô?
Bộ Tài chính có đề xuất muốn thu thêm thuế tài sản với ô tô có giá từ 1,5 tỷ trở lên. Giá tính thuế đối với ô tô có giá trị từ 1,5 tỷ đồng trở lên là giá làm căn cứ để tính lệ phí trước bạ (tức là giá bán lẻ trên thị trường). Mức thuế dự kiến áp dụng có 2 phương án, một là đánh thuế 0,3%, hai là đánh thuế 0,4%. Với ô tô đã qua sử dụng, giá tính thuế được xác định bằng giá trị tài sản mới, nhân với tỷ lệ phần trăm (%) chất lượng còn lại của tài sản.
Như vậy, một chiếc ô tô có trị giá 2 tỷ đồng thì phần giá trị bị đánh thuế là 500 triệu đồng, với thuế suất 0,3% hoặc 0,4%. Người mua xe sẽ phải nộp thuế từ 1,5-2 triệu đồng/năm. Với những chiếc xe có giá cao hơn sẽ nộp nhiều hơn. Chẳng hạn chiếc xe có giá 3 tỷ đồng thì phần chênh 1,5 tỷ đồng sẽ phải đóng thuế với số tiền từ 4,5-6 triệu đồng/năm.
Với ô tô có giá từ 1,5 tỷ đồng trở lên được gọi là xe sang. Theo số liệu từ các cơ quan chức năng, năm 2017, cả nước tiêu thụ khoảng 10.000 chiếc xe sang các loại. Trong đó, 60% là xe có giá trị từ 3 tỷ đồng trở xuống. Cứ tạm tính bình quân thuế tài sản thu được từ mỗi chiếc xe là 10 triệu đồng/năm sẽ thu được 100 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, những chiếc xe sang đang sử dụng, còn giá trị trên 1,5 tỷ đồng, ước tính thu thêm được vài trăm tỷ nữa.
Tính ra mỗi năm thu thuế tài sản từ ô tô không vượt quá con số 500 tỷ đồng. Khoản thu được không phải là nhiều. Và số thu này sau khi trừ đi chi phí thu thuế, còn lại được bao nhiêu? Những chiếc xe sang có giá từ 1,5 tỷ đồng trở lên đã phải chịu thuế cao rồi, nay lại tiếp tục bị đánh thuế tài sản dựa trên giá bán ra, thì thêm một lần nữa thuế chồng thuế.
Mọi việc còn việc rắc rối hơn, nhất là với xe đang sử dụng, việc xác định giá trị còn lại để tính thuế sẽ rất khó khăn và sẽ gây nhiều tranh cãi.
Không những thế, đang có so sánh giữa nhà ở với ô tô. Trong khi nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng, hoặc 1 tỷ đồng trở lên, đã bị đánh thuế tài sản, tại sao với ô tô lại từ 1,5 tỷ đồng trở lên mới bị đánh thuế?
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng để ngỏ phương án khác là không đánh thuế tài sản đối với tàu bay, du thuyền và ô tô. Lấy lý do là kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hiện chỉ có 3 nước đánh thuế tài sản đối với động sản bao gồm máy móc thiết bị, phương tiện (trong đó có ô tô, tàu bay, tàu thuyền).
Tác giả: Trần Thủy
Nguồn tin: Báo VietNamNet